Dẫn độ đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết, đảm bảo nguyên tắc mọi tội phạm phải bị trừng trị theo quy định của pháp luật. Vậy dẫn độ tội phạm là gì? Đặc điểm, nguyên tắc và đối tượng dẫn độ được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Dẫn độ tội phạm là gì?
Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về khái niệm dẫn độ, ở mỗi quốc gia, mỗi thời kì thì cách tiếp cận khái niệm này lại khác nhau, có thể hiểu một cách đơn giản nhất về khái niệm dẫn độ như sau: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”(Theo khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007).
2. Đặc điểm của dẫn độ tội phạm:
Từ khái niệm phân tích trên, ta có thể nhận thấy dẫn độ tội phạm có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, dẫn độ là việc một nước chuyển giao một người phạm tội cho một quốc gia khác. Việc chuyển giao phải được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của nước có yêu cầu. Người bị dẫn độ là người đã thực hiện hành vi phạm tội, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án bằng một bản án, sau đó bỏ trốn sang nước được yêu cầu.
Thứ hai, dẫn độ chỉ được thực hiện khi có yêu cầu dẫn độ từ một quốc gia. Nước mà người phạm tội mang quốc tịch, nước nơi hành vi phạm tội xảy ra, nơi tội phạm hoàn thành, hoặc nước có quyền lợi bị tội phạm xâm phạm đều có quyền yêu cầu dẫn độ. Việc chấp hay không chấp nhận dẫn độ sẽ do quốc gia được yêu cầu dẫn độ quyết định dựa trên các điều ước quốc tế liên quan pháp luật quốc gia và tình hình tội phạm trên thực tế.
Thứ ba, dẫn độ nhằm hai mục đích: truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người phạm tội; các hoạt động này sẽ do quốc gia yêu cầu tiến hành sau khi tiếp nhận người bị dẫn độ từ quốc gia được yêu cầu. Pháp luật Việt nam đã quy định rõ tại khoản 2 Điều 32
Thứ tư, dẫn độ thường được thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế hoặc mức độ quan hệ giữa các quốc gia. .
3. Các nguyên tắc của dẫn độ tội phạm:
Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia
Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế cũng như hoạt động dẫn độ tội phạm. Chủ quyền quốc gia là tối cao và bất khả xâm phạm thể hiện qua quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi nhận được một yêu cầu dẫn độ tội phạm, quốc gia nhận được yêu cầu có quyền từ chối hay chấp nhận tùy vào pháp luật dẫn độ của nước mình hay các điều ước quốc tế mà mình đã kí kết hoặc tham gia. Quốc gia yêu cầu chỉ được tiếp nhận đối tượng sau khi quốc gia được yêu cầu thực hiện xong các hoạt động liên quan đến dẫn độ.
Nguyên tắc có đi có lại
Đây là nguyên tắc pháp lý cần thiết để đảm bảo việc dẫn độ tội phạm có hiệu quả. Nội dung của nguyên tắc này quy định: nước được yêu cầu dẫn độ sẽ chấp nhận dẫn độ với sự đảm bảo rằng nước có yêu cầu giúp đỡ cũng sẽ chấp nhận và thực hiện một yêu cầu như vậy của nước được yêu cầu trong tương lai. Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đồng nghĩa với sự trao đổi ngang bằng và ngay lập tức, mà tùy từng trường hợp để quyết định có thực hiện yêu cầu hợp tác của bên đối tác hay không.
Nguyên tắc định tội danh kép
Đây là nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm được hầu hết các nước áp dụng. Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ sẽ được dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của cá nước yêu cầu và nước nhận được yêu cầu dẫn độ. Không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối dẫn độ.
Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình
Nguyên tắc này đã đươc ghi nhận trong hiệp định của Hội đồng châu âu 1957 về dẫn độ tội phạm, trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia, trong hiến pháp và luật quốc tịch của các nước. Đối tượng bị dẫn độ là các cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội và bị xét xử hành vi tội phạm này hoặc người bị tình nghi thực hiện hành vi tội phạm đang lẩn trốn ở ngoài lãnh thổ của quốc gia yêu cầu dẫn độ.
Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội về chính trị
Nguyên tắc này được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế đa phương, song phương về tương trợ tư pháp giữa các quốc gia và trong luật quốc gia của các nước. Tuy nhiên, khái niệm về tội phạm chính trị cũng chưa được dưa ra rõ ràng. Tính chất chính trị của tội phạm có được đề cập tới bằng phương thức xác định chế định dẫn độ tội phạm là chế định đối lập với chế định cư trú chính trị. Nguyên tắc cũng có ngoại lệ là: thủ phạm giết hại nguyên thủ quốc gia, người đứng đàu chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo cao cấp khác của quốc gia không được hưởng quyền không bị dẫn độ sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
4. Đối tượng và vai trò của dẫn độ tội phạm:
Với bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển hiện nay, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm khủng bố quốc tế đang diễn ra hết sức phức tạp, cả về tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm này đang đe dọa đến trật tự, an toàn xã hội của từng quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đứng trước tình hình đó, một yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải có những biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, trong đó việc đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về dẫn độ là một trong những giải pháp quan trọng.
Đối tượng dẫn độ là cá nhân người phạm tội, thông thường, trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương, đối tượng dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà hành vi này theo quy định của pháp luật các bên kí kết có thể bị xử phạt tù từ một năm trở lên hoặc nặng hơn.
Ngoại trừ những trường hợp không dẫn độ do vi phạm những nguyên tắc cơ bản của dẫn độ, thì chế định dẫn độ còn ghi nhân trong các trường hợp như: không dẫn độ nếu cá nhân bị dẫn độ sẽ bị kết án về tội phạm khác; không dẫn độ nếu án tử hình sẽ được áp dụng theo luật của quốc gia yêu cầu dẫn độ; các trường hợp không dẫn độ khác.
Dẫn độ giúp giữ gìn trật tự kỉ cương xã hội, an ninh quốc gia nói riêng và hòa bình thế giới nói chung.Với sự quốc tế hóa đời sống hiện nay, hoạt động tội phạm đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Điều này khiến cho các quốc gia gặp rất nhiều trở ngại, khó khan trong việc phòng, chống tội phạm. Sự xuất hiện của quy định về dẫn độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trừng trị kẻ phạm tội một cách triệt để và hợp pháp.