Trong cuộc sống, có những đóa hoa đẹp đã tô điểm cho cuộc đời thêm thật nhiều ý nghĩa. Dưới đây là bài viết về Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp hay nhất được xây dựng chi tiết, cụ thể giúp các bạn cải thiện các viết văn hay kể về một câu chuyện. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn đạt thành cao trong học tập, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp hay nhất:
Trong cuộc sống, có những đóa hoa đẹp đã tô điểm cho cuộc đời thêm thật nhiều ý nghĩa. Chú Trần Anh Tuấn chính là một trong những bông hoa tươi đẹp đó. Dù hoàn cảnh của bản thân còn gặp nhiều khó khăn nhưng chú đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội. Câu chuyện được kể qua chương trình “Những tấm gương tiêu biểu” đã để lại trong em sự xúc động và sự ngưỡng mộ đối với việc làm của chú.
Chú Tuấn trú tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, năm nay 38 tuổi. Năm 19 tuổi, chú xin vào làm công nhân khai thác đá cho một nhà máy xi măng đóng trên địa bàn với mong muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Vào buổi chiều định mệnh 3/6/1998 chú gặp tai nạn lở đá nên bị gãy 2 đốt xương sống và liệt nửa người dưới. Những tháng ngày còn lại của mình chú vĩnh viễn làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường.
Chú rơi vào những ngày tháng buồn tủi và tuyệt vọng. Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, nằm một chỗ bên giường bệnh, chú chỉ biết làm bạn với những cuốn sách rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ đọc nhiều sách, báo… mà chú Tuấn nhận ra, cuộc sống này còn rất nhiều người có số phận như mình, trong đó có những người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích.
Vì vậy, chú đã suy nghĩ cần làm được một việc gì đó có ích cho cuộc sống của bản thân và xã hội. Sau thời gian dài ấp ủ, vào năm 2010 từ những sách báo chú sưu tầm được cùng với số tiền tích góp được để mua sách, chú Tuấn đã biến căn phòng của mình thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng chục học sinh đến đọc và mượn sách.
Để thư viện của mình có nhiều sách hơn, chú Tuấn đã miệt mài lên mạng tìm hiểu kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng thiện nguyện. Chú đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để chú thực hiện ước nguyện của mình mà nhờ vậy chú Tuấn đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của trường tiểu học và trung học cơ sở xã Quảng Trường cho học sinh sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, chú Tuấn còn lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Từ năm học 2013 đến nay, với nguồn quyên góp được, chú Tuấn đã hỗ trợ học phí, sách vở và quần áo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương. Trong năm 2016 vừa qua, chú cũng đã quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng.
Câu chuyện về chú Tuấn đã khiến em cảm thấy khâm phục tấm lòng và nghị lực của chú. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải biết vươn lên để sống đẹp và sống tốt cho đời. Em tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng làm nhiều việc có ích để giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh em.
2. Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp ấn tượng nhất:
Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười mà Mẹ kể chuyện của mẹ.
Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa. Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt… tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa.
Mẹ kể: Có những hôm may mắn vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.
Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.
Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều.
Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.
Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật ký của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em.
3. Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp ngắn gọn:
Ở xóm em, không ai là không biết đến bà Hòa – một người phụ nữ hiền hậu, tài giỏi và giàu lòng yêu thương. Từ khi có bà, khu phố nhà em trở nên tươi đẹp lạ thường.
Trước đây, con đường đi hai bên đường trụi lủi đất đá, một vài đoạn mới có những cụm cỏ trâu xơ xác. Nhưng hai năm trước, khi gia đình bà Hòa chuyển về, mọi chuyện đã khác. Bà mua cây hoa giống, về trồng dọc hai bê đường đi trong xóm. Rồi chiều chiều, bà lại ra tưới nước, nhổ cỏ cho luống hoa. Người dân trong xóm thấy vậy, cũng bắt chước bà, tham gia cùng chăm sóc cây hoa ven đường. Nhờ vậy mà giờ đây, con đường xóm em lúc nào cũng xanh ngát, tươi tốt với các nụ hoa rực rỡ. Không chỉ vậy, bà Hòa còn thường cho mèo hoang trong xóm ăn cơm. Chúng tụ tập ở sân nhà bà, nằm phơi nắng, ăn cơm và được bà tắm cho như mèo nhà. Dù bà không nhốt chúng, cũng chẳng đặt tên nhưng chúng vẫn quyến luyến và tự tìm về với bà như những đứa cháu về thăm bà vậy. Từ lúc đàn mèo hoang được bà thuần hóa, chúng không còn phá phách các khu bếp của mọi người nữa. Không chỉ vậy, chúng còn giúp bắt chuột, bảo vệ cho đàn gà, kho thóc của bà con trong xóm.
Sự xuất hiện của bà Hòa như con gió mùa xuân thổi qua xóm em vốn đang ở mùa khô hanh. Thật tuyệt vời khi xóm em có một người tuyệt vời như bà ấy.
THAM KHẢO THÊM: