Khái niệm về hoạt động của Thanh tra bộ. Hoạt động thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Các hoạt động chủ yếu của Thanh tra bộ gồm: Hoạt động thanh tra, Các hoạt động khác trong công tác thanh tra, hoạt động hành chính khác.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm hoạt động của Thanh tra bộ:
Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2003, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 452: “Hoạt động” là động từ, là việc tiến hành những việc làm có quan hệ với nhau chặt chẽ nhằm một mục đích nhất định trong đời sống xã hội. Vận động, cử động nhằm một mục đích nhất định nào đó. Thực hiện một chức năng nhất định nào đó trong một chỉnh thể. Tạo ra một tác dụng nào đó.
Hoạt động đóng vai trò quan trọng trong cơ quan nhà nước. Hoạt động giúp tổ chức, duy trì một hệ thống các bộ phận, chức vụ với các chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu. Từ đó, tạo ra mối liên hệ giữa các bộ phận, xác định nhiệm vụ cụ thể cần phải thực hiện. Hoạt động gắn với mục đích của cá nhân, tập thể để đạt đến kết quả mong muốn. Trong HTCT, hoạt động nhà nước được phân ra dựa theo cơ cấu phân chia quyền lực nhà nước được quy định trong Hiến pháp, cụ thể có ba nhánh quyền lực nhà nước gồm quyền lập pháp với hoạt động chính là lập hiến và lập pháp, quyền tư pháp với hoạt động chính là xét xử, tài phán và quyền hành pháp với hoạt động chính là chấp hành và điều hành dựa trên cơ sở pháp luật hay hoạt động HCNN.
Hoạt động thanh tra đóng vai trò tích cực đối với QLNN. Hoạt động thanh tra nhằm xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật, các quyết định trong quản lý của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý đối với những hành vi vi phạm và đề ra các biện pháp giúp các đối tượng thanh tra khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Thanh tra là phương tiện để chủ thể quản lý phát hiện những biểu hiện trì trệ, không phù hợp với thực tế khách quan của cơ chế và phương tiện quản lý và đang cản trở các hoạt động QLNN, từ đó đề xuất các biện pháp cải cách, hoàn thiện các hoạt động của QLNN. Thanh tra là hoạt động thường xuyên của cơ quan QLNN nhằm đảm bảo các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tính chất thường xuyên của hoạt động có tác dụng phòng ngừa các vi phạm pháp luật. Đồng thời, thông qua hoạt động thanh tra giúp phát hiện những nhân tố tích cực, khuyến khích, động viên giúp đỡ tạo điều kiện cho những nhân tố tích cực phát triển.
Hoạt động thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành:
Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.
Hoạt động thanh tra bao gồm các nội dung:
Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thi hành công vụ của cơ quan và công chức nhà nước. Thông qua hoạt động này, thanh tra góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch BMNN, phát hiện ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của quan chức nhà nước;
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý theo ngành, lĩnh vực của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Thanh tra trách nhiệm tố cáo, thanh tra trách nhiệm chính. Thông qua hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thực hiện công tác PCTN của thủ trưởng cơ quan hành thanh tra sẽ góp phần tăng cường tính kỷ luật trong QLNN, thực hiện dân chủ XHCN và góp phần vào công tác PCTN;
Thanh tra các hoạt động quản lý kinh tế, quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác có sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước. Thông qua hoạt động này, công tác thanh tra góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng như các hành vi tiêu cực khác trong hoạt động kinh tế – xã hội;
Nội dung thanh tra theo kế hoạch là việc tiến hành thanh tra theo chương trình đã được Thanh tra Chính phủ định hướng trên cơ sở đề xuất của các CQTTNN và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo từng năm. Nội dung thanh tra theo kế hoạch phải phù hợp với chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của ngành, của chính quyền cùng cấp. Đây là căn cứ quan trọng bởi vì thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan thanh tra phát hiện phải đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra đảm bảo nguồn lực và nhân lực tiến hành theo kế hoạch đề ra;
Nội dung thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN hoặc do Thủ trưởng cơ quan QLNN cùng cấp giao;
Hoạt động giám sát thanh tra nhằm đánh giá sự chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của đoàn thanh tra. Thông qua hoạt động giám sát thanh tra đánh giá được các ưu điểm và nhược điểm trong mối quan hệ chỉ đạo giữa trưởng đoàn thanh tra với thành viên đoàn thanh tra, phương pháp tiến hành thanh tra và việc chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra;
Hoạt động xử lý sau thanh tra nhằm các kết luận thanh tra, các kiến nghị, đề xuất trong quá trình thanh tra phải được thực hiện để bảo mục đích đề ra thông qua công tác thanh tra.
Thực hiện vai trò trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: tiếp công dân là một bước quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, là quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận, giải thích, hướng dẫn công dân khi đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo. Tiếp công dân là bước đầu tiếp nhận, giải quyết các tiếp nhận về khiếu nại, tố cáo là bước tiếp theo nhằm xem xét tính hợp pháp, tính hợp lý để đưa ra các biện pháp cụ thể theo quy định pháp luật hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và lợi ích chung của nhà nước và xã hội.
Thực hiện vai trò PCTN nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi tiêu cực xảy ra trong BMNN. Thông qua công tác PCTN sẽ loại bỏ các thành phần gây ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến xã hội và phát triển của đất nước.
Thanh tra bộ nằm trong cơ cấu, tổ chức của bộ là cơ quan hành chính ở trung ương thể hiện đầy đủ tính chất của cơ quan HCNN, hoạt động thanh tra có đặc điểm chung với các đơn vị cục, vụ, tổng cục và tương đương khi được quy định chung tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và được quy định riêng tại pháp luật chuyên ngành về tổ chức và hoạt động tại Luật Thanh tra năm 2010, các Nghị định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra trong ngành, lĩnh vực. Tuy có nhiều văn bản quy định về hoạt động nhưng Thanh tra bộ vẫn mang đầy đủ đặc điểm của cơ quan HCNN. Hoạt động của Thanh tra bộ vẫn nằm trong tổng thể các quy định của ngành thanh tra với mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QLNN; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động của cơ quan Thanh tra bộ bao gồm các hoạt động thanh tra và các hoạt động hành chính với nội dung, mục đích cụ thể.
2. Các hoạt động chủ yếu của Thanh tra bộ gồm:
2.1. Hoạt động thanh tra:
Thanh tra hành chính: Thanh tra bộ thực hiện hoạt động thanh tra hành chính giúp Bộ trưởng quản lý các cơ quan HCNN cấu thành của cơ quan Bộ có trụ sở ở trung ương và cơ quan của Bộ đặt tại địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ thành lập, các tổ chức có có sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước do Bộ quản lý trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với các nội dung chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thi hành công vụ của cơ quan và công chức nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác PCTN của thủ trưởng cơ quan hành chính. Mục đích làm trong sạch BMNN, phát hiện ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của quan chức nhà nước, tăng cường tính kỷ luật trong QLNN, thực hiện dân chủ XHCN và góp phần vào công tác PCTN.
Thanh tra chuyên ngành: Thanh tra bộ tiến hành thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực; việc chấp hành pháp luật về quản lý theo ngành, lĩnh vực của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền ngành, lĩnh vực Bộ quản lý nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm; tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
2.2. Các hoạt động khác trong công tác thanh tra:
Xây dựng, chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm: Thanh tra bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ để tiến hành các hoạt động thanh tra, xử lý việc chồng chéo đối với các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh và Thanh tra sở. Việc ban hành kế hoạch thanh tra để xác định phương hướng, nhiệm vụ thanh tra trong khoảng thời gian cụ thể và căn cứ để đối tượng thanh tra chuẩn bị các nội dung thanh tra;
Thực hiện vai trò tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân: Thanh tra bộ thực hiện vai trò tiếp công dân nhằm tiếp nhận các thông tin của công dân đến cơ quan Bộ, các cơ quan thuộc Bộ và giải quyết các yêu cầu, xử lý thông tin theo quy định pháp luật;
Thực hiện vai trò PCTN: Thanh tra bộ có vai trò giúp Bộ trưởng thực hiện công tác PCTN đối với các đơn vị thuộc Bộ. Thông qua hoạt động PCTN sẽ giúp phát hiện các hành vi tiêu cực xảy ra trong hoạt động hành chính, các yếu tố ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, ngành. Từ đó loại bỏ các thành phần tiêu cực đảm bảo cho bộ máy được hoạt động bình thường, đồng thời phát hiện những nhân tố tích cực trong PCTN nhằm phát huy, nhân rộng để đẩy lùi tham nhũng;
Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra: hoạt động này mang tính nội bộ của Thanh tra bộ được pháp luật về thanh tra quy định với mục đích giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, việc chấp hành chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra, thực hiện quá trình thanh tra và việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra về những hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và đoàn thanh tra.
Các hoạt động xử lý sau thanh tra, xử lý kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra: là hoạt động kiểm tra sau khi kết thúc cuộc thanh tra, ban hành kết luận thanh tra nhằm đề nghị đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra, kết luận thanh tra của Thanh tra bộ; công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, cơ quan điều tra, viện kiểm sát để xử lý các vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra.
2.3. Các hoạt động hành chính khác:
Hoạt động mang tính pháp lý: Thanh tra bộ với các đặc điểm của cơ quan hành chính, Chánh Thanh tra bộ có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong
Hoạt động ít mang tính pháp lý: Thực hiện chuẩn bị các nội dung, thu thập tài liệu, trình tự thủ tục cần thiết để ban hành các quyết định hành chính, ban hành quyết định thanh tra
Hoạt động không mang tính pháp lý: tổ chức hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi công tác, tổ chức các phong trào thi đua, thể thao, lấy ý kiến tham khảo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổ chức lấy ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ và nhiều hoạt động khác.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra: hoạt động này xuất phát từ các quy định trong Luật Thanh tra năm 2010 về giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến trách nhiệm Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra, khiếu nại về hành vi của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra, khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo đối với các đoàn thanh tra do Thanh tra bộ thành lập. Các hành vi hành chính, quyết định hành chính khác của Chánh Thanh tra bộ. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính đề cập ở phần này không phải hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thanh tra mà xét trách nhiệm giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan hành chính, cơ quan hành chính đối với hoạt động hành chính mà cơ quan hành chính đó tiến hành. Trường hợp này có thể thấy Thanh tra bộ cũng là cơ quan hành chính nên trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của người đứng đầu là Chánh Thanh tra bộ bắt buộc phải thực hiện. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra của Bộ với bao hàm chủ thể khiếu nại, tố cáo đối với các hoạt động hành chính của cơ quan Bộ, các cơ quan thuộc Bộ, các lĩnh vực Bộ, ngành quản lý với trách nhiệm tham mưu giải quyết là Thanh tra bộ.
Hoạt động của Thanh tra bộ với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng QLNN về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi QLNN theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN theo quy định của pháp luật. Ngoài các hoạt động thanh tra, Thanh tra bộ còn thực hiện các chức năng khác của cơ quan HCNN với các hoạt động HCNN đặc thù. Các hoạt động HCNN này vừa là một phần của hoạt động của Thanh tra bộ vừa một phần bổ trợ cho các hoạt động thanh tra của Thanh tra bộ.
Thanh tra trong công tác QLNN cùng với nhiều quy định nhằm điều chỉnh xã hội, hành vi của con người, duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự. Hoạt động thanh tra đóng vai trò phát hiện và loại bỏ lệch lạc có thể có của đối tượng quản lý, chấn chỉnh lại các quy định cho phù hợp với thực tế. Trong quá trình hoạt động cùng sự phát triển của xã hội, hoạt động thanh tra đòi hỏi đáp ứng các nhu cầu thực tiễn thay đổi cùng với đó là sự thay đổi về pháp luật cũng như nhận thức của hoạt động QLNN. Đổi mới là yếu tố tất yếu nhằm đảm bảo hoạt động thanh tra duy trì được vai trò của mình trong công tác quản lý xã hội, là công cụ đắc lực của công tác QLNN.