Hợp đồng mua bán hàng hoá là một dạng hợp đồng phổ biến trong hoạt động thương mại. Vậy hợp đồng mua bán hàng hóa là gì? Các đặc điểm và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hoá như thế nào? Cùng bài viết tìm hiểu dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Từ đó cho thấy, HĐ mua bán hàng hóa trong thương mại một dạng cụ thể của HĐ mua bán tài sản. Điểm phân biệt giữa HĐ mua bán hàng hóa trong thương mại và HĐ mua bán tài sản khác là: đối tượng hàng hóa, và mục đích sinh lời.
Căn cứ vào yếu tố chủ thể, đối tượng, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, HĐ mua bán hàng hóa được chia thành HĐ mua bán hàng hóa trong nước và HĐ mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài (HĐ mua bán hàng hóa quốc tế). Về HĐ mua bán hàng hóa quốc tế, nó không được định nghĩa trong
– Căn cứ vào yếu tố chủ thể, hợp đồng được giao kết bởi các bên không cùng quốc tịch.
– Căn cứ vào yếu tố đối tượng, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đang tồn tại ở nước ngoài.
– Căn cứ vào nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng được giao kết ở nước ngoài (nước mà các bên chủ thể giao kết hợp đồng không mang quốc tịch) và có thể được thực hiện ở nước mình hay nước thứ ba.
Điều cần chú ý ở HĐ mua bán hàng hóa quốc tế là các bên tham gia giao kết hợp đồng sẽ rất dễ gặp phải các rủi ro đặc thù như xung đột pháp luật, do quá trình vận chuyển, thanh toán, thực thi cam kết hợp đồng. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận và soạn thảo ra một bản hợp đồng chi tiết. Khoản 2 Điều 27 Luật thương mại quy định rằng HĐ mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản.
2. Đặc điểm hợp đồng mua bán hàng hóa:
Có thể xem xét các đặc điểm của HĐ mua bán hàng hóa trong mối liên hệ với HĐ mua bán tài sản theo nguyên lý của mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung.
– Đặc điểm chung của HĐ mua bán hàng hóa:
+ Là hợp đồng ưng thuận – tức là nó được coi là giao kết tại thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, thời điểm có hiệu lực của HĐ không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhắm thực hiện nghĩa vụ của HĐ mua bán đã có hiệu lực.
+ Có tính đền bù – bên bán khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua thì sẽ nhận từ bên mua một lợi ích tương đương với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.
+ Là hợp đồng song vụ – mỗi bên trong HĐ mua bán hàng hóa đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời lại cũng là bên có quyền đòi hỏi bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong HĐ mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và liên quan mật thiết với nhau: nghĩa vụ của bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua phải thanh toán cho bên bán
– Đặc điểm riêng của HĐ mua bán hàng hóa
+ Về chủ thể, HĐ mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Luật thương mại 2005 quy định thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mai một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của HĐ mua bán hàng hóa. Theo khoản 3 Điều 1 Luật thương mại, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật thương mại.
+ Về hình thức, HĐ mua bán hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như HĐ mua bán hàng hóa quốc tế- phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.
+ Về đối tượng: HĐ mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Theo Luật thương mại Việt Nam 2005, hàng hóa là đối tượng của quan hệ mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai; hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại.
3. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa:
Nội dung của hợp đồng nói chung là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Nội dung của HĐ mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hợp đồng bắt buộc phải bao gồm những nội dung chủ yếu nào là tùy thuộc vào quy định của pháp luật từng quốc gia. Việc pháp luật quy định nội dung của hợp đồng mua bán có ý nghĩa hướng các bên tập trung vào thỏa thuận các nội dung quan trọng của hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện và phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Luật thương mại Việt Nam không quy định hợp đồng mua bán hàng hóa phải bao gồm nội dung bắt buộc nào. Tuy nhiên, ta có thể thấy rằng, một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường phải chứa đựng sự thỏa thuận về đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm nhận giao hàng.
Trong quan hệ mua bán hàng hóa, các bên không chỉ bị ràng buộc bởi những điều khoản đã thỏa thuận với nhau mà còn chịu sự ràng buộc bởi những quy định của pháp luật, tức là những điều khoản pháp luật có quy định nhưng các bên không thỏa thuận trong hợp đồng.
4. Thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa:
Trong thực tiễn mua bán hàng hóa có thể xảy ra những sự kiện khách quan làm mất mát, hư hỏng hàng hóa như bị trộm cắp, do thiên tai, địch họa… Trong những trường hợp đó, yêu cầu rất quan trọng đặt ra là phải xác định trách nhiệm gánh chịu rủi ro đối với hàng hóa. Về nguyên tắc chung, việc xác định trách nhiệm rủi ro đối với hàng hóa trước hết cần căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì áp dụng quy định của pháp luật. Luật Thương mại năm 2005 quy định về cách xác định trách nhiệm về rủi ro đối với hàng hóa như sau:
– Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định:
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.
– Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định:
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.
– Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển:
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;
b) Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.
– Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
– Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác:
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:
a) ngoài các trường hợp đã phân tích ở trên thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
b) Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
5. Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa:
Tóm tắt câu hỏi:
Em có một vấn đề muốn nhờ luật sư tư vấn giúp. Công ty A ký hợp đồng bán 100 tấn cá cho công ty B. Muốn làm được điều này A đã ký hợp đồng vận chuyển số cá này với C (thương nhân kinh doanh dịch vụ vận tải). Nhưng do lỗi của C nên A đã giao hàng chậm cho B. Vì vậy, B từ chối nhận hàng khiến A phải bán ra thị trường với giá thấp hơn giá đã thỏa thuận trong hợp đồng với B. Vậy A có quyền yêu cầu B hay C phải bồi thường thiệt hại trên cho mình?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 1, Điều 302,
Điều 303, Luật thương mại 2005, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bổi thường thiệt hại, thì:
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật thương mại 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng;
– Có thiệt hại thực tế;
– Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Công ty A ký hợp đồng bán cá cho công ty B. Trách nhiệm của công ty A là phải giao hàng đúng hẹn cho công ty B. Nhưng công ty A đã vi phạm hợp đồng khi giao hàng chậm. Như vậy công ty A không thể yêu cầu công ty B bồi thường thiệt hại được, mà ngược lại, công ty B có thể yêu cầu công ty A bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm hợp đồng.
Công ty A ký hợp đồng vận chuyển với công ty C. Công ty C đã có hành vi vi phạm hợp đồng (giao hàng không đúng hẹn), gây ra thiệt hại trực tiếp cho công ty A (công ty A bị trả lại hàng và phải bán với giá thấp hơn). Như vậy, công ty A hoàn toàn có thể yêu cầu công ty C bồi thường cho mình theo các điều khoản quy định trách nhiệm của các bên khi có vi phạm trong hợp đồng.
Căn cứ Điều 304, Luật thương mại 2005 về nghĩa vụ chứng minh tổn thất, thì để có thể nhận được bồi thường, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Trong trường hợp này, nếu công ty A muốn công ty C bồi thường thiệt hại cho mình thì công ty A cần có các tài liệu chứng minh tổn thất như số tiền mà công ty A lẽ ra sẽ được nhận nếu giao hàng đúng hạn cho B, số tiền mà công ty A thu được khi bán hàng với giá thấp hơn, số tiền mà công ty A đã tổn thất…
Ngoài bồi thường thiệt hại, công ty A có thể phạt vi phạm đối với công ty C nếu trong hợp đồng có điều khoản quy định về việc phạt vi phạm khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng. Điều 301 Luật thương mại 2005, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Như vậy, công ty A có thể yêu cầu công ty C bồi thường thiệt hại, và có thể thêm phạt vi phạm nếu trong hợp đồng có điều khoản quy định về phạt vi phạm.