Khái niệm vật chứng và xử lý vật chứng trong luật tố tụng hình sự. Các quan điểm về định nghĩa vật chứng hiện nay. Phân loại vật chứng trong TTHS.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm vật chứng trong luật tố tụng hình sự:
Vật chứng trong TTHS là một khái niệm có tính lịch sử, từ không được nhắc tới, gần như không có vai trò đối với việc giải quyết vụ án hình sự trong thời kỳ tố tụng tố cáo, cho đến khi trở thành một phương tiện quan trọng để chứng minh tội phạm như hiện nay, khái niệm vật chứng đã dần được hoàn thiện cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiễn. Trong khoa học pháp lý Việt Nam thời gian qua, dưới những góc độ tiếp cận khác nhau, một số khái niệm về chứng cứ đã đưa ra như sau:
Quan điểm thứ nhất: Vật chứng là những vật (đồ vật, động vật, thực vật, các chất rắn, lỏng, …) mà dựa vào đó có thể xác định các sự kiện có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Những vật mang những thông tin xác định sự kiện đã xảy ra có liên quan đến vụ án hình sự. Việc khai thác các thông tin từ vật chứng khác với việc khai thác các thông tin từ lời khai của những người tham gia TTHS (người làm chứng, người bị hại, …). Thông tin do người tham gia TTHS cung cấp được mã hóa dưới dạng lời nói và chữ viết. Với những ngôn ngữ này, con người có thể hiểu được ngay về sự việc mà các thông tin này xác định. Song việc khai thác các thông tin từ vật chứng lại đòi hỏi sự quan sát trực quan, tỉ mỉ, có sử dụng đến các phương tiện hỗ trợ và các thành tựu khoa học khác. Cho nên, có người gọi vật chứng là “nhân chứng câm”.
Quan điểm thứ hai: Vật chứng là vật có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội cũng như các tình tiết khác cần cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Hai quan điểm này đã chỉ ra được đặc điểm quan trọng trong nội hàm khái niệm chứng cứ – giá trị chứng minh của chứng cứ nhưng chưa chỉ ra được đặc điểm về tính hợp pháp của chứng cứ.
Quan điểm thứ ba: Vật chứng là vật thể được thu thập theo thủ tục do pháp luật TTHS quy định, chứa đựng các thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Quan điểm thứ ba đã chỉ ra đặc điểm về tính hợp pháp của vật chứng, tuy nhiên cũng giống như hai quan điểm trên, các quan điểm này mở rộng phạm vi đối tượng được xem là vật chứng quá lớn “có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự”, “các tình tiết khác cần cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Trong một vụ án hình sự ngoài chứng minh tội phạm và người phạm tội, còn rất nhiều những nội dung khác cần chứng minh có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Tất các các vật thể mang thông tin có ý nghĩa đối với quá trình giải quyết vụ án đều được xác định là vật chứng và phải được thu thập, bảo quản và xử lý theo quy định của pháp luật về vật chứng thì sẽ là một áp lực lớn đối với các chủ thể tiến hành tố tụng.
Trên cơ sở các quan điểm về vật chứng nêu trên, dựa trên lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng về nhận thức, tác giả cho rằng, vật chứng là những vật thể chứa đựng những thông tin có thể xác định là chứng cứ của vụ án hình sự nếu thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.
– Tính khách quan: Vật thể là vật chứng dùng để chứng minh tội phạm phải có thật và tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người. Những dấu vết của tội phạm tồn tại khách quan và được lưu giữ ở dạng vật chất là nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh tội phạm. Tội phạm là hành vi cụ thể của con người thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan, hoạt động tội phạm hoạt động vật chất. Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng phản ánh là thuộc tính của vật chứng. Phản ảnh là khả năng, lưu giữ, tái hiện của hệ thống vật chất này những đặc điểm của hệ thống vật chất khác được hình thành trên sự tác động qua lại giữa các hệ thống vật chất. Vụ án hình sự là một quá trình vật chất xảy ra trong hiện thực, là hiện tượng tồn tại khác quan trong thế giới vật chất.
Do đó, vụ án hình sự được thế giới khách quan phản ánh lại bao gồm phản ánh vật chất và phản ánh ý thức. Kết quả của quá trình phản ánh vật chất chính là vật chứng – những dấu vết, vật thể, các chất ở thể rắn, lỏng, khí, … mà con người có thể tri giác trực tiếp được hoặc thông qua các công cụ phương tiện khoa học mà thấy được. Từ khi phản ánh những thông tin, dấu vết mà tội phạm để lại, vật chứng đã mang trong mình giá trị chứng minh, không phụ thuộc vào việc chủ thể có trách nhiệm chứng minh có nhận thức được giá trị chứng minh của nó hay không và nhận thức đến mức độ nào. Tự thân vật chứng tồn tại một cách độc lập thông qua quá trình tác động với tội phạm, không phụ thuộc vào việc người phạm tội hay bất kỳ chủ thể nào khác có mong muốn nó tồn tại hay không.
– Tính liên quan: Vật chứng phải liên quan đến vụ án, chứng minh cho vấn đề cần biết nhưng chưa biết trong vụ án hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc đầu tiên cần làm cũng chính là mục đích cuối cùng mà các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng mong muốn đạt được chính là xác định đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự. Toàn bộ những sự kiện, tình tiết liên quan đến tội phạm xảy ra trong thực tế khách quan là đối tượng chứng minh trong vụ án, đòi hỏi các chủ thể tố tụng phải làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án. Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động chứng minh tội phạm thì mỗi nước đều phải quy định đối tượng chứng minh trong pháp luật nước mình nhưng nội dung và phạm vi đối tượng chứng minh trong pháp luật các nước có sự khác nhau. Mặc dù có phạm vi, cách thức, mức độ khác nhau nhưng thông qua pháp luật, các quốc gia đều đề cập đến đối tượng chứng minh trong VAHS với những nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Sự kiện phạm tội,
(2) Hành vi phạm tội,
(3) Những tình tiết chứng minh ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự và hình phạt,
(4) Những tình tiết chứng minh cho các căn cứ chứng minh trong vụ án hình sự,
(5) Những tình tiết chứng minh trong vụ án hình sự được giải quyết theo thủ tục tố tụng đặc biệt,
(6) Những tình tiết chứng minh để giải quyết các vấn đề tố tụng trong vụ án hình sự,
(7) Những tình tiết làm căn cứ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và những tình tiết khác cần phải làm rõ khi giải quyết vụ án
(8) Những tình tiết trong vụ án hình sự không phải chứng minh.
Quá trình tiến hành tố tụng ban đầu, những nhận thức về sự việc phạm tội còn ít, chưa hiểu rõ cơ chế tội phạm để lại thông tin, dấu vết trên các vật thể bên ngoài thế giới khách quan nên chủ thể có trách nhiệm chứng minh có thể sẽ thu giữ nhiều đối tượng vật chất có nghi ngờ liên quan đến sự việc phạm tội, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Các vật thể này có thể có liên quan đến vụ án hình sự ở mức độ nhất định nào đó, có thể là căn cứ chứng minh cho một trong các đối tượng cần chứng minh trong vụ án hình sự đã nêu trên.
Tuy nhiên, không phải tất cả những vật thể này đều là vật chứng của vụ án, chỉ những vật thể mang thông tin có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội mới là vật chứng của vụ án. Nghĩa là, vật chứng chỉ là những vật thể chứng minh các nội dung: sự kiện phạm tội, hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự và hình phạt; các vật thể chứng minh cho các nội dung khác không phải là vật chứng của vụ án. Nhiều quan điểm cho rằng, các vật thể mang thông tin có giá trị chứng minh các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án đều là vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, như đã phân tích nêu trên, việc mở rộng như vậy sẽ gây khó khăn cho việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng của các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
– Tính hợp pháp: Khoa học luật tố tụng hình sự đã chỉ ra rằng, tính hợp pháp của chứng cứ nói chung được thể hiện trên 02 phương diện, đó là chứng cứ phải được xác định từ những nguồn chứng cứ và được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Luật tố tụng hình sự. Vật chứng bản thân đã là một nguồn chứng cứ hợp pháp, do đó, để đảm bảo tính hợp pháp thì vật chứng phải được thu thập, bảo quản bởi những chủ thể có thẩm quyền, bằng những biện pháp hợp pháp do pháp luật quy định. Tùy thuộc từng mô hình TTHS, từng giai đoạn mà pháp luật quy định cụ thể về thẩm quyền, biện pháp thu thập, bảo quản vật chứng sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, dù là mô hình TTHS nào cũng đòi hỏi tính hợp pháp của chứng cứ, nghĩa là chúng phải được thu thập bằng những biện pháp thu thập chứng cứ do luật định.
Thông thường các biện pháp đó bao gồm: khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, giám định, định giá, … Vật chứng là phương tiện quan trọng để chứng minh tội phạm, giá trị chứng minh của vật chứng cao, chứa đựng các dấu vết của tội phạm do đó việc phát hiện, thu thập, bảo quản vật chứng phải hết sức cẩn trọng, nếu mất nguồn sẽ mất đi sự kiện chứng minh. Tuyệt đối không để mất mát, hư hỏng hay bị tiêu hủy hoặc đánh tráo. Khi thu thập vật chứng, vật chứng phải được mô tả tỉ mỉ đặc điểm của vật đó như: màu sắc, khối lượng, trọng lượng, hình dáng, những dấu vết tội phạm để lại ở vật chứng, nơi tìm thấy hoặc người cung cấp. Những vật chứng không được thu thập, bảo quản bằng những biện pháp hợp pháp trên thì không được coi là vật chứng để chứng minh tội phạm. Như vậy, tính hợp pháp của vật chứng thể hiện trên 02 phương diện: vật chứng là nguồn chứng cứ được quy định trong luật TTHS; các biện pháp thu thập vật chứng được quy định trong luật TTHS.
Các thuộc tính nêu trên có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau trong thể thống nhất , thiếu một trong các thuộc tính đó sẽ không thể là vật chứng trong vụ án hình sự.
Vật chứng trong vụ án hình sự cần được phân loại theo các nhóm để đánh giá và xử lý phù hợp. Căn cứ vào đặc điểm của quá trình xuất hiện và tham gia vào quá trình xảy ra vụ án hình sự, phân chia vật chứng thành 04 loại sau:
(1) Vật chứng là vật làm công cụ, phương tiện phạm tội;
(2) Vật chứng là những vật mang dấu vết của tội phạm;
(3) Vật chứng là những vật được coi là đối tượng của tội phạm;
(4) Vật chứng là những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Căn cứ vào giá trị chứng minh của vật chứng, có thể chia vật chứng thành hai loại là vật chứng dùng để chứng minh tội phạm và vật chứng dùng để chứng minh người phạm tội [8, tr. 97-98].
Căn cứ vào tính năng, tác dụng của vật chứng mà người ta chia vật chứng thành vật chứng là vũ khí, chất độc, chất cháy, chất phóng xạ… và vật chứng là các vật thông thường.
Căn cứ vào giá trị sử dụng của vật chứng, người ta chia thành vật chứng có giá trị và vật chứng không có giá trị sử dụng.
Căn cứ vào thời gian tồn tại có giá trị sử dụng của vật chứng người ta chia thành vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc dễ bị phân hủy, vật chứng có thời gian sử dụng ngắn …
Căn cứ vào tính chất đặc biệt của vật chứng người ta chia vật chứng thành vật chứng là tiền vàng, kim khí quý, … và vật chứng là các tài sản thông dụng.
2. Khái niệm xử lý vật chứng trong luật tố tụng hình sự:
Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ được quy định trong Luật TTHS, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chứng minh tội phạm và người phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, việc xử lý vật chứng cũng đòi hỏi không làm mất đi giá trị chứng minh của chứng cứ nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính nguyên vẹn, bảo đảm giá trị và giá trị sử dụng của tài sản là vật chứng đối với đời sống xã hội, nhất là đối với việc duy trì, phát triển sản xuất ra của cải cho xã hội. Do vậy, khái niệm xử lý vật chứng không chỉ thuần túy về mặt pháp lý mà còn bao gồm những nội dung liên quan đến kinh tế xã hội, nó có nội hàm rộng hơn những khái niệm pháp lý đơn thuần. Quá trình nghiên cứu, tác giả cho rằng, khi đề cập đến khái niệm “xử lý vật chứng” cần tiếp cận theo quan điểm khái quát, toàn diện nhưng cụ thể để thấy được bản chất của khái niệm này. Trên cơ sở tiếp cận này, tác giả nêu ra nội hàm của khái niệm “xử lý vật chứng” sau đây: Xử lý vật chứng là hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là nền tảng của quá trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố vụ án đến giai đoạn thi hành án hình sự. Khoa học pháp lý TTHS Việt Nam quan niệm rằng: “TTHS bao gồm toàn bộ hoạt động của các chủ thể tố tụng hướng tới việc giải quyết vụ án khách quan, công bằng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và các chủ thể khác trong xã hội, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
Những hoạt động diễn ra trong các giai đoạn tố tụng khác nhau và có mục tiêu cụ thể gắn liền với chủ thể giải quyết vụ án ở giai đoạn tố tụng đó. Hoạt động phát hiện, thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng diễn ra ở tất cả các giai đoạn tố tụng, ngay cả ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự cũng đã có hoạt động xử lý vật chứng. Hoạt động xử lý vật chứng là một hoạt động tố tụng có tính đặc thù. Trên cơ sở phân tích các quy định về hoạt động tố tụng này có thể thấy, hoạt động xử lý vật chứng bao gồm 02 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất gồm các hoạt động ban hành quyết định xử lý vật chứng; giai đoạn thứ hai bao gồm các hoạt động để thi hành quyết định xử lý vật chứng đã được ban hành.
Hai giai đoạn này với thẩm quyền, trình tự, thủ tục với các yêu cầu khác nhau nhằm những mục đích khác nhau được quy định trong pháp luật TTHS mỗi quốc gia nhằm đảm bảo hoạt động xử lý đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Do tính chất phức tạp và là hoạt động có mức độ ảnh hưởng lớn nên việc ban hành quyết định xử lý vật chứng thông thường phải là thẩm quyền của những chủ thể có chức vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng như cấp trưởng, cấp phó; hoạt động thi hành quyết định xử lý vật chứng được giao cho những người tiến hành tố tụng khác có chức danh tư pháp trong các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở sự phân công về thẩm quyền và những quy định về trình tự cho từng giai đoạn được luật quy định cụ thể đã hạn chế tình trạng sai sót hoặc chậm trong việc xử lý vật chứng.
Bởi lẽ, vật chứng là một nguồn chứng cứ quan trọng trong việc chứng minh tội phạm và người phạm tội nhưng không thể để đến thời điểm kết thúc quá trình tố tụng mới xử lý vật chứng mà việc xử lý vật chứng phải được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án tùy thuộc vào đặc điểm của vật chứng để đảm bảo các lợi ích về kinh tế, xã hội. Do đó, việc phân chia rõ ràng thẩm quyền cũng là một cơ chế để nâng cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền và các cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành quyết định và thi hành quyết định xử lý vật chứng.