Khi được công nhận là pháp nhân thì tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập và nhiều quyền lợi khác. Vậy pháp nhân là gì? Khi nào một tổ chức có tư cách pháp nhân? Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những câu hỏi nêu trên.
Mục lục bài viết
1. Pháp nhân là gì?
Theo quy định tại Điều 74
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Pháp nhân là tổ chức đáp ứng đủ đầy đủ 4 điều kiện sau: (1) Được thành lập hợp pháp; (2) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (3) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (4) Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Mặc dù Bộ luật dân sự đã quy định bốn điều kiện khá cụ thể, rõ ràng nhưng trong thực tế việc áp dụng để phân biệt pháp nhân với các chủ thể khác lại không hề dễ dàng, đơn giản. Phần tiếp theo bài viết xin làm rõ hơn các điều kiện của pháp nhân.
Pháp nhân tiếng Anh là: Legal person
2. Các điều kiện của pháp nhân:
2.1. Pháp nhân phải được thành lập hợp pháp:
Một pháp nhân được thành lập hợp pháp khi được pháp luật cho phép hoặc thừa nhận, nói cách khác thì phải được thành lập theo trình tự, thủ tục luật định.
Việc thành lập đăng ký pháp nhân được quy định tại Điều 82 Bộ luật dân sự năm 2015.
“1. Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.
3. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.”
Trên cơ sở mục đích, nhiệm vụ, chức năng của một tổ chức mà Nhà nước bằng pháp luật công nhận tổ chức đó là pháp nhân thông qua các hình thức: Cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng kí hoặc công nhận thành lập. Tính hợp pháp của pháp nhân giúp pháp nhân đó tham gia các quan hệ pháp luật và tồn tại dưới sự kiểm soát, đảm bảo của Nhà nước nhằm phù hợp với ý chí của Nhà nước đó. Do đó, tổ chức thành lập không hợp pháp thì không được coi là pháp nhân, tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.
Ví dụ: công ty TNHH Luật A được thành lập hợp pháp. Tức là công ty TNHH A phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và được Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố mà nơi công ty đóng trụ sở cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.2. Pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ:
Cơ cấu tổ chức của pháp nhân được quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự năm 2015
“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”
Tổ chức là tập hợp nhiều người có cùng chung mục đích, lợi ích… được thành lập với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện một mục đích nào đó. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ giúp cho pháp nhân trở thành một thể thống nhất, vận hành, hoạt động một cách có hiệu quả. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nghĩa là pháp nhân phải có sự sắp xếp, phân bổ nguồn nhân lực vào các bộ phận như phòng, ban… và quy định cho từng bộ phận đó những chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong Điều lệ. Tuy nhiên, điều kiện này có lẽ chưa thực sự chính xác và không cần thiết vì trong một số trường hợp (Chẳng hạn công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên…) tổ chức không đáp ứng điều kiện này nhưng vẫn được coi là pháp nhân.
Ví dụ: Công ty TNHH Luật A muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cá nhân tổ chức điều hành pháp nhân.
2.3. Pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó:
Giống như các chủ thể dân sự khác, để có thể thực hiện các quyền và gánh vác nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ dân sự, pháp nhân cần phải có một khối lượng tài sản nhất định, tài sản chịu trách nhiệm là tài sản độc lập của pháp nhân, đó là tài sản tất cả các loại mà pháp nhân sở hữu. Tài sản của pháp nhân theo đó bao gồm “vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.” (Điều 81)
Pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Nội dung này thể hiện mối quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân và được thể hiện ở quy định tại khoản 2 và 3 Điều 87 Bộ luật dân sự năm 2015.:
“2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Theo đó pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.
Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập và tài sản của pháp nhân còn phải có sự độc lập, tức là pháp nhân có đầy đủ 3 quyền năng của quyền sở hữu là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt để không chịu sự chi phối ràng buộc của bất kỳ ai, đảm bảo tư cách chủ thể của pháp nhân.
Mặt khác, để thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể nên pháp luật quy định pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng khối tài sản đó. Trách nhiệm của pháp nhân khi vi phạm nghĩa vụ không thể do một cơ quan, tổ chức khác gánh vác và các thành viên của pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của mình đã góp (trừ trường hợp công ty hợp danh) vào pháp nhân. Đây cũng là một yếu tố để phân biệt pháp nhân với thể nhân.
Ví dụ: Nhóm công ty A hoạt động theo mô hình công ty mẹ và công ty con, công ty mẹ sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần trong công ty con. Tương tự như thành viên hay cổ đông trong một công ty, công ty mẹ không sở hữu tài sản của công ty con. Mặc dù công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con nhưng công ty mẹ không có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của công ty con. Các quyền này thuộc về công ty con vì bản thân công ty con mới chính là chủ thể sở hữu tài sản của mình.
2.4. Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập:
Điều kiện này xuất phát từ việc tách bách tài sản (tài sản độc lập) với các cá nhân, tổ chức khác. Với việc sở hữu một khối tài sản riêng, pháp nhân có đủ khả năng để hưởng, tự mình thực hiện các quyền và chịu nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ dân sự. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 86 Bộ luật dân sự năm 2015.
“1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.”
Mặt khác, các chủ thể thành lập pháp nhân khi thành lập đã chuyển quyên sở hữu những tài sản mà mình muốn vào khối tài sản chung, do đó cần có một sự thống nhất về mặt ý chí trong việc sử dụng khối tài sản đó. Dựa trên tiêu chí này, pháp luật đã “trừu tượng hóa” điều đó thành “ý chí” của pháp nhân, tức là trao cho pháp nhân một tư cách để pháp nhân “nhân danh” chính mình tham gia các quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, coi đây là một điều kiện pháp nhân có lẽ chưa thực sự hợp lý, vì việc nhân danh mình của pháp nhân chỉ là một hệ quả tất yếu khi được thành lập hợp pháp và đã có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác.
3. Các loại pháp nhân theo quy định của pháp luật hiện hành:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, xin luật sư giải đáp giúp em khi nào thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân? Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có những loại pháp nhân nào? Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;”.
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 100 Bộ luật dân sự quy định Các loại pháp nhân cụ thể như sau
“1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
3. Tổ chức kinh tế.
4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này”.
4. Quy định về năng lực pháp luật đối với pháp nhân:
Tóm tắt câu hỏi:
Tại sao trong Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định năng lực pháp luật của pháp nhân mà không quy định năng lực hành vi của pháp nhân? Tại sao một tổ chức đều mong muốn có tư cách pháp nhân? Tư cách pháp nhân mang lại cho tổ chức những lợi ích gì? Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác là trách nhiệm hữu hạn hay trách nhiệm vô hạn? Thành viên của tổ hợp tác có thể là pháp nhân không và tại sao?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 86
“- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
– Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự.”
Pháp luật chỉ quy định năng lực pháp luật của pháp nhân bởi lẽ trong năng lực pháp luật của pháp nhân đã bao gồm cả năng lực pháp luật pháp nhân và năng lực hành vi pháp nhân. Thời điểm phát sinh và chấm dứt là giống nhau. Năng lực pháp luật của pháp nhân và năng lực hành vi pháp luật của pháp nhân phát sinh khi pháp nhân được thành lập và được thừa nhận và chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt hoạt động.
Một tổ chức có tư cách pháp nhân có điểm thuận lợi về trách nhiệm hữu hạn. Có nghĩa là khi tổ chức hoạt động bị thua lỗ thì chỉ lấy tài sản của tổ chức đó ra để thanh toán. Nếu hết, thì cũng không được lấy tài sản của cá nhân góp vốn vào tổ chức đó ra để thanh toán. Đó chính là trách nhiệm hữu hạn của chủ thể có tư cách pháp nhân.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 111 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“- Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở
Từ khái niệm tổ hợp tác, nhân thấy thành viên tổ hợp tác từ 3 cá nhân trở lên. Do đó, tổ hợp tác không thể có thành viên là pháp nhân.
Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình. Do trách nhiệm của tổ hợp tác là trách nhiệm vô hạn nên tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.