Khái niệm và đặc điểm của Phòng Tư pháp. Phòng tư pháp là một bộ phận trong cơ quan hành chính các cấp xã/phường, huyện/ quận. Vậy Phòng tư pháp được định nghĩa thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm Phòng Tư pháp:
Trong tổ chức bộ máy nhà nước nước ta đã hình thành một hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính chất tư pháp được tổ chức tương ứng với các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp từ trung ương đến địa phương, giúp cơ quan hành pháp quản lý hành chính nhà nước về bổ trợ tư pháp và quản lý nhà nước về hoạt động tư pháp gồm: Bộ Tư pháp giúp Chính phủ, Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp giúp UBND cấp huyện và công chức Tư pháp – Hộ tịch giúp UBND cấp xã. Tuy nhiên, về tính chất đây là cơ quan hành chính nhà nước, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp như
Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, chính quyền địa phương ở cấp tỉnh và cấp huyện được thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp là cơ quan tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thành phố, thị xã thực hiện những chức năng, nhiệm vụ giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về hành chính tư pháp.
Tại Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, quy định:
1. Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật: theo dõi tình hình thi hành pháp luật: kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý; nuôi con nuôi; hộ tịch; chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác theo quy định pháp luật.
2. Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.
Như vậy, có thể hiểu: Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính nhà nước ở cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực hành chính tư pháp; vừa chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và các mặt hoạt động của UBND cấp huyện, vừa chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước cấp trên, mà trực tiếp là Sở Tư pháp về chuyên môn nghiệp vụ.
2. Vị trí, vai trò của Phòng Tư pháp:
Theo quy định tại điều 23 và điều 24 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chính quyền địa phương ở huyện là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân huyện. Có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn huyện; Quyết định những vấn đề của huyện trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền; Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã; Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở huyện; Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Điểm g khoản 1 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: Hội đồng nhân dân huyện quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; Theo điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên. Chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cấp trên.
Như vậy, trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức ở cấp huyện, Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp việc UBND cấp huyện; đồng thời Phòng Tư pháp chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp cấp tỉnh theo nguyên tắc phụ thuộc hai chiều. Huyện ủy (và tương đương) UBND cấp huyện
– Các tổ chức chính trị – xã hội
– Phòng chuyên môn
– Đơn vị sự nghiệp do UBND huyện thành lập
Với vị trí là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện nên hoạt động của Phòng Tư pháp mang tính chất “tham mưu”, “giúp việc” và “tư vấn” cho UBND trong hoạt động quản lý hành chính. Cụ thể là tham mưu, tư vấn cho UBND cùng cấp về dự thảo các quyết định, các chương trình hoặc biện pháp QLNN, tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hằng năm trên các lĩnh vực quản lý, hoặc giúp UBND quản lý một số hoạt động đối với tổ chức cá nhân trong phạm vi thẩm quyền của UBND cùng cấp ở địa phương, thực hiện những nhiệm vụ khi được UBND giao, ủy quyền, cũng như thực hiện hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực QLNN ở địa phương.