Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội gây rối trật tự công cộng. Ý nghĩa việc phân định cấu thành tội gây rối trật tự công cộng.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm của của tội gây rối trật tự công cộng:
1.1. Khái niệm tội phạm:
Theo khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hay vô ý, xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm đến quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm đến những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Tội phạm mang bản chất của một hiện tượng pháp lý, là một hiện tượng tiêu cực nhất trong xã hội, xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước và pháp luật, cùng lúc xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng. Nhà nước quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người nào thực hiện các hành vi đó để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị.
Tội phạm còn có tính lịch sử và nguồn gốc xã hội, tồn tại và phát triển song song với lịch sử của xã hội loài người. Đấu tranh phòng chống tội phạm là hoàn thiện pháp luật, làm sáng tỏ nguyên nhân và từ đó đưa ra biện pháp mang tính xã hội.
Theo phương diện khoa học luật hình sự, khái niệm tội phạm là vấn đề được nghiên cứu tương đối đầy đủ ở trong và ngoài nước. Nhiều quốc gia đã đưa vào trong BLHS định nghĩa lập pháp của khái niệm tội phạm như Trung Quốc, Nga, Thụy Điển …
1.2. Khái niệm trật tự công cộng:
– Theo Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam:
Trật tự công cộng là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, quy phạm nhất định ở những nơi công cộng mà mọi người phải tuân theo. Trật tự công cộng là một mặt của trật tự, an toàn xã hội và có nội dung bao gồm những quy định chung về trật tự, vệ sinh, văn hóa; sự tuân thủ những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán, sinh hoạt được mọi người thừa nhận; tình trạng yên ổn, có trật tự, tôn trọng lẫn nhau trong lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
– Giáo sư Nguyễn Lân viết trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Hán – Việt”, Nxb. Văn học, Hà Nội 2003: “Trật tự là tình trạng ổn định, có thứ bậc trên dưới, trước sau…”Dưới góc độ pháp lý, trong “Từ điển Luật học” của Viện Khoa học pháp lý có giải thích khái niệm “trật tự công cộng” viết rằng:
Trật tự công cộng là trạng thái ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Những nơi phục vụ lợi ích công cộng như đường phố, quảng trường, công viên, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, bãi biển, khu nghỉ mát… được tổ chức sắp xếp ngăn nắp, các quy ước chung được mọi người tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh. Quy tắc bắt buộc phải tuân theo để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, thể hiện toàn bộ yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
– PGS.TS. Trần Hải u, Vũ Thế Công và tập thể tác giả trong một nghiên cứu chuyên sâu có quan niệm như sau:
Trật tự công cộng là tình trạng xã hội có ổn định, hoạt động của con người tuần tự, được tổ chức theo một quy tắc nhất định và tuân thủ các quy tắc đó tại không gian công cộng để bảo đảm lợi ích chung cho tất cả mọi người trong khi cùng tham gia hoạt động.
Tổng hợp từ các khía cạnh, khái niệm có liên quan nêu trên, ta có thể định nghĩa khái niệm “trật tự công cộng” như sau:
Trật tự công cộng là hệ thống các quan hệ xã hội được hình thành và điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật và các nội quy, quy tắc về trật tự chung, an toàn chung, mà đòi hỏi mọi thành viên của xã hội phải tuân theo những quy định chung đó nhằm đảm bảo cho cuộc sống, lao động, sinh hoạt bình thường của mọi người trong xã hội.
1.3. Khái niệm tội gây rối trật tự công cộng:
Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Theo từ điển giải thích thuật ngữ Luật học (Trường Đại học Luật Hà Nội) thì gây rối trật tự công cộng là “hành vi xâm phạm tình trạng ổn định của sinh hoạt chung xã hội, vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng. Nơi công cộng là những địa điểm “kín” (rạp hát, rạp bóng…) hoặc “mở” (sân vận động, công viên, đường phố…) mà ở đó các hoạt động chung xã hội được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên…”.
Tội gây rối trật tự công cộng là một loại tội phạm được quy định trong BLHS, khái niệm tội gây rối trật tự công cộng được nhìn nhận dưới góc độ khái niệm chung của tội phạm. Tội gây rối trật tự công cộng là sự cụ thể hóa của khái niệm tội phạm chung.
Theo học viên, khái niệm tội gây rối trật tự công cộng được định nghĩa như sau: Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi hò hét, làm náo động, phá phách, hành hung người khác hoặc có hành vi khác làm rối loạn các hoạt động ở những nơi công cộng, gây thiệt hại cho trật tự, an toàn công cộng, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội gây rối trật tự công cộng:
2.1. Về khách thể của tội phạm:
Với tội gây rối trật tự công cộng, trật tự an ninh xã hội và cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng là khách thể bị xâm phạm. Tội gây rối trật tự công cộng xâm phạm trực tiếp đến những quy tắc, luật lệ, điều lệ, nội quy… về trật tự công cộng, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của mọi người ở nơi công cộng.
Hành vi phạm tội còn xâm phạm đến hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi với nguyên tắc an toàn tại nơi công cộng có đông người qua lại, và cũng xâm hại đến sức khỏe, tài sản của người xung quanh. Hành vi này còn tác động đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân [12]. Tội gây rối trật tự công cộng còn gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của những người trong cơ quan Nhà nước và xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng.
2.2. Về mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội gây rối trật tự công cộng thể hiện ở hai phương diện: hành vi khách quan và hậu quả.
Hành vi khách quan
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau, ví dụ như: có hành vi đánh nhau làm mất trật tự ở nơi công cộng; người có hành vi phạm tội tiến hành tổ chức tụ tập nhiều người làm náo động, gây ồn ào, mất trật tự ở nơi đông người sinh hoạt, qua lại; cố ý phá hoại tài sản của Nhà nước, cơ quan tổ chức, cá nhân ở những nơi đông người. Người có hành vi vi phạm có thái độ coi thường ở nơi đông người, có lời nói, hành vi thô bạo làm ảnh hưởng đến người khác, khiến cho người xung quanh cảm thấy sợ hãi …
– Hậu quả
Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa là không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra hậu quả nhất định như sự ổn định an ninh trật tự của xã hội, sức khỏe, tài sản, tinh thần của cộng đồng. Hậu quả là yếu tố bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng vi phạm lần đầu. Với đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích tiếp tục vi phạm thì hậu quả có thể không bắt buộc.
Tại Điều 245 BLHS năm 1999 quy định và hướng dẫn của
+ Làm chết người hoặc gây thương tích, bị tổn hại sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
+ Gây cho nhiều người bị thương tích, bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
+ Gây cho người khác bị thương tích, bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
+ Gây cho nhiều người bị thương tích, bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
+ Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
+ Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
+ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
Ngoài các hậu quả nêu trên về sức khỏe, tính mạng, tài sản, từ thực tiễn thấy rằng có thể có hậu quả phi vật chất. Ví dụ như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự và an toàn xã hội… Những trường hợp như này, tùy thuộc mỗi trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra nghiêm trọng như thế nào để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015, hậu quả của hành vi gây rối trật tự là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.
Khi xác định hậu quả của hành vi phạm tội cần chú ý: có thể trong vụ án gây rối trật tự công cộng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản đã là hậu quả của hành vi phạm tội khác và người phạm tội khác đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác nhưng vẫn được tính là hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây rối để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây rối.
2.3. Về chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chủ thể thường. Mọi người khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS đều có thể là chủ thể của của tội gây rối trật tự công cộng.
Theo Điều 12 BLHS năm 2015, những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này. Tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2.4. Về mặt chủ quan của tội phạm:
Theo quy định của BLHS Việt Nam hiện hành thì tội gây rối trật tự công cộng được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, theo đó người phạm tội này nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và muốn thực hiện hành vi đó. Về mặt chủ quan của tội phạm gây rối trật tự công cộng, chủ thể có hành vi vi phạm có đầy đủ năng lực hành vi, nhận thức được rõ hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an ninh xã hội, lối sống lành mạnh, sự ổn định của xã hội, quy tắc sinh hoạt, đi lại, vui chơi của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Điểm chú ý đối với mặt chủ quan của tội gây rối trật tự công cộng thì động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Nếu mục đích, động cơ phạm tội không phải là gây rối trật tự công cộng thì có thể phạm một tội khác tùy vào từng trường hợp cụ thể: “Người có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa bị cũng xử phạt hành chính về hành vi này hoặc chưa bị kết án về tội này, hoặc tuy đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì chưa cấu thành tội”.
2.5. Về hình phạt của tội phạm:
Về các mức xử phạt của tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015 như sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 318 BLHS năm 2015:
Khung hình phạt cơ bản đối với tội gây rối trật tự công cộng bao gồm các hình phạt là hình phạt tiền từ 5.000.000₫ đến 50.000.000đ; hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đây là khung hình phạt cơ bản đối với các hành vi đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng mức độ vi phạm và hậu quả chưa ở mức quá nghiêm trọng, mới chỉ dừng lại ở sự ảnh hưởng nhất định đến người khác và làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.
Khung hình phạt tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 318 BLHS năm 2015:
Khung hình phạt này chỉ bao gồm hình phạt tù có thời hạn ở mức từ 02 năm đến 07 năm tù. Khung hình phạt này được áp dụng cho các trường hợp vi phạm bên cạnh các tình tiết định khung tại khoản 1 thì có thêm các tình tiết này làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, bao gồm:
+ Có tổ chức: Cũng như đối với các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội gây rối trật tự công cộng có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách:
Vũ khí: Theo hướng dẫn tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/06/2017 quy định như sau:
1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
3. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Về hung khí: Về hung khí, hiện nay chỉ được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1. mục 3
2.2. “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn… Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…
Có hành vi phá phách: trường hợp trong khi thực hiện hành vi gây rối, người phạm tội đã có hành vi đập phá tài sản nhưng thiệt hại về tài sản chưa đến mức cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng:
Gây cản trở giao thông nghiêm trọng là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu).
+ Gây đình trệ hoạt động công cộng: trường hợp do hành vi gây rối mà hoạt động công cộng bị đình trệ không phân biệt thời gian bị đình trệ dài hay ngắn như:
- Phải tạm dừng buổi chiếu phim;
- Phải tạm dừng trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền hoặc các môn thể thao khác;
- Phải tạm dừng cuộc họp Hội đồng nhân dân.v.v…
+ Xúi giục người khác gây rối: Xúi giục người khác gây rối là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi gây rối. Tuy nhiên, hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi gây rối nhưng không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức với vai trò là người xúi giục trong vụ án đồng phạm.
Tuy nhiên khi xác định hành vi xúi giục người khác gây rối cần phải chú ý:
Nếu việc xúi giục không liên quan trực tiếp đến hành vi gây rối của Toà án cấp phúc thẩm thì không phải là người xúi giục người khác gây rối.
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng:
Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là trường hợp trong khi thực hiện hành vi gây rối, có người can ngăn hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi gây rối nhưng người có hành vi gây rối chẳng những không nghe mà còn có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.
Khi xác định tình tiết này cần chú ý:
Nếu người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là người đang thi hành công vụ, có nhiệm vụ bảo vệ trật tự nơi công cộng mà người phạm tội có hành vi hành hung đối với người này thì thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ; nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người thi hành công vụ thì thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại Điều 134 BLHS.
+ Tái phạm nguy hiểm:
Là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý. Như vậy, đối với tội gây rối trật tự công cộng người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái
phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội gây rối trật tự công cộng, vì đối với tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Ý nghĩa việc phân định cấu thành tội gây rối trật tự công cộng:
Gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng, xâm phạm tình trạng ổn định của sinh hoạt chung xã hội. Gây rối trật tự công cộng còn là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền sở hữu diễn ra tại nơi công cộng. Người có hành vi gây rối trật tự công cộng, tùy thuộc vào tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội gây rối trật tự công cộng trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng.
Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất; và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính; về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này; hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.