Khái niệm, đặc điểm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Sự cần thiết của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động:
Trước khi bàn về khái niệm quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ, cần phải hiểu được khái niệm về “quyền” và “lợi ích” nói chung.
Khái niệm quyền được xây dựng trong luật La Mã và được coi như một trong những khái niệm chủ yếu của luật cơ bản. Quyền là các quy tắc quy phạm cơ bản về những gì được phép của mọi người, là sự thừa nhận của pháp luật về việc một chủ thể của luật được hưởng thụ một lợi ích nào đó và tất cả người khác phải tôn trọng sự thụ hưởng đó.
“Quyền” theo nghĩa chung nhất là “khả năng thực hiện ý chí của mình được pháp luật hoặc xã hội chấp nhận, là cái mà pháp luật, xã hội, phong tục hay lẽ phải cho phép hưởng thụ, vận dụng, thi hành, và khi thiếu được yêu cầu để có, nếu bị tước đoạt có thể đòi hỏi để giành lại”.
Theo Từ điển luật học, “quyền” được hiểu là những việc mà một người được làm mà không bị ai ngăn cản, hạn chế. Quyền chủ thể là “cách thức xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác, quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép. Nói là khả năng có nghĩa là chủ thể có thể lựa chọn giữa việc xử sự theo cách thức mà nó được phép tiến hành hoặc không xử sử như vậy”. Từ việc xem xét định nghĩa trên, có thể đưa ra định nghĩa chung nhất về quyền của NSDLĐ như sau: Quyền của người sử dụng lao động là khả năng của người sử dụng lao động xử sự theo một cách thức nhất định trong giới hạn mà pháp luật cho phép và được xã hội chấp nhận khi tham gia quan hệ lao động và được pháp luật bảo đảm thực hiện. Quyền luôn mang tính hiện hữu, được pháp luật quy định và thừa nhận.
Theo Từ điển tiếng Việt, “lợi ích” được hiểu là “điều có ích, có lợi cho một đối tượng nào đó, trong nào đó, trong mối quan hệ với đối tượng ấy (nói khái quát)”. Như vậy, lợi ích của NSDLĐ là những điều có lợi cho NSDLĐ khi tham gia vào QHLĐ khi thực hiện các quyền của mình. Lợi ích là cái có lợi mà NSDLĐ hướng tới và không được pháp luật quy định một cách cụ thể, lợi ích mang tính tiềm ẩn.
Quyền và lợi ích thường gắn bó với nhau, khi được thừa nhận và bảo vệ bởi các quyền, chủ thể sẽ nhận được lợi ích của việc đảm bảo của các quyền đó. Trong QHLĐ giữa NSDLĐ và NLĐ thì chủ thể có ưu thế hơn là NSDLĐ, xuất phát từ quan hệ mua bán sức lao động- là một loại hàng hoá đặc biệt, NSDLĐ mua sức lao động của NLĐ (có trách nhiệm trả công) và NLĐ phải làm theo những chỉ đạo, thỏa thuận để quá trình lao động diễn ra trật tự, ổn định, bền vững, đem lại lợi ích cho hai bên và tận dụng triệt để loại hàng hoá đặc biệt này đem lại.
Từ những phân tích trên có thể hiểu quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ là khả năng của NSDLĐ được xử sự theo một cách thức nhất định được xã hội chấp nhận và trong giới hạn mà pháp luật cho phép, những quyền này được pháp luật đảm bảo thực hiện khi tham gia vào QHLĐ qua đó giúp cho NSDLĐ có được những điều có lợi.
2. Đặc điểm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động:
Quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ có một số đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, quyền của NSDLĐ thể hiện ý chí đơn phương và để đảm bảo lợi ích của NSDLĐ.
Đây được coi là đặc điểm quan trọng trong quyền của NSDLĐ, thể hiện quyền lực được Nhà nước chuyển giao và thừa nhận với tư cách chủ thể quản lý đối với NLĐ. Quyền lực đơn phương này còn thể hiện sức mạnh và lợi thế vốn có của NSDLĐ trong mối quan hệ với NLĐ khi tham gia QHLĐ. Tính đơn phương trong quyền của NSDLĐ được biểu hiện ra bên ngoài bằng nhiều hình thức như ra lệnh, điều khiển, yêu cầu, bắt buộc, đối với NLĐ, được thể hiện ở mức độ khác nhau. Trường hợp NSDLĐ toàn quyền quyết định một vấn đề nào đó trong QHLĐ, không cần tham khảo ý kiến của chủ thể nào khác tức là tính đơn phương được thực hiện một cách triệt để. Trường hợp NSDLĐ cần đảm bảo sự dân chủ cũng như lợi ích của các chủ thể trong QHLĐ, NLĐ hoặc đại diện của NLĐ, NSDLĐ vẫn phải tham khảo ý kiến của họ trước khi quyết định một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp tham khảo mà các bên không thống nhất ý kiến, thì NSDLĐ vẫn có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Thứ hai, quyền và lợi ích của NSDLĐ luôn bị chi phối từ ý chí của các chủ thể trong QHLĐ,
Do xuất phát từ bản chất của QHLĐ là được hình thành trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, mang tính dân chủ và công bằng, vì thế quyền và lợi ích của NSDLĐ được thực hiện không chỉ trên cơ sở ý chí đơn phương của mình mà còn dựa trên kết quả của sự thoả thuận về ý chí với NLĐ hoặc với tổ chức công đoàn. Theo đó, quyền và lợi ích của NSDLĐ được thực hiện trên cơ sở những văn bản mà các bên thỏa thuận ký kết như:
Thứ ba, quyền và lợi ích của NSDLĐ được thực hiện trong giới hạn quy định của pháp luật.
Quyền và lợi ích của NSDLĐ là quyền thuộc phạm trù pháp lý nên là quyền có giới hạn. NSDLĐ chỉ được thực hiện quyền của mình trên cơ sở phạm vi mà Nhà nước trao quyền và được quy định cụ thể trong pháp
Thứ tư, quyền của NSDLĐ có tính chất “hành chính”.
Nếu như Nhà nước thực hiện quyền lực của mình bằng pháp luật áp dụng với các đối tượng trong quan hệ xã hội ở phạm vi quốc gia thông qua các cơ quan hành chính do Nhà nước thành lập, thì NSDLĐ thực hiện quyền chủ yếu thông qua các văn bản nội bộ do đơn vị ban hành hoặc thoả thuận với các chủ thể tham gia QHLĐ trong đơn vị của mình. Đây là những văn bản được ban hành áp dụng với mọi NLĐ hoặc đối với từng cá nhân NLĐ trong đơn vị hay từng bộ phận của đơn vị. Các quy tắc hợp lý và quy định cần thiết trong văn bản này là cơ sở quan trọng để NSDLĐ thực hiện quyền yêu cầu NLĐ buộc phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình lao động. Quyền của NSDLĐ mang tính hành chính thể hiện ở hầu hết văn bản được ban hành bao gồm hai nội dung chính: các quy định buộc NLĐ phải thực hiện (đi làm đúng giờ; thực hiện các quy định về sử dụng máy móc, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ tài sản của đơn vị, …) và các biện pháp xử lý đối với NLĐ có hành vi vi phạm các quy định đã đặt ra (xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại vật chất, tạm đình chỉ công việc của NLĐ).
3. Khái niệm, sự cần thiết phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động:
3.1. Khái niệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động:
“Bảo” có nghĩa là giữ, “vệ” có nghĩa là “chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn”. Khái niệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như luật pháp một số quốc gia. Tuy nhiên, pháp luật lao động của các nước đều ít nhiều ghi nhận việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ trong nhiều chế định và bảo vệ họ ở mức độ cần thiết. Về nội dung, quyền và lợi ích của NSDLĐ được đảm bảo trên nhiều lĩnh vực nhưng nhất thiết phải trong khuôn khổ luật định. Khuôn khổ đó đảm bảo cho NSDLĐ đạt được mục đích chính đáng của mình ở mức tối đa nhưng không làm phương hại đến NLĐ và các chủ thể khác, đến đời sống xã hội và lợi ích chung. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ cũng là cách giải quyết vấn đề lợi ích hợp lý trong xã hội, yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Thông qua việc bảo vệ này mà QHLĐ có thể phát triển bền vững, NLĐ cũng có điều kiện ổn định việc làm, đảm bảo cuộc sống. Như vậy, có thể đưa ra định nghĩa chung nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ là chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động để giữ cho họ được tham gia vào các quan hệ xã hội và được hưởng các quyền lợi hợp pháp.
Từ xưa tới nay, nhiều người vẫn quan niệm NLĐ là phe yếu thế, cần được bảo vệ, còn NSDLĐ thì không cần chú trọng tới vấn đề này. Tuy nhiên, quan niệm này không chính xác, bởi NLĐ và NSDLĐ là hai vế của một “phương trình”, cả NLĐ và NSDLĐ đều có địa vị pháp lý bình đẳng. Do vậy để tạo ra sự công bằng, cũng cần phải chú trọng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ ở một phương diện nhất định có điểm giống với vấn đề “đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho NSDLĐ”. Tuy nhiên giữa hai phạm trù này vẫn có sự khác nhau bởi sự bảo vệ bao giờ cũng đặt trong quan hệ với sự xâm hại hoặc nguy cơ bị xâm hại từ phía NLĐ hoặc các chủ thể khác. Còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NSDLĐ là việc pháp luật lao động ghi nhận và tạo điều kiện, tạo cơ chế để các quyền và lợi ích đó chắc chắn được thực hiện trên thực tế. Như vậy, phạm trù của “đảm bảo quyền và lợi ích cho NSDLĐ” có nội hàm rộng hơn.
Bảo đảm quyền và lợi ích của NSDLĐ là bảo đảm cho NSDLĐ có được các quyền sau: quyền được tuyển chọn, sử dụng, tăng giảm lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; Quyền được quản lý, điều hành lao động, ban hành nội quy và thực hiện các chế độ khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng đối với NLĐ; Quyền được sở hữu tài sản hợp pháp trong và sau quá trình lao động, tự chủ trong phân phối, trả lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật; Quyền được phối hợp với tổ chức công đoàn trong quản lý lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể phù hợp với điều kiện của đơn vị; Quyền được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ nếu gặp khó khăn và đủ các điều kiện khác do pháp luật quy định; Quyền được đảm bảo bồi thường thiệt hại nếu bị NLĐ hoặc các chủ thể khác xâm hại lợi ích hợp pháp; Quyền được tham gia tổ chức của giới sử dụng lao động theo quy định của pháp luật; Quyền được yêu cầu NLĐ và các đối tác khác tôn trọng các quyền và lợi ích của mình, nếu bị xâm hại có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, bảo đảm. Thông qua việc đảm bảo thực hiện các quyền trên, NSDLĐ thu được các lợi ích như lợi nhuận trong kinh doanh, vị thế trên thị trường.
3.2. Sự cần thiết của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động:
Trong QHLĐ giữa NSDLĐ và NLĐ thì NSDLĐ luôn được coi là chủ thể có nhiều quyền lực, được xem là “kẻ mạnh” trong lao động. Tuy vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ cũng là cần thiết vì QHLĐ luôn bao hàm hai loại chủ thể là NSDLĐ và NLĐ. Địa vị pháp lý của hai chủ thể này tuy ngang bằng nhau trong pháp luật, nhưng thực tế NLĐ luôn là người yếu thế hơn do vậy Nhà nước luôn dành cho họ những ưu đãi trong chính sách pháp luật lao động để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa quyền và lợi ích của NSDLĐ không được coi trọng bởi trong thực tiễn QHLĐ, đã xuất hiện những trường hợp quyền và lợi ích của NSDLĐ bị xâm phạm do NLĐ hoặc các chủ thể khác vi phạm. Vì vậy, với tư cách là một bên trong QHLĐ, NSDLĐ cũng cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng như NLĐ.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ là tiền đề, điều kiện để đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ. Trong QHLĐ, quyền của chủ thể này bao giờ cũng tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể bên kia tạo thành mối liên hệ pháp lý thống nhất. Không có chủ thể nào chỉ có quyền hoặc chỉ có nghĩa vụ và không có nghĩa vụ thì cũng không có quyền của bên kia. Nhiều khi, chúng ta quan niệm: quyền của chủ thể bên này và nghĩa vụ của chủ thể bên kia là hai mặt đối lập, mâu thuẫn. Sự suy nghĩ, nhận định như vậy là phiến diện, thiếu cái nhìn biện chứng. Thực ra, quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ đó là quan hệ của một thể thống nhất, quan hệ khép kín không thể chia tách của “một phương trình có hai vế” mà nếu thiếu một vế thì không giải mã được bài toán đó. NLĐ luôn được xem là kẻ yếu trong QHLĐ vì thế để bảo vệ họ thì pháp luật phải bảo vệ quyền và lợi ích của chính người chủ của họ. NSDLĐ có được đối xử công bằng, quyền và lợi ích trong doanh nghiệp được bảo vệ thì họ mới tạo ra một môi trường lao động đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho NLĐ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ là điều kiện ổn định hài hòa QHLĐ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động. Một thị trường lao động được xem là ổn định phát triển đó là thị trường có đồ thị cân bằng giữa cung và cầu lao động, trong đó cung và cầu lao động có tỉ lệ thuận với nhau. Nếu cung lao động thừa sẽ gây ra tình trạng dư thừa lao động, tăng tỉ lệ thất nghiệp của NLĐ trong xã hội, làm cho thị trường lao động bị mất sự ổn định. Nhưng nếu cầu lao động tăng nhanh mà thiếu lao động giỏi thì thị trường lao động cũng không thể ổn định, phát triển được. Đó là điều chắc chắn vì cung và cầu chỉ có thể nằm trong một thể thống nhất của thị trường lao động. Trong mối quan hệ với NLĐ thì NSDLĐ có một vai trò rất lớn bởi họ là yếu tố quyết định đầu ra cho những sản phẩm. Nếu không có sự tổ chức, quản lý của NSDLĐ thì NLĐ chỉ là những cá thể riêng rẽ không thể làm việc trong một môi trường có tính tập thể cao, tạo ra được những dây chuyền sản xuất có hiệu quả. Ở môi trường lao động có sự tổ chức, quản lý của NSDLĐ tốt, tính kỷ luật cao thì ở đó NLĐ sẽ làm việc hết năng suất tạo ra được nhiều sản phẩm tốt. Điều này cũng tỉ lệ thuận với thu nhập của NLĐ, họ sẽ nhận được một mức lương thỏa đáng hơn, chế độ đãi ngộ cũng tốt hơn.
Việc bảo vệ NSDLĐ được đặt song song với vấn đề bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nếu NLĐ có mối quan tâm quan trọng và chủ yếu nhất là tiền lương, thưởng, điều kiện làm việc tốt thì NSDLĐ lại quan tâm đến lợi nhuận mà họ thu được. Tuy lợi ích của hai chủ thể này khác nhau nhưng xét về căn nguyên, đó lại là mối quan hệ tương hỗ. Không có lợi ích của bên này thì cũng không thể đảm bảo được lợi ích của bên kia: Nếu NLĐ không làm việc năng suất có hiệu quả thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà NSDLĐ có thể kiếm được, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng, chế độ của chính NLĐ cũng như cải thiện điều kiện làm việc. Do vậy, quyền và lợi ích của hai bên đều không được bảo đảm.
Bảo vệ quyền và lợi ích của NSDLĐ cũng là để hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Chính sách kinh tế là đảm bảo hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Chính sách xã hội là việc làm cho NLĐ, môi trường, điều kiện kinh doanh của NSDLĐ, sự nhìn nhận công bằng của xã hội đối với quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ. Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội thì mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hội nhập hiện nay.
Từ những quan điểm nêu trên, sự cần thiết trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NSDLĐ là để duy trì sự ổn định trong QHLĐ, cũng như bảo đảm được quyền lợi của NLĐ, khuyến khích NSDLĐ đầu tư, phát triển sản xuất, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho NLĐ và nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế.