Lao động nữ có những đặc điểm riêng biệt so với lao động nam về tâm sinh lý và thể lực có những đặc trưng riêng về giới khi tham gia vào quan hệ lao động. Việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ giúp phòng ngừa và chống lại mọi sự xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của lao động nữ.
Mục lục bài viết
1. Lao động nữ là gì:
Lao động là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của xã hội loài người. Tại Công ước số 155 – Công ước về An toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc (1981) thì Người lao động bao gồm tất cả những người thuộc giới lao động trong xã hội; theo nghĩa hẹp người lao động bao gồm những người làm công cho các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức, cá nhân gia đình trên cơ sở
Giới là khái niệm về mối quan hệ xã hội – văn hóa giữa nam và nữ. Giới là cách để xã hội chia con người thành các phạm trù, các loại và chỉ định cho mỗi loại đều có hành vi riêng, những trách nhiệm và quyền lợi riêng. Sự phân công lao động theo giới là sự phân chia công việc giữa nam và nữ. Xuất phát từ những đặc thù về giới, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam đã có các cơ chế, chính sách phù hợp với lao động nữ. Tuy nhiên, trong các văn bản quy định pháp luật từ trước đến nay của Việt Nam đều không có quy định thể hiện thế nào là lao động nữ. Từ sự khác biệt về giới, lao động nữ có thể được hiểu là người lao động có những đặc điểm riêng biệt so với lao động nam về tâm sinh lý và thể lực, mang những đặc trưng riêng về giới khi tham gia quan hệ lao động.
Vì vậy, ta có thể xem xét khái niệm lao động nữ dưới những góc độ sau:
Thứ nhất, xét về mặt sinh học:
Lao động nữ là người lao động có giới tính nữ. Giới tính nữ là đặc điểm sinh học của con người có khả năng mang thai và sinh con khi cơ thể họ hoàn thiện và chức năng giới tính hoạt động bình thường. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5
Đây được coi là thiên chức của người phụ nữ.
Thứ hai, xét về mặt pháp lý:
Lao động nữ là người lao động. BLLĐ năm 2019 của nước ta quy định như sau: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này” [Bộ luật lao động 2019, Điều 3]. Pháp luật quy định độ tuổi lao động nhằm đảm bảo khả năng lao động cho mỗi người, tránh lạm dụng, bóc lột NLĐ. Về mặt bản chất, lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động sẽ được xác định là NLĐ khi họ có đầy đủ năng lực chủ thể của người lao động bao gồm năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm lao động nữ như sau:
Lao động nữ là người lao động có giới tính nữ, làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương; chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
2. Đặc điểm của lao động nữ:
Từ khái niệm lao động nữ đã nêu ở trên, có thể khẳng định lao động nữ trước hết cũng có những đặc điểm của NLĐ nói chung trong quan hệ lao động như phải đáp ứng độ tuổi lao động, có khả năng lao động, là những người làm công ăn lương, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ,… Bên cạnh những đặc điểm chung của NLĐ, lao động nữ có những đặc điểm riêng mang tính chất đặc thù. Đây cũng chính là những đặc điểm tạo nên sự khác biệt giữa lao động nam và lao động nữ. Cụ thể:
2.1. Về mặt sinh học:
Với đặc thù phụ nữ có thiên chức mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ,… Khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, người phụ nữ sẽ phải chịu nhiều thay đổi về cơ thể, tâm lý cũng như khả năng lao động làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của họ. Đây cũng là một đặc điểm làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến cho NSDLĐ phải cân nhắc khi tuyển dụng và sử dụng lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp. Vì trong suốt thời gian mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ được phép nghỉ để đi khám thai và nghỉ sinh con. Do vậy, những đặc điểm này là yếu tố quan trọng để các nhà làm luật xem xét khi xây dựng các quy định riêng đối với lao động nữ để họ có thể vừa được làm việc vừa có điều kiện để thực hiện thiên chức làm mẹ.
2.2. Về mặt thể chất:
Có thể đánh giá thể chất trung bình của lao động nữ kém hơn so với lao động nam. Phụ nữ thường thấp bé, nhẹ cân, chân yếu tay mềm không thích hợp với công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ngược lại họ lại có sự khéo léo, bền bỉ và dẻo dai trong công việc. Điều này lí giải vì sao trên thực tế những công việc nặng nhọc như mang vác vật nặng hay làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thường do lao động nam đảm nhiệm còn những công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ như nghề may mặc, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ thường do lao động nữ đảm nhận. Điều này ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của lao động nữ.
2.3. Về mặt yếu tố tâm lý:
Các định kiến xã hội đã tác động sâu sắc đến lao động nữ, đó là những định kiến xã hội về giới xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến lao động nữ thường có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn lao động nam; nhận biết hiểu biết về pháp luật, chính sách nhà nước của lao động nữ còn hạn chế. Mặc dù, trong thực tế ngày nay tư tưởng đó gần như đã được xóa bỏ nhưng không là hoàn toàn. Nhiều người vẫn còn tư tưởng coi người phụ nữ có vị trí thứ yếu trong gia đình và xã hội, hạn chế năng lực của lao động nữ. Vì vậy, thực tế trong xã hội vị thế của nam giới vẫn được đề cao hơn người phụ nữ. Do đó, cơ hội về việc làm, thu nhập cũng như quyền lợi chính đáng của lao động nữ vì thế mà bị hạn chế. Chính điều này đã khiến cho lao động nữ bị bó hẹp về cơ hội và kiềm chế khả năng phát triển bản thân.
2.4. Về khả năng gia nhập vào thị trường lao động:
Ở Việt Nam hiện nay bình đẳng giới còn đang gặp khá nhiều rào cản, và phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Xét về mức đóng góp lợi ích cho xã hội, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, và lao động là cầu nối cho sự phát triển của bản thân. Trình độ học vấn ảnh hưởng khá tích cực đến khả năng tham gia vào thị trường lao động của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Đầu tư giáo dục cho nữ giới sẽ mang lại nhiều lợi ích vừa cho chính họ vừa cho gia đình và vừa cho sự phát triển xã hội.
3. Khái niệm về bảo vệ lao động nữ:
Trong quan hệ lao động, NLĐ luôn ở vị trí yếu thế hơn so với NSDLĐ và bảo vệ NLĐ là một nguyên tắc cơ bản của luật lao động, thể hiện tính đặc thù của luật lao động. Do vậy pháp luật lao động từ khi ra đời đã luôn hướng đến mục tiêu này. Bảo vệ NLĐ chính là chính sách mà Nhà nước đặt ra nhằm bảo vệ nguồn nhân lực, bảo vệ quyền con người trong quan hệ lao động. Pháp luật lao động thể hiện điểm bảo vệ NLĐ với tư cách bảo vệ các quyền con người trong lĩnh vực lao động. Vì vậy, pháp luật lao động đã có những quy định điều chỉnh quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ trong quan hệ lao động nhằm bảo vệ NLĐ một cách toàn diện. Đối với lao động nữ, khi tham gia vào quan hệ lao động do những đặc thù về giới, họ có nguy cơ xâm hại, thiệt thòi nhiều hơn so với NLĐ nam. Do vậy trong phạm vi pháp luật lao động, bảo vệ lao động nữ chủ yếu được nhìn nhận trong mối quan hệ của họ với NSDLĐ nhằm chống lại các nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bị đối xử bất công, bị xâm hại hoặc phải thực hiện công việc trong điều kiện không đảm bảo. Mức độ bảo vệ với lao động nữ cũng được quan tâm, ưu tiên nhiều hơn so với lao động nam.
Như vậy, có thể hiểu “Bảo vệ lao động nữ là phòng ngừa và chống lại mọi sự xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, thân thể, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đúng của lao động nữ từ phía NSDLĐ trong mối quan hệ lao động”.