Khái niệm án treo là gì? Những đặc điểm của thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo trong tố tụng hình sự.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo:
Theo cuốn từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Theo BLHS 2015 thì án treo được quy định như sau:
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật THAHS.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này. 4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
4. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
So với án treo quy định tại Điều 60 BLHS 1999 (bổ sung 2009) thì án treo theo quy định tại Điều 65 ở BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) đã có điểm mới hơn đó là việc quy định chế tài đối với những trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ theo Luật THAHS. Theo đó người chấp hành án treo mà vi phạm nghĩa vụ trong luật THAHS từ 02 lần trở lên sẽ bị Tòa án xem xét quyết định áp dụng hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Việc quy định như vậy hoàn toàn hợp lý và đảm bảo tính răn đe đối với những người chấp hành án không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong quá trình chấp hành án. Đây cũng là một điểm mới được xem là tiến bộ hơn so với Luật cũ đem lại sự thuận lợi cho những cán bộ thực hiện công tác THAHS trong việc quản lý, giám sát, giáo dục đối với những đối tượng chấp hành án bướng bỉnh không thực hiện nghĩa vụ trong quá trình thi hành án.
Theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo: “Ấn treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Từ những quan điểm trên, có thể hiểu án treo là “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá ba năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo họ nếu phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù nhưng được hưởng án treo của bản án trước đó”.
2. Đặc điểm hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo:
Thứ nhất, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Án treo không phải là một loại hình phạt, đây là điểm cần lưu ý để phân biệt với các loại hình phạt được quy định trong Điều 32 BLHS 2015;
Thứ hai, người được hưởng án treo sẽ phải chịu một thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không quá 05 năm. Trong thời gian thử thách, người chấp hành án phải chịu sự giám sát, giáo dục của tổ chức được Tòa án giao trách nhiệm giám sát, giáo dục nêu trong bản án hình sự và quyết định THAHS.
Thứ ba, trong thời gian thử thách, nếu người đó phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Luật THAHS thì biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù bị xóa bỏ. Người được hưởng án treo buộc phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù trong bản án mà Hội đồng xét xử đã cho hưởng án treo trước đó cộng với hình phạt của bản án về tội phạm mới thực hiện hoặc buộc phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù của bản án mà Hội đồng xét xử đã cho hưởng án treo do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS.
Theo
Việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo nhằm tạo điều kiện cho người được hưởng án treo làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi người được hưởng án treo làm việc, công tác, học tập hoặc cư trú và gia đình của người đó. Người được hưởng án treo phải chịu thử thách dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và gia đình của người đó.
Theo luật THAHS 2010 và 2019:
Thi hành án treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người bị phạt tù cho hưởng án treo trong thời gian thử thách.
Từ những quy định trên tác giả nhận thấy, khái niệm thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và thi hành án treo là một, cách giải thích đặt vấn đề trong Luật THAHS có cô đọng, ngắn gọn hơn nhưng về bản chất không thay đổi so với quy định tại Nghị định số 61/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh những đặc điểm chung của THAHS, thi hành án treo có một số đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất, thi hành án treo là một bộ phận của công tác THAHS, nó là hoạt động hành chính tư pháp của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để đưa các bản án hình sự, quyết định THAHS của Tòa án ra thực hiện trên thực tế nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, chức và công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, thi hành án treo là một trong những hoạt động thi hành án không giam giữ, có tính nhân đạo sâu sắc, xuất phát từ bản chất của chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục; người chấp hành án treo không bị cách ly hoàn toàn khỏi đời sống xã hội, vẫn có quyền tự do thân thể, họ chỉ bị hạn chế một số quyền nhất định do pháp luật quy định. Ngoài ra, họ còn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện tối đa để làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nơi người được hưởng án treo công tác, cư trú. Tính nhân đạo trong thi hành án treo còn thể hiện ở phương pháp thi hành án là lấy giáo dục, thuyết phục cảm hóa, động viên, khuyến khích là chính, hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc mệnh lệnh hành chính, giúp người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tự nguyện sửa chữa, cải tạo thành người có ích cho xã hội và được thể hiện rất rõ tại Điều 65 Luật THAHS 2010 và Điều 88 Luật THAHS 2019.
Thứ ba, thi hành án treo có ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tại
Các quốc gia thành viên phải xây dựng những biện pháp không giam giữ trong hệ thống pháp luật của nước mình nhằm đưa ra các cách lựa chọn khác, từ đó giảm sử dụng biện pháp cầm tù và nhằm tạo cơ sở hợp lý cho những chính sách tư pháp hình sự, thông qua việc giám sát các quyền con người, các yêu cầu công bằng xã hội cũng như nhu cầu phục hồi của người phạm tội.
Thứ tư, khác với các hình phạt tù, việc thi hành án treo không giao cho một cơ quan chuyên trách thực hiện mà nó liên quan đến rất nhiều các cơ quan như TAND, VKSND, cơ quan THAHS, UBND … Điều này làm nổi bật chính sách xã hội hóa công tác THAHS của Đảng và Nhà nước ra trong những năm gần đây. Trong đó, UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội giữ vai trò quan trọng, là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở và gia đình người bị kết án là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả của việc thi hành án treo.
Thứ năm, quá trình thi hành án treo diễn ra trong thời gian thử thách nhất định. Tòa án ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới 1 năm và không quá 5 năm, thời điểm tính thời gian thử thách bắt đầu ngay từ sau khi Tòa án tuyên bản án hình sự cho hưởng án treo. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo lại phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ theo Luật THAHS thì biện pháp tha miễn chấp hành hình phạt tù bị xóa bỏ. Người được hưởng án treo buộc phải chấp hành hình phạt tù trong bản án đã cho hưởng án treo trước đó cộng với hình phạt của bản án về tội phạm mới thực hiện hoặc buộc phải thực hiện hình phạt tù của bản án đã tuyên cho hưởng án treo do vi phạm nghĩa vụ theo Luật THAHS.
Thứ sáu, so với thi hành hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân, rõ ràng quá trình thi hành án treo đã góp phần làm giảm bớt chi phí cho xã hội và đạt được hiệu quả cao hơn. Đối với thi hành hình phạt tù thì người chấp hành án sẽ bị mất các khoản thu nhập từ các công việc mà họ đang làm trước khi phạm tội và mất đi nguồn thu nhập cũng như cơ hội phát triển trong thời gian bị cách ly khỏi xã hội. Ngoài ra, kinh phí hàng năm của Nhà nước cho công tác tổ chức thi hành án phạt tù cũng là tương đối lớn, bao gồm các nguồn đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ, y tế, thực hiện chế độ chính sách, đảm bảo điều kiện ăn, mặc, sinh hoạt, y tế, giáo dục cho phạm nhân… Có thể dễ dàng nhận thấy đây là một phần gánh nặng cho đất nước, trong điều kiện chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn. Còn thi hành án treo, Nhà nước chỉ mất một phần kinh phí nhỏ phát sinh liên quan đến việc quản lý, giáo dục người chấp hành án ở địa phương; một phần hỗ trợ đào tạo, học nghề, hướng nghiệp, khắc phục khó khăn Do đó sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với thi hành án phạt tù. Mặt khác, người chấp hành án treo có nhiều điều kiện thuận lợi để tìm kiếm việc làm và gia tăng thu nhập, đặc biệt có ý nghĩa đối với những bị án có hoàn cảnh khó khăn, lao động chính duy nhất trong gia đình …
Thứ bảy, cần hết sức quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ. Bởi lẽ, ý nghĩa của việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ là tạo điều kiện tối đa cho người bị kết án. Để họ có điều kiện thuận lợi nhất sớm tái hòa nhập cộng đồng ngay từ sau khi tuyên án, chứ không chỉ là nằm trong giai đoạn sau khi chấp hành xong bản án, như thi hành án phạt tù. Do đó, việc thi hành án treo đòi hỏi sự gắn bó hết sức chặt chẽ giữa công tác giám sát, quản lý, giáo dục với tạo điều kiện cho người bị kết án được tái hòa nhập cộng đồng. Đây là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tái hòa nhập cộng đồng tốt sẽ tạo điều kiện, làm giảm áp lực, khó khăn cho việc quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, phòng ngừa họ tái phạm tội. Đồng thời quản lý, giám sát, giáo dục tốt sẽ tạo điều kiện cho việc tái hòa nhập cộng đồng của những người thi hành án treo được thuận lợi hơn. Người chấp hành án treo có thể nhanh chóng tái hòa nhập xã hội trong điều kiện cuộc sống bình thường ngay sau khi bị kết án, có được điều kiện tốt nhất để cải tạo trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Có như vậy thì bản án hình sự, quyết định THAHS của Tòa án và công sức THAHS mới thực sự đạt được hiệu quả cuối cùng.
Từ kết quả phân tích những đặc điểm trên, tác giả rút ra khái niệm của thi hành án treo là một bộ phận của THAHS; có tính nhân đạo sâu sắc; do các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; kết hợp giữa trừng trị – giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để người chấp hành án treo tự học tập, lao động và cải tạo để trở thành người lương thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng; nhằm đưa các bản án hình sự, quyết định THAHS của Tòa án ra thực hiện trên thực tế và đạt được hiệu quả cao; bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.