Trong vụ án dân sự, xác định đương sự có ý nghĩa quan trọng để đương sự bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho mình. Vậy đương sự là gì? Tư cách đương sự trong tố tụng dân sự như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đương sự là gì?
Đương sự trong vụ việc dân sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự.
2. Đương sự bao gồm những ai?
Khoản 1, Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự:“Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”
– Nguyên đơn:
Theo khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.”
Tuy cũng tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình như các đương sự khác nhưng việc tham gia tố tụng của nguyên đơn mang tính chủ động hơn các đương sự khác. Trong tố tụng dân sự, hoạt động tố tụng của nguyên đơn có thể dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hay đình chỉ tố tụng.
– Bị đơn:
Theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”
Việc tham gia vào tố tụng của bị đơn mang tính bị động do bị đơn là người bị nguyên đơn hoặc người đại diện theo pháp luật của họ khởi kiện nên bị đơn buộc phải tham gia tố tụng để trả lời về việc kiện. Hoạt động tố tụng dân sự của bị đơn cũng có thể làm thay đổi quá trình giải quyết vụ án dân sự.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Việc tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể do họ chủ động, theo yêu cầu của đương sự khác hoặc theo yêu cầu của tòa án do họ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự. Trong đó, quyền đòi bồi hoàn giữa các đương sự là một trong những căn cứ chủ yếu để người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm 2 loại: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập.
Thứ nhất, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập với nguyên đơn và bị đơn. Trong vụ án dân sự, lợi ích pháp lý của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập luôn độc lập với lợi ích pháp lý của nguyên đơn, bị đơn nên yêu cầu của họ có thể chống cả nguyên đơn, bị đơn.
Thứ hai, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, khi tham gia tố tụng, lợi ích pháp lý của họ phụ thuộc vào lợi ích pháp lý của nguyên đơn hoặc bị đơn. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền quyết định trong phạm vi quyền lợi của mình.
3. Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự:
Đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện hay không khởi kiện, phản tố hay không phản tố, đưa ra yêu cầu độc lập hay không.
Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp trên), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Như vậy, nếu đủ năng lực hành vi Tố tụng dân sự, đương sự có thể tự mình khởi kiện. Trường hợp không đủ năng lực hành vi tố tụng thì người đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ định đoạt (khởi kiện) thay đương sự. Từ đó có thể thấy, dù đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trực tiếp hay nhờ người khác làm hộ đơn thì ý chí của họ cũng vẫn được thể hiện trong đơn kiện.
Khi tiến hành khởi kiện, đương sự có toàn quyền quyết định trong việc khởi kiện ai và khởi kiện về những nội dung gì. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là nếu đương sự khởi kiện không đúng (chẳng hạn như nhầm về đối tượng khởi kiện hay về quan hệ pháp luật tranh chấp…) Tòa án có nên can thiệp để sửa đổi hay không. Ở đây cần nhận là quyền tự định đoạt là quyền tối cao của chính bản thân đương sự nên trong trường hợp đó Tòa án chỉ có thể hướng dẫn cho đương sự xác định lại đối tượng và nội dung khởi kiện. Còn việc đương sự có nghe theo Tòa án hay vẫn giữ quan điểm của mình vẫn là quyền của chính đương sự.
Nếu như nguyên đơn có quyền quyết định việc khởi kiện và nội dung khởi kiện đối với bị đơn thì bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Trong Tố tụng dân sự, phản tố được hiểu là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn về một quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã dành một số điều luật quy định cụ thể về quyền phản tố của bị đơn. Cụ thể khoản 4 điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
“Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.”
Trong Tố tụng dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên cũng có quyền đưa ra yêu cầu của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Theo quy định tại
“Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết và yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết được nhanh hơn”.
Như vậy, thực hiện quyền khởi kiện chính là một trong những biểu hiện của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong Tố tụng dân sự. Các đương sự được quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện vụ án dân sự, nộp đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác, có quyền phản tố hay không phản tố, có quyền đưa ra yêu cầu độc lập hay không đưa ra yêu cầu. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi có đơn khởi kiện của các chủ thể.
4. Năng lực tố tụng dân sự của đương sự trong vụ án dân sự:
Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự là hai yếu tố cấu thành năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đương sự là một loại chủ thể của quan hệ pháp luật Tố tụng dân sự nên để tham gia vào quan hệ pháp luật Tố tụng dân sự thì đương sự phải có Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và Năng lực hành vi tố tụng dân sự.
* Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của đương sự: Là khả năng pháp luật quy định cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác có các quyền và nghĩa vụ Tố tụng dân sự.
Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là Năng lực pháp luật dân sự có mối quan hệ mật thiết với nhau. Năng lực pháp luật dân sự là cơ sở của Năng lực pháp luật tố tụng dân sự. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cá nhân luôn gắn liền với sự tồn tại của cá nhân từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi cá nhân đó chết. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của tổ chức xuất hiện khi tổ chức đó được thành lập và mất đi khi tổ chức đó không còn tồn tại.
“Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (khoản 1, Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự)
không thể bị hạn chế hoặc bị tước đoạt các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự (Tố tụng dân sự). Như vậy, đặc trưng cơ bản của quan hệ pháp luật Tố tụng dân sự là các chủ thể có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
* Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự: Là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ Tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia Tố tụng dân sự (khoản 2, Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự) khác với NLPL tố tụng của đương sự, Năng lực hành vi tố tụng dân sự là yếu tố luôn có sự biến động và được xác định ở các mức độ khác nhau. Nếu Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là như nhau thì Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ Tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia Tố tụng dân sự (khoản 2, Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự).
Năng lực hành vi tố tụng dân sự có mối quan hệ mật thiết với NLHVDS, cũng như NLPL Tố tụng dân sự, một chủ thể được xác định là có Năng lực hành vi tố tụng dân sự nếu chủ thể đó có NLHVDS.
Với quy định tại khoản Điều 68
– Đương sự là cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch. Theo quy định tại khoản 3, Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự thì đương sự từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ Năng lực hành vi tố tụng dân sự trừ người mất NLHV dân sự, người bị hạn chế NLHV dân sự hoặc pháp luật có quy định khác. Theo hướng dẫn tại
Đối với đương sự là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
– Đương sự là cơ quan bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật ( thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền.
Thông thường một cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành về nguyên tắc nếu những bộ phận cấu thành này không có quyền độc lập về tài sản thì các bộ phận này không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự.
– Đương sự là tổ chức bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.Tổ chức là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân. Có thể tham gia Tố tụng dân sự với tư cách là đương sự.
Trường hợp tổ chức có nhiều bộ phận thì chỉ những bộ phận hoàn toàn độc lập về tài chính mới có tư cách đương sự. Ví dụ: Tổng công ty có văn phòng, có phòng kế toán tài vụ… và các công ty thành viên thì văn phòng, phòng tài vụ… không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự. Nhưng các công ty thành viên, nếu đủ điều kiện là pháp nhân được tham gia tố tụng dân sự với tư cách đương sự.
Đối với việc xác định tư cách tham gia tố tụng dân sự của Hộ gia đình, dòng họ. Hộ gia đình, dòng họ hình thành trên cơ sở huyết thống, tập quán chứ không do cơ quan có thẩm quyền cho phép hay công nhận, nên hộ gia đình dòng họ tham gia tố tụng dân sự với tư cách đương sự là cá nhân.
Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài thì Năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định theo pháp luật của nước cơ quan, tổ chức đó được thành lập, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.
Đối với tổ chức quốc tế thì Năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định trên cơ sở điều ước Quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức Quốc tế hoặc điều ước Quốc tế đã được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Điều 408 Bộ luật tố tụng dân sự).
5. Xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Ông Tuấn, bà Hà có 4 người con gồm: Hùng cư trú quận 1, Dũng cư trú quận 5, Kiên cư trú tại Hoa Kỳ, Cường cư trú tại Nhật Bản. Tháng 1/2014, anh Hùng khởi kiện yêu cầu anh Dũng phải chia căn nhà do cha mẹ chết để lại, không có di chúc, nhà tọa lạc tại quận 9, hiện anh Dũng đang cho Công ty TNHH Hoàng Vũ và anh John ( quốc tịch Anh) thuê. Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý vụ án. Hỏi :
a. Xác định tư cách đương sự?
b. Bắt buộc phải có người phiên dịch trong vụ án trên không?
c. Nếu anh dũng bị câm điếc thì tòa án xử lí như thế nào?
Luật sư tư vấn:
a. Xác định tư cách đương sự
– Căn cứ Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về đương sự trong vụ việc dân sự.
Theo thông tin bạn cung cấp, nguyên đơn của vụ án dân sự là anh Hùng; bị đơn là anh Dũng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Kiên, anh Cường, người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Hoàng Vũ và anh John.
b. Bắt buộc phải có người phiên dịch trong vụ án trên không?
– Căn cứ Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự.
Trong trường hợp của bạn, trong vụ việc dân sự có sự tham gia của anh John (quốc tịch Anh) là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tham gia tố tụng dân sự. Khi đó, anh John có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của quốc gia mình. Khi đó, cần phải có người phiên dịch tham gia tố tụng dân sự.
c. Nếu anh dũng bị câm điếc thì tòa án xử lí như thế nào?
– Căn cứ Điều 89 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự.
Trong trường hợp anh Dũng bị câm, điếc thì không thuộc trường hợp bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và vẫn là đương sự có đầy đủ hành vi năng lực dân sự trong vụ việc dân sự.
– Căn cứ Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về người phiên dịch.
Trong trường hợp đương sự là người khuyết tật thì Toà án sẽ yêu cầu sự có mặt của người phiên dịch, là người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói. Do đó, khi tham gia tố tụng dân sự thì anh Dũng cần phải có người phiên dịch nếu anh Dũng là người khuyết tật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.