Các dấu hiệu pháp lý của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Khách thể và mặt chủ quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Lỗi, Động cơ phạm tội, và mục đích phạm tội.
Việc nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý (còn được gọi là CTTP) của một tội phạm là vô cùng quan trọng bởi nó là điều kiện chung, quan trọng nhất để định tội danh một cách chính xác, là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu TNHS người phạm tội, là căn cứ để
Về mặt lý luận, có thể hiểu: CTTP là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý (gồm cả dấu hiệu khách quan và dấu hiệu chủ quan) do PLHS quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm. Hay nói cách khác, một CTTP cụ thể là tổng hợp các dấu hiệu khách quan và chủ quan bắt buộc, mà bằng các dấu hiệu đó nhà làm luật quy định tại quy phạm của Phần các tội phạm BLHS tính chất tội phạm và tính chất bị xử phạt (hay còn gọi là tính chất bị xử lí về hình sự) của hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng bị luật hình sự cấm đồng thời chỉ ra loại hình phạt nào và trong giới hạn nào nó có thể được
Để nắm rõ được CTTP của một tội phạm, cần nắm được các yếu tố cấu thành (hay chính là các dấu hiệu pháp lý) của tội phạm đó. Truyền thống khoa học pháp lý hình sự đã thừa nhận 04 yếu tố của CTTP đó là: (1) Khách thể; (2) Chủ thể; (3) Mặt khách quan và (4) Mặt chủ quan. Bất kỳ tội phạm nào cũng bao gồm đầy đủ đồng thời 04 yếu tố này, nếu thiếu đi một trong những yếu tố trên sẽ không đủ để cấu thành nên một tội phạm, từ đó cũng không đặt ra vấn đề về TNHS. Do đó để xác định một hành vi phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định trong BLHS sẽ được xem xét dựa trên những yếu tố cấu thành trên đây.
Mục lục bài viết
1. Khách thể của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Khách thể của tội phạm được hiểu là những quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm nhưng bị tội phạm xâm hại đến bằng cách gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể nhất định đối với quan hệ xã hội ấy.
Những quan hệ này được PLHS hiện hành ghi nhận tại khoản 1 Điều 8 của BLHS năm 2015, đó là: …độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, không phải quan hệ xã hội nào cũng được luật hình sự bảo vệ, mà chỉ những quan hệ xã hội quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến những lợi ích cơ bản của điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân mới được luật hình sự bảo vệ – và được coi là khách thể của tội phạm.
Nắm vững được bản chất khách thể của tội phạm có ý nghĩa quan trọng vì nó là một trong những yếu tố cơ sở để đặt ra vấn đề định tội danh và quyết định hình phạt với một người. Ngoài ra, nghiên cứu về khách thể giúp thấy rõ bản chất, xu hướng và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi; giúp phân biệt và nhận biết mức độ gây thiệt hại của hành vi (hoặc nhóm hành vi này) với những hành vi (hay nhóm hành vi) khác. Điều này lý giải tại sao một số tội phạm không do người có chức vụ thực hiện những vẫn được xếp vào nhóm Các tội phạm chức vụ như: Tội đưa hối lộ (Điều 364); Tội môi giới hối lộ (Điều 365); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366). Đây là ý đồ của nhà lập pháp: quy định những tội phạm này trong nhóm Tội phạm về chức vụ không phải vì chủ thể mà vì “khách thể” của tội phạm bởi những tội phạm này cũng xâm phạm đến những quan hệ xã hội giống như các tội phạm về chức vụ.
Căn cứ vào những dấu hiệu xã hội – pháp lý của các quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ, khoa học luật hình sự Việt Nam phân chia thành ba loại khách thể gồm: khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó khách thể loại là nhóm quan hệ có cùng tính chất được nhóm QPPL hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm các tội phạm cùng loại. Khách thể loại là cơ sở để giúp sắp xếp và hệ thống các quy phạm trong phần các tội phạm của BLHS thành từng chương. Ví dụ: Chương XXIII – Các tội phạm về chức vụ.
Đối với tội Thiếu TNHS gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 BLHS thuộc nhóm Các tội phạm về chức vụ, do đó cũng mang khách thể của nhóm tội phạm này. Theo đó, các tội phạm về chức vụ là các tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà các cơ quan, tổ chức này bao gồm: CQNN (như: Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp,…), tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức kinh tế (ví dụ như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh Niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, …); các cơ quan thuộc tổ chức xã hội (như Hội người mù, Hội chữ thập đỏ); các tổ chức kinh tế (như các doanh nghiệp) … Một trong những yêu cầu đối với các hoạt động của những cơ quan, tổ chức trên là phải đảm bảo đúng pháp luật. Nhưng những hành vi do tội phạm có chức vụ thực hiện đã làm cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức này trái pháp luật, ngược lại với đòi hỏi của pháp luật, lợi ích của xã hội từ đó ảnh hưởng đến uy tin của cơ quan tổ chức, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Được xếp vào nhóm tội phạm có chức vụ, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng gây nên những thiệt hại như thế. Do đó khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng chính là những hoạt động đúng đắn, bình thường và uy tín của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức này là hoạt động theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các hoạt động đó có thể là: lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện; quản lý, tổ chức nhân Nhờ những hoạt động đúng đắn đó mà bảo đảm được quyền lợi cho những chủ thể liên quan; đảm bảo cho xã hội được vận hành một cách có trật tự, an toàn; không để quyền lợi của nhân dân và Nhà nước bị xâm hại.
Do đó hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, danh dự, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức; làm cho cán bộ, công chức ở cơ tổ chức mình bị thoái hoá biến chất. Và đây hoàn toàn là những quan hệ xã hội mà PLHS bảo vệ không để tội phạm xâm hại.
Có thể đưa ra một ví dụ như sau: Trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại huyện KBang, tỉnh Gia Lai đầu năm 2021, Lê Hữu Đ có nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng thuộc lâm phần Công ty Lơ Ku quản lý nhưng lại không thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu do mình quản lý, khi làm việc chi kiểm tra theo đường mòn mà không đi sâu bên trong các tiêu khu nên không phát hiện việc khai thác gỗ trái phép; khi gặp lâm tặc khai thác gỗ trái phép thì không quyết liệt xử lý. Sự thiếu trách nhiệm của Lê Hữu Đ đã tạo điều kiện cho các nhóm lâm tặc khai thác gỗ trái phép, gây hậu quả thiệt hại về lâm sản là 127,438m gỗ tròn, thành tiền là 804.845.800 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 3.139.741.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.944.587.000 đồng. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại về tài sản, gây thiệt hại về môi trường, về an toàn trật tự trong công tác kiểm lâm mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng hộ của địa phương cũng như an toàn của người dân nếu tình hình tội phạm như vậy tiếp tục tái diễn.
Một ví dụ khác như: Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại TP Phan Thiết được xét xử ngày 21/2/2022: trong vụ án, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết và Chi cục thuế Phan Thiết trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân đã thiếu trách nhiệm trong việc xác định thông tin khu vực, vị trí đối với các thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển cho Chi cục Thuế TP Phan Thiết xác định nghĩa vụ tài chính, dẫn đến hậu quả là xác định sai thông tin khu vực, vị trí đối với 46 thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất, gây thiệt hại tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ phải nộp cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của CQNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đơn vị, gây thiệt hại đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
2. Mặt chủ quan của Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Mặt chủ quan của tội phạm có thể được hiểu là các đặc điểm tâm lý bên trong của cách xử sự có tính chất phạm tội xâm hại đến những khách thể được luật hình sự bảo vệ. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các yếu tố là: (1) Lỗi, (2) Động cơ phạm tội, và (3) mục đích phạm tội. Mỗi yếu tố đều có ý nghĩa pháp lý riêng trong việc xác định một hành vi được coi là tội phạm.
Yếu tố quan trọng nhất trong mặt chủ quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là yếu tố “Lỗi”. Có thể hiểu: Lỗi là thái độ tâm lý của chủ thể có năng lực TNHS, thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và hậu quả do hành vi đó gây ra trong khi họ có đủ điều kiện để lựa chọn, thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lý các yếu tố lý trí và ý chí của con người, khoa học luật hình sự đã chia lỗi thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý.
Trong luật hình sự hiện hành không quy định về thuật ngữ “lỗi” nhưng cũng quy định về trường hợp vô ý phạm tội như sau:
Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Đối với lỗi vô ý cần xem xét về hai yếu tố lý trí và yếu tố ý chí mới có thể tiếp cận và nắm được rõ nhất khái niệm của lỗi vô ý. Cụ thể:
Yếu tố lý trí: là khi chủ thể không nhận thức được hoặc nhận thức không đầy đủ đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi khi quyết định thực hiện hành vi, họ không thấy được khả năng xảy ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Yếu tố ý chí: chủ thể có điều kiện lựa chọn, thực hiện hành vi phù hợp với quy định của PLHS, nhưng chủ thể đã tự mình tước bỏ điều kiện này và lựa chọn, thực hiện một hành vi khác – hành vi trái PLHS.
Luật quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý là hợp lý bởi nếu thực hiện với lỗi cố ý tức chủ thể thực hiện hành vi đã biết hành vi của mình là nguy hiểm, sẽ gây thiệt hại những vẫn thực hiện nhằm mong muốn thiệt hại đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho thiệt hại đó xảy ra. Hành vi ấy không còn bản chất của tính “thiếu trách nhiệm” – lơ là trong công việc nữa mà là hành động có chủ đích gây thiệt hại, khi đó chủ thể phải bị xử lý đối với hành vi trực tiếp gây thiệt hại đó chứ không phải xử lý vì hành vi thiếu trách nhiệm. Do đó đối với tội này sẽ cần thỏa mãn những điều kiện sau:
Một là, chủ thể không nhận thức được đầy đủ các đặc điểm thể hiện tính chất hiểm cho xã hội của hành vi. Tức chủ thể đó không nhận thức được sự thiếu trách nhiệm của mình sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Hai là, chủ thể phải có sự tin tưởng quá mức cần thiết hoặc sự cẩu thả, thiếu thận trọng trong việc đánh giá hành vi. Tức chủ thể khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng công việc được giao nhưng bản thân họ vẫn tin rằng sẽ không xảy ra thiệt hại, hoặc nếu có vấn đề gì phát sinh (thiệt hại) thì họ hoàn toàn có thể xử lý được. Thiệt hại xảy ra trên thực tế hoàn toàn nằm ngoài ý chí của họ.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế xảy ra và tùy thuộc vào chức vụ, quyền hạn của của chủ thể mà chủ thể đó sẽ phạm tội với trường hợp vô ý nào, vô ý vì sự chủ quan, quá tự tin của mình – chủ thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng đã loại trừ khả năng đó, cho rằng khả năng đó không xảy ra hoặc sẽ ngăn ngừa được; hay vô ý do cẩu thả – từ chối việc nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi trong khi tự bản thân họ hoàn toàn có thể thấy trước được hậu quả. Tuy nhiên, tương tự như đã nói ở trên, để xác định người có chức vụ, quyền hạn có thiếu trách nhiệm (có lỗi) trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao hay không cần chú ý đến khả năng thực tế để thực hiện nhiệm vụ đó hay không. Nếu thực tế người được giao nhiệm vụ không thể thực hiện được nhiệm vụ được giao thì họ không có lỗi và không phạm tội.
Các dấu hiệu khác trong mặt chủ quan của tội phạm như: động cơ, mục đích phạm tội không phải yếu tố bắt buộc đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu chủ thể thực hiện hành vi có động cơ, mục đích thì chỉ là động cơ, mục đích của xử sự chứ không phải động cơ, mục đích phạm tội vì người phạm tội với lỗi vô ý hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra. Ví dụ: Anh A là cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, có trách nhiệm xác minh các tài liệu của người dân để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cho người dân nên anh A đã không xác minh kỹ những thông tin, tài liệu đối với những thửa đất mà người dân cung cấp dẫn đến xác định sai những thông tin cần thiết phục vụ việc xác định nghĩa vụ tài chính gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, anh A không có mục đích, động cơ gây thiệt hại tài sản cho nhà nước mà chỉ muốn thực hiện thủ tục nhanh chóng cho người dân mà không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ mình được giao nên vô tình dẫn đến thiệt hại trên thực tế.