Một trong vấn đề của hoạt động kinh doanh là đầu tư, theo đó đầu tư được hiểu là việc cá nhân, tổ chức sử dụng tài sản để thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu thu được lợi nhuận nhiều hơn trong lĩnh vực mà họ đầu tư. Cùng bài viết tìm hiểu khái niệm, đặc điểm và phân loại quỹ đầu tư chứng khoán.
Mục lục bài viết
1. Giải thích từ ngữ:
– Chứng khoán: là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
- Hợp đồng góp vốn đầu tư;
- Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.
– Đầu tư chứng khoán:
Đầu tư chứng khoán không chỉ xét trên phương diện sự tính toán kỹ lưỡng, chi tiết. Theo đó, đầu tư chứng khoán là việc các tổ chức, cá nhân bỏ vốn của mình để mua các chứng khoán đang lưu hành trên thị trường nhằm đạt được những lợi ích nhất định. Mục đích của việc đầu tư chứng khoán đầu tiên là nhằm thu được lợi nhuận từ số tiền đã bỏ ra đầu tư, hoặc thực hiện quyền kiểm soát, tham gia quản trị công ty.
2. Khái niệm, đặc điểm, phân loại quỹ đầu tư chứng khoán:
a.Khái niệm quỹ đầu tư chứng khoán
Theo khoản 27 điều 6 Luật chứng khoán quy định: “quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ”.
Quỹ đầu tư chứng khoán là mô hình đầu tư mà theo đó, nguồn vốn của quỹ được đầu tư chủ yếu vào chứng khoán và các nhà đầu tư uỷ thác cho công ty quản lý quỹ quyền trực tiếp điều hành quỹ.
b. Đặc điểm quỹ đầu tư chứng khoán
Xét một cách khái quát, mô hình quỹ đầu tư chứng khoán có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, quỹ đầu tư chứng khoán luôn dành đa số vốn đầu tư của Quỹ để đầu tư vào chứng khoán. Đặc điểm này phân biệt quỹ đầu tư chứng khoán với các loại quỹ đầu tư khác. Quỹ có thể xây dựng danh mục đầu tư đa dạng và hợp lý theo quyết định của các nhà đầu tư nhằm tối đa hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Trước đây, Nghị định 144/2003/NĐ-CP quy định quỹ đầu tư chứng khoán phải dành tối thiểu 60% giá trị tài sản của quỹ vào lĩnh vực chứng khoán. Ngoài việc chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán cũng có thể tiến hành đầu tư vào những lĩnh vực khác như góp vốn, kinh doanh bất động sản v.v..
Thứ hai, quỹ đầu tư chứng khoán được quản lý và đầu tư một cách chuyên nghiệp bởi công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Nói một cách khác, các nhà đầu tư đã uỷ thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán việc quản lý quỹ và tiến hành hoạt động đầu tư chứng khoán từ số vốn của quỹ. Công ty quản lý quỹ có thể cử ra một cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý quỹ gọi là nhà quản trị quỹ. Nhà quản trị được chọn thường phải là người có thành tích và được sự ủng hộ của đa số nhà đầu tư. Để đảm bảo công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tiến hành hoạt động đúng như mong muốn của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chứng khoán cần phải có một ngân hàng giám sát. Ngân hàng này sẽ thay mặt các nhà đầu tư để giám sát cũng như giúp đỡ quỹ đầu tư chứng khoán hoạt động đúng mục tiêu mà các nhà đầu tư đã đề ra, tránh tình trạng công ty quản lý quỹ tiến hành các hoạt động đi ngược lại lợi ích của nhà đầu tư.
Thứ ba, quỹ đầu tư chứng khoán có tài sản độc lập với tài sản của công ty quản lý quỹ và các quỹ khác do công ty này quản lý. Đặc điểm này đảm bảo việc đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán tuân thủ đúng mục đích đầu tư, không bị chi phối bởi lợi ích khác của công ty quản lý quỹ. Sự tách bạch về tài sản giữa công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán nhằm đảm bảo công ty quản lý quỹ hoạt động quản lý vì lợi ích của các nhà đầu tư vào quỹ chứ không vì mục đích của riêng mình. Từ yêu cầu tách bạch về tài sản đã chi phối rất lớn đến nội dung những quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ.
c. Phân loại quỹ đầu tư chứng khoán
Quỹ đầu tư chứng khoán có thể được thành lập theo nhiều loại khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Sự phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán trên thế giới đã dẫn đến có nhiều tiêu chí để phân loại quỹ đầu tư chứng khoán.
– Phân loại theo phương thức huy động vốn và quyền quản lý: quỹ đầu tư chứng khoán được chia thành hai loại là quỹ đại chúng và quỹ thành viên.
– Căn cứ vào quy mô, cách thức và tính chất góp vốn: quỹ đầu tư chứng khoán được chia thành 2 loại là quỹ đầu tư dạng đóng và quỹ đầu tư dạng mở.
– Phân loại theo tư cách chủ thể của quỹ: Quỹ đầu tư chứng khoán có hai loại là quỹ không có tư cách chủ thể và quỹ có tư cách chủ thể.
– Phân loại theo mục tiêu đầu tư của quỹ: quỹ đầu tư chứng khoán rất đa dạng về loại hình. Sau đây xin được nêu một số loại quỹ đầu tư phổ biến trên thị trường chứng khoán ở các nước có nền kinh tế phát triển: quỹ đầu tư ngành kinh doanh; quỹ đầu tư chủ động; quỹ đầu tư thụ động; quỹ đầu tư có mục tiêu đạo đức.
3. Quy định về quỹ đầu tư chứng khoán theo pháp luật hiện hành:
Quy định về quỹ đầu tư chứng khoán theo pháp luật hiện hành có những yếu tố sau:
- Thứ nhất, về điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán có các nội dung chủ yếu được quy định tại điều 86
Luật chứng khoán 2006 sau đây:
–Trong điều lệ có ghi rõ tên quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát;
_ Ngày thành lập quỹ đầu tư chứng khoán;
– Mục tiêu hoạt động; lĩnh vực đầu tư; thời hạn hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán;
– Vốn góp và quy định về tăng vốn của quỹ đầu tư chứng khoán;
– Quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát; các trường hợp thay đổi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát; quy định về việc uỷ quyền cho công ty quản lý quỹ ký hợp đồng giám sát với ngân hàng giám sát;
– Quy định về Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán, Đại hội nhà đầu tư;
– Các hạn chế đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán;
– Quy định về việc đăng ký sở hữu chứng chỉ quỹ và lưu giữ sổ đăng ký nhà đầu tư của quỹ;
– Quy định về việc lựa chọn ngân hàng giám sát; lựa chọn và thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;
– Quy định về chuyển nhượng, phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ mở; quy định về việc niêm yết chứng chỉ quỹ đóng;
– Các loại chi phí và thu nhập của quỹ đầu tư chứng khoán; mức phí, thưởng đối với công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát; các trường hợp và phương pháp phân chia thu nhập của quỹ đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư;
– Phương thức xác định giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư chứng khoán, giá trị tài sản ròng của mỗi chứng chỉ quỹ;
– Quy định về giải quyết xung đột lợi ích;
– Quy định về chế độ báo cáo;
– Quy định về giải thể quỹ đầu tư chứng khoán;
– Cam kết của ngân hàng giám sát và công ty quản lý quỹ về việc thực hiện nghĩa vụ với quỹ đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư và tuân thủ Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;
– Thể thức tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.
4. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tham gia vào quỹ đầu tư chứng khoán:
- Nhà đầu tư có các quyền sau đây:
– Thứ nhất, hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán tương ứng với tỷ lệ vốn góp;
– Thứ hai, hưởng các lợi ích và tài sản được chia hợp pháp từ việc thanh lý tài sản quỹ đầu tư chứng khoán;
– Thứ ba, yêu cầu công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng giám sát mua lại chứng chỉ quỹ mở;
– Thứ tư, khởi kiện công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát hoặc tổ chức liên quan nếu tổ chức này vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
– Thứ năm, thực hiện quyền của mình thông qua Đại hội nhà đầu tư;
– Thứ sáu, chuyển nhượng chứng chỉ quỹ theo quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;
– Thứ bảy, các quyền khác quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.
- Nhà đầu tư có các nghĩa vụ sau đây:
– Thứ nhất, chấp hành quyết định của Đại hội nhà đầu tư;
-Thứ hai, thanh toán đủ tiền mua chứng chỉ quỹ;
– Thứ ba, các nghĩa vụ khác quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.
5. Chức năng của quỹ đầu tư chứng khoán:
Khi thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển nhanh thì quỹ đầu tư chứng khoán ra đời để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bạn có thể thấy rõ rằng chức năng của quỹ đầu tư rất quan trọng trong thị trường và có nhiều chức năng khác nhau:
Thứ nhất, góp phần huy động vốn phát triển kinh tế nói chung và góp phần vào sự phát triển của thị trường. Điển hình như quỹ đầu tư tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, hay như cung cấp vốn cho các nghành phát triển. Không những vậy quỹ đầu tư còn góp phần làm ổn định thị trường thứ cấp : làm bình ổn giá cả, các hoạt động đầu tư chuyên nghiệp, …
Thứ hai, quỹ đầu tư là một phần quan trọng trong việc đồng hành cùng với các nhà đầu tư nhỏ, những trường hợp không thực sự am hiểu thị trường, thiếu kiến thức trong quá trình đầu tư. Qũy đầu tư đứng ra nhằm tập hợp số vốn đầu tư nhỏ, việc đó giúp nhà đầu tư nhỏ dễ dàng tham gia vào các dự án để kiếm lời. Bạn có thể thấy rõ ràng rằng đằng sau quỹ đầu tư là những người có kiến thức sâu trong việc đầu tư chứng khoán. Cụ thể khi tham gia quỹ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu chi phí rõ ràng như nhận được những cuộc giao dịch lớn, hay như hạn chế được những mặt hạn chế thiếu chuyên nghiệp từ những nhà đầu tư.
Thứ ba, các quỹ đầu tư có chức năng giúp doanh nghiệp khái quát được tính khả thi của dự án được đưa ra, đây là một trong những bước rất quan trọng đối với doanh nghiệp.