Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay được xây dựng không chỉ dựa vào những luận cứ khoa học của học thuyết Mác – Lê nin về quốc hữu hóa đất đai mà còn do điều kiện thực tiễn đặc thù của đất nước. Vậy chế độ sở hữu là gì? Sự khác nhau giữa khái niệm quyền sở hữu và chế độ sở hữu?
Mục lục bài viết
1. Chế độ sở hữu là gì?
Chế độ sở hữu là chế độ pháp lí gồm tổng thể các quy phạm Luật hiến pháp quy định hình thức sở hữu đối với của cải vật chất mà trước hết là các tư liệu sản xuất, các tư liệu sinh hoạt, tiêu dùng và các tài sản khác.
2. Sự khác nhau giữa khái niệm quyền sở hữu và chế độ sở hữu:
Thuật ngữ “quyền sở hữu” và chế độ sở hữu được sử dụng phổ biến trong sách, báo pháp lý ở nước ta song về mặt học thuật dường như ít có sự phân biệt một cách đầy đủ và toàn diện về hai thuật ngữ này. Việc tìm hiểu sự khác nhau giữa hai khái niệm này rất cần thiết để đi sâu nghiên cứu nội hàm của chúng và trên cơ sở đó nhằm xác lập một cơ chế quản lý đất đai thích hợp khắc phục các khuyết tật của chế độ sở hữu toàn dân.
Về mặt lịch sử quan hệ sở hữu với tư cách là quan hệ kinh tế xuất hiện trước khi pháp luật ra đời. Hay nói cách khác, quan hệ sở hữu xuất hiện khi tồn tại các hoạt động kinh tế ra đời rất sớm trước khi xuất hiện nhà nước và pháp luật. Quan hệ sở hữu là một loại quan hệ xã hội giữa người và người trong quá trình chiếm hữu những của cải vật chất trong xã hội. Sẽ là thiếu sót lớn khi nói đến quan hệ sở hữu mà không đề cập đến quyền sở hữu.
Khái niệm quyền sở hữu ra đời gắn liền với sự xuất hiện của pháp luật nhằm phân biệt quyền của chủ sở hữu này (người này) với chủ sở hữu khác (người khác) đối với một đối tượng sở hữu cụ thể (tài sản). Theo từ điển Tiếng Việt, quyền sở hữu được hiểu là “Quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình”. Dưới góc độ pháp lý, quyền sở hữu là “phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong chế độ sở hữu nhất định”. Pháp luật không chỉ dừng lại ở việc xác lập khái niệm quyền sở hữu mà còn quy định giới hạn, thừa nhận tính hợp pháp và bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với vật (quyền sở hữu).
Như vậy khoa học pháp lý quan niệm quyền sở hữu là tập hợp các quyền sử dụng, quyền hưởng thụ, quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp; quyền tặng cho, phá hủy, thủ tiêu đối tượng sở hữu theo luật định v.v.. Tựu trung lại, quyền của chủ sở hữu bao gồm ba nhóm quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với đối tượng sở hữu.Song hành với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, các quyền này cũng vận động, phát triển theo xu hướng tập trung hoặc phân tách ra.
Theo đó, các quyền trên cũng có thể tập trung vào chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chuyển giao một hoặc một nhóm quyền cho chủ sở hữu khác thực hiện trong khuôn khổ quyền sở hữu của mình được pháp luật quy định.
Ví dụ: Chủ sở hữu ruộng đất có thể chuyển quyền sử dụng đất của mình cho nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp thực hiện thông qua hình thức cho thuê nhà mà không ảnh hưởng đến quyền sở hữu của mình sau thời hạn thuê đất.Sự phân giải, chuyển giao các quyền của chủ sở hữu làm cho vai trò của chủ sở hữu năng động hơn, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. Khi các quan hệ sở hữu được thể chế thành luật pháp và cơ chế vận hành nhất định thì toàn bộ cơ chế tổ chức vận hành hợp thành chế độ sở hữu: “Toàn bộ quan hệ sở hữu trong xã hội hợp thành chế độ sở hữu – nền tảng của xã hội tương ứng với mỗi phương thức sản xuất”.
Chế độ sở hữu không chỉ là một yếu tố cơ bản xác lập nền tảng của một chế độ xã hội mà còn luôn luôn thể hiện bản chất của xã hội đó. Nếu chế độ sở hữu được thiết lập phù hợp với các quy luật khách quan thì nó sẽ tạo môi trường tốt, thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển; ngược lại nó sẽ kìm hãm nền kinh tế. Vì vậy, không thể thiết lập chế độ sở hữu một cách chủ quan, nóng vội mà phải tùy thuộc vào tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội.
3. Cơ sở xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai:
Trước đây, Việt Nam cũng giống như nhiều nước trên thế giới thừa nhận sự tồn tại cả nhiều hình thức sở hữu khác nhau về đất đai.
Lý do tại sao mà hai đạo luật tối thượng-Hiến pháp 1980 và 1992 có sơ sở quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân?
Một số luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về tính tất yếu của việc quốc hữu hóa đất đai.
Học thuyết Mác-Lê nin cho rằng nhân loại cần phải thay thế hình thức sở hữu tư nhân về đất đai bằng cách “xã hội hóa” đất đai thông qua việc thực hiện quốc hữu hóa đất đai. Quốc hữu hóa đất đai là một việc làm mang tính tất yếu khách quan và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trên phương diện kinh tế, việc tích tụ, tập trung đất đai sẽ đem lại năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện duy trì hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.
Việc sở hữu tư nhân về đất đai dẫn đến việc chia nhỏ, manh mún đất đai. Điều này không phù hợp với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất trong nông nghiệp, cản trở việc áp dụng máy móc và các thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục nhược điểm này cần phải tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc quốc hữu hóa đất đai.
Thứ hai, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lê nin nhận thấy: đất đai không do bất cứ ai tạo ra, có trước con người và là vật tặng của thiên nhiên ban tặng cho con người, mọi người đều có quyền sử dụng. Không ai có quyền biến đất đai-tài sản chung của con người thành của riêng mình.
Thứ ba, nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, C.Mác đưa ra kết luận rằng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì đất càng bạc màu nhanh chóng.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp được xác lập và vận hành dựa trên ba chủ thể cơ bản là chủ đất, nhà tư bản và người lao động. Xét dưới góc độ kinh tế thì hiệu quả kinh tế mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mang lại dựa trên sự khai thác tối đa có xu hướng làm đất “kiệt quệ hóa” đất đai.
Mặt khác xét về phương diện xã hội, sở hữu tư nhân về đất đai vô hình chung trở thành phương tiện để giai cấp tư sản thực hiện việc khai thác, bóc lột người lao động để làm giàu cho mình. Muốn giải phóng người lao động tiến lên xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng và tiến bộ cần phải thủ tiêu hình thức sở hữu tư nhân về đất đai của giai cấp tư sản chiếm thiểu số trong xã hội.
Đồng thời, chủ nghĩa Mác-Lê nin cũng chỉ rõ sứ mệnh thủ tiêu hình thức sở hữu đất đai đó thuộc về những người lao động tập hợp xung quanh bộ tham mưu lãnh đạo là giai cấp công nhân.
Thứ tư, quốc hữu hóa đất đai do giai cấp vô sản thực hiện phải gắn bó với vấn đề chính quyền và thiết lập chuyên chính vô sản.
Lê nin đã kế thừa và phát huy luận điểm cách mạng đó của C.Mác và Ph. Ăng ghen về quốc hữu hóa đất đai. Người cho rằng một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền công-nông là phải xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong phạm vi toàn quốc nhằm đem lại ruộng đất cho người dân.
Thứ năm, việc xóa bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất của giai cấp tư sản phải là một quá trình tiến hành lâu dài, gian khổ.
Dù khẳng định rằng tiến hành quốc hữu hóa đất đai là một tất yếu khách quan. Song các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lê nin cũng khẳng định rằng không thể xóa bỏ ngay lập tức chế độ tư hữu về ruộng đất, đây phải là một quá trình lâu dài.
V.I.Lênin đã khẳng định “Quốc hữu hóa đất đai là một quy luật tất yếu khách quan đối với bất kỳ nước nào làm cách mạng vô sản nhưng không nhất thiết phải tiến hành ngay lập tức khi giai cấp vô sản giành chính quyền mà có thể dần dần từng bước từ thấp đến cao, từ tập thể hóa đến xã hội hóa.”
Như vậy, chủ nghĩa Mác-Lê nin đã là một trong những cơ sở để hình thành nên chế độ sở hữu về đất đai như ngày nay ở nước ta. Theo khẳng định của Lê nin thì bất cứ quốc gia nào làm cách mạng vô sản thì quốc hữu hóa đất đai cũng là một quy luật tất yếu. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai
Vận dụng sáng tạo những nguyên lý khoa học của học thuyết Mác-Lê nin về quốc hữu hóa đất đai vào thực tiễn cách mạng Việt Nam quá trình quốc hữu hóa ở nước ta đã trải qua các thời kỳ lịch sử. (Phần II của bài luận)
Đặc biệt nhất là hình thức sở hữu toàn dân đã được khẳng định rõ ràng qua hai bản Hiến pháp 1980 và 1992.
Khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân của hai bản Hiến pháp trên dựa trên những cơ sở thực tiễn chủ yếu như sau:
Thứ nhất, về mặt chính trị, ở nước ta, vốn đất đai quý báu do công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải thuộc về toàn thể nhân dân.
Thứ hai, về phương diện lịch sử, ở nước ta hình thức sở hữu nhà nước về đất đai đã xuất hiện từ rất sớm và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc.
Thứ ba, về mặt thực tế, nước ta còn gần một nửa diện tích đất tự nhiên chưa sử dụng (khoảng hơn 10 triệu ha – số liệu của Tổng cục thống kê đất đai toàn quốc năm 2000). Việc xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước trong việc xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai theo kế hoạch phát triển chung nhằm quản lý chặt chẽ và từng bước đưa diện tích đất hoang vào khai thác, sử dụng. Đồng thời trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì quốc hữu hóa đất đai cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà nước trong việc sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Thứ tư, việc duy trì và củng cố hình thức sở hữu toàn dân về đất đai trong giai đoạn hiện nay còn căn cứ vào lý do thực tiễn.
Các quan hệ về quản lý đất đai ở nước ta mang tính ổn định trong thời gian khá dài, nếu thay đổi hình thức sở hữu sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực đất đai, tăng tính phức tạp của quan hệ đất đai.
4. Một số đặc điểm về quan hệ chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam:
Thông qua việc sở hữu đất đai ở thời kỳ phong kiến (phần 1 mục II) của bài viết ta đã thấy rõ rằng: “tổ tiên đã để lại một di sản pháp luật sở hữu về đất đai, tuy không tinh xảo, song cũng đủ minh định rõ ràng ai là chủ nhân của hàng trăm triệu ô thửa đất kiến tạo nên lãnh thổ quốc gia.” (TS. Phạm Duy Nghĩa Bài tham luận “Sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp Nhà nước: Một số ưu tiên trong chính sách tái cấu trúc nền kinh tế”.)
Từ đó ta rút ra được nhữ đặc điểm về quan hệ chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam như sau:
– Quyền sở hữu của nhà nước đối với đất đai được hình thành từ rất sớm ở nước ta.
– Ở Việt Nam, nhà nước giữ quyền sở hữu tối cao đối với toàn bộ đất đai của quốc gia. Quyền tư hữu đối với đất đai bị hạn chế và không hoàn chỉnh, luôn bị chi phối bởi quyền sở hữu tối cao của nhà nước.