Kết hôn là một trong những sự kiện pháp lý đặc biệt quan trọng đối với mỗi người. Liên quan đến hoạt động này, có rất nhiều vướng mắc xoay quanh. Một trong số đó là việc hủy hôn, nhà trai có được đòi lại sính lễ đã trao hay không?
Mục lục bài viết
1. Hủy hôn, nhà trai có được đòi lại sính lễ đã trao hay không?
Kết hôn là việc hai cá nhân xác nhận quan hệ vợ chồng với nhau. Kết hôn là một nét đẹp văn hóa, một sự kiện trọng đại trong đời sống của mỗi con người.
Bên cạnh khía cạnh văn hóa, việc kết hôn (hay những vấn đề liên quan đến kết hôn) còn được nhìn nhận ở khía cạnh pháp luật.
Theo truyền thống, phong tục của Việt Nam, khi kết hôn, nhà trai sẽ trao sính lễ cho nhà gái. Việc trao lễ vật là một trong những hoạt động không thể thiếu. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, thì cũng có rất nhiều trường hợp không mong muốn xảy ra. Bao gồm cả việc hủy hôn. Một câu hỏi được đặt ra, là khi hủy hôn, nhà trai có được đòi lại sính lễ đã trao hay không?
Xét trên phương diện pháp luật, ta sẽ nhìn nhận việc trao sính lễ là một dạng của hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Trao sính lễ, giá trị của sính lễ như thế nào là sự thỏa thuận của nhà trai và nhà gái với nhau. Theo đó, bên nhà trai giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên nhà gái mà không yêu cầu đền bù và bên nhà gái đồng ý nhận. Cùng với đó, ta sẽ nhìn nhận hoạt động trao gửi sính lễ này là dựa trên tinh thần tự nguyện của nhà trai, không có sự ép buộc.
Tuy nhiên, xét theo quy định của pháp luật, thì với hợp đồng tặng cho tài sản, còn có hình thức tặng cho tài sản có điều kiện. Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng tặng cho có điều kiện như sau:
+ Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
+ Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
+ Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Từ nội dung phân tích nêu trên (cùng những giá trị truyền thống, phong tục của người dân Việt Nam), có thể khẳng định: Việc trao tặng sính lễ dựa trên tinh thần tự nguyện của nhà trai và nhà gái, không có sự thỏa thuận về điều kiện trao nhận sính lễ. Vậy nên, trong trường hợp hủy hôn, nhà trai sẽ không thể đòi lại sính lễ trên phương diện pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về hủy việc kết hôn trái pháp luật:
2.1. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2010 quy định về chủ thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:
+ Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định của pháp luật,
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định mà pháp luật đưa ra: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2.2. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật:
Hoạt động xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
– Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.
– Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
– Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
– Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
2.3. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật:
Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật được quy định cụ thể như sau:
– Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
– Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Quy định của pháp luật về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình:
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
– Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
– Nhà nước nghiêm cấm các hành vi sau đây:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
+ Yêu sách của cải trong kết hôn;
+ Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
+ Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
+ Bạo lực gia đình;
+ Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
– Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Theo đó, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
– Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định rõ, Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015;
Luật hôn nhân và gia đình 2014.