Trong toàn bộ quá trình tố tụng, kết án được xem là những bước cuối cùng của một vụ án. Những vấn đề xoay quanh việc kết án, người bị kết án hay quy định " đã bị kết án " đã được cụ thể hóa bằng những quy định của pháp luật . Tại bài viết này Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản xoay quanh vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Kết án là gì?
Kết án là việc Tòa án ra bản án tuyên bố một người phạm tội do hành vi của mình gây ra theo quy định của Bộ luật hình sự.
Kết án tiếng Anh là ” To condemn “
2. Thẩm quyền kết án:
Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền kết án một người.
Không ai bị xem là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tại phiên tòa sơ thẩm có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
Khi kết án bị cáo, bản án của Tòa án phải ghi rõ các chứng cứ xác định bị cáo phạm tội, tội danh, điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác.
3. Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm:
Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm được quy định tại Điều 14 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:
‘‘Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”.
4. Người bị kết án là gì?
Người bị kết án là người bị Tòa án kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người bị kết tội được coi là người bị kết án.
Người bị kết án tiếng Anh là “convict”
5. Quyền và nghĩa vụ của người bị kết án:
– Quyền của người bị kết án:
+ Người bị kết án có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định, yêu cầu Tòa án cấp trên – cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
+Người bị kết án có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật với người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị xem xét lại bản án hoặc quyết định đó.
– Nghĩa vụ của người bị kết án:
+ Người bị kết án có nghĩa vụ chấp hành hình phạt theo quyết định của bản án kết án đối với mình, trừ trường hợp được miễn hình phạt.
6. Quy định “Đã bị kết án” trong Bộ luật Hình sự:
Điều 173 Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp tài sản quy định
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170,171,172,174,175 và 290…”.
“Đã bị kết án” còn là căn cứ để xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung hình phạt như “Tái phạm” hoặc “Tái phạm nguy hiểm” ở Phần chung tại Điều 53 Bộ luật Hình sự hoặc Phần các tội phạm, ví dụ như “tái phạm nguy hiểm” quy định tại Điểm q Khoản 2 Điều 251 về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tại Điều 53 phần chung của Bộ luật Hình sự quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2) Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn chưa quy định thế nào là “Đã bị kết án”. Có 02 quan điểm, cách hiểu khác nhau như sau:
– Thứ nhất: “Đã bị kết án” thì bản án đó phải có hiệu lực pháp luật, bởi Điều 31 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và do vậy, cụm từ “đã bị kết án” phải được hiểu là án có hiệu lực pháp luật.
– Thứ hai: cụm từ “Đã bị kết án”, được quy định tại rất nhiều điều luật của phần các tội phạm trong Bộ luật Hình sự và vẫn có thể được hiểu bản án đó phải có hiệu lực pháp luật và người bị kết án đó chưa được xóa án tích đối với bản án phải chấp hành đó.
Cả phần chung của Bộ luật Hình sự, chỉ có Điều 53 là quy định về “đã bị kết án, trong trường hợp này được hiểu là điều chỉnh đối với hành vi đã bị xét xử nhưng vẫn tiếp tục phạm tội, không có ý thức ăn năn, hối cải. Quy định này nhằm đánh vào ý thức của người phạm tội để giáo dục người phạm tội chấp hành tốt quy định của pháp luật, biết hối lỗi khi đã từng phạm tội, từng bị xét xử nên không nhất thiết bản án phải có hiệu lực pháp luật.
Đồng thời, điều này cũng nhằm để bản thân bị cáo nhận thức rằng đã từng bị đưa ra xét xử, từng bị kết án nhưng vẫn tiếp tục phạm tội thì phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những người khác để họ không tái phạm. Do đó, trong thời gian án chưa có hiệu lực pháp luật mà tiếp tục phạm tội là hành vi phạm tội mới, phạm tội trong thời gian ngắn, vừa bị xét xử nhưng vẫn không có ý thức tôn trọng luật pháp, tôn trọng cơ quan xét xử… thì phải tính là đã bị kết án và phải bị xử lý nghiêm minh hơn những người khác thì mới phù hợp.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết :
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.