Di chúc là văn bản thể hiện di nguyện của người mất để lại tài sản của mình cho người khác thừa hưởng. Di chúc phải được lập theo trình tự, thủ tục và những quy định khác của pháp luật dân sự về thừa kế. Nếu di chúc được lập ra không đúng với quy định pháp luật hay còn gọi là trái quy định pháp luật thì sẽ bị huỷ bỏ và công nhận di chúc đó vô hiệu. Vậy việc huỷ bỏ di chúc trái pháp luật được thực hiện như thế nào? Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ và giải quyết việc huỷ bỏ di chúc trái pháp luật được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Pháp luật quy định như thế nào về di chúc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc được quy định là văn bản hay lời nói thể hiện ý chí và nguyện vọng của người có tài sản trong việc định đoạt tài sản hay dịch chuyển quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản của người đó cho người khác sau khi người có tài sản chết.
Do di chúc thể hiện sự chuyển đổi trong giao dịch dân sự nên di chúc khi lập ra cần đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc được công nhận là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Người lập di chúc phải lập di chúc trong lúc minh mẫn, sáng suốt và không bị lừa đối hay đe doạ, cưỡng ép phải viết di chúc;
– Nội dung được thể hiện trong di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội;
– Về hình thức của di chúc thì không được trình bày trái với quy định của pháp luật.
Một số lưu ý khi lập di chúc để được công nhận là hợp pháp:
– Đối với người lập di chúc ở độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì di chúc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật đồng ý về việc lập di chúc;
– Đối với người lập di chúc bị hạn chế về mặt thể chất hoặc người lập di chúc không biết chữ thì việc lập di chúc phải được người làm chứng (công chứng viên) lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực văn bản di chúc đó. Nếu người làm chứng không phải là công chứng viên để công chứng, chứng thực thì phải có ít nhất 02 người làm chứng ký vào văn bản và có xác nhận về chữ ký cũng như điểm chỉ của người lập di chúc;
– Di chúc bằng văn bản phải có công chứng, chứng thực thì được coi là hợp pháp. Trong trường hợp di chúc bằng văn bản không được công chứng chứng thực thì phải đảm bảo các điều kiện được phân tích ở trên, bao gồm điều kiện về chủ thể lập di chúc, nội dung và hình thức của di chúc.
Như vậy, khi di chúc được lập và đáp ứng đầy đủ các điều kiện được phân tích trên thì sẽ được xem là di chúc hợp pháp. Do đó khi người lập di chúc hợp pháp chết thì di chúc sẽ có hiệu lực và việc phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc mà người chết đã để lại
2. Quy định của pháp luật về huỷ bỏ di chúc trái pháp luật:
2.1. Trường hợp nào có thể huỷ bỏ di chúc trái pháp luật?
Huỷ bỏ di chúc được hiểu đơn giản là làm cho di chúc đã lập không còn được công nhận là có hiệu lực pháp luật. Theo đó, pháp luật dân sự về di chúc có quy định các trường hợp di chúc bị huỷ bỏ, cụ thể như sau:
– Đối với di chúc bằng miệng có thời hiệu đặc thù riêng là 03 tháng, cụ thể là sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc bằng miệng của người lập di chúc được nói ra khi người đó còn sống, trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt thì di chúc bằng miệng đương nhiên sẽ bị huỷ bỏ;
– Đối với di chúc được lập bằng văn bản, chỉ có người lập di chúc mới có quyền huỷ bỏ di chúc đã theo quy định tại khoản 1 Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Đối với trường hợp người lập di chúc có thay thế bằng một bản duy chúc mới thì di chúc được lập trước đó bị huỷ bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp di chúc được lập tại văn phòng công chứng thì người lập di chúc khi huỷ bỏ di chúc phải thông báo và thực hiện huỷ bỏ, làm bản di chúc mới tại tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc cũ theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014.
– Đối với trường hợp di chúc được lập thành văn bản nhưng không có công chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng lại không đáp ứng điều kiện về sự minh mẫn, sáng sáng, không bị đe doạ của người lập di chúc hoặc nội dung di chúc không bảo đảm quy định thì không được coi là hợp pháp và có thể yêu cầu huỷ di chúc trái pháp luật.
Ngoài chủ thể lập di chúc thì không ai có quyền đương nhiên được huỷ bỏ di chúc của chủ thể lập di chúc. Trong trường hợp người lập di chúc chết mà các bên có quyền được hưởng di sản thừa kế có tranh vì cho rằng di chúc không hợp pháp thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Lưu ý việc huỷ bỏ di chúc và tuyên di chúc vô hiệu là khác nhau.
2.2. Các phương thức huỷ bỏ di chúc hiện hành:
Hiện nay pháp luật dân sự quy định về vấn đề di chúc thì có 02 phương thức huỷ bỏ di chúc được công nhận, cụ thể là:
– Thứ nhất, huỷ bỏ minh thị di chúc. Huỷ bỏ minh thị di chúc được hiểu là người lập di chúc thể hiện ý chí công khai việc huỷ di chúc bằng một văn bản xác nhận rõ về việc bản thân không thừa nhận giá trị của di chúc mà bản thân đã lập ra trước đó. Người lập di chúc có thể trực tiếp công khai việc huỷ bỏ di chúc bằng hành vi tiêu huỷ cụ thể như đốt, xé bỏ hoặc tiêu huỷ công khai bằng các hình thức khác để chấm dứt sự tồn tại của di chúc;
– Thứ hai, huỷ bỏ mặc nhiên di chúc. Huỷ bỏ mặc nhiên di chúc được hiểu là người để lại di chúc đã thực hiện định đoạt tài sản của mình bằng di chúc đã lập nhưng sau đó lại định đoạt đối với tài sản đó bằng một hành vi pháp lý – giao dịch dân sự khác.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện huỷ bỏ di chúc trái pháp luật:
Theo quy định tại Điều 640 Bộ luật Dân sự hiện hành thì chỉ có chủ thể lập di chúc mới có quyền yêu cầu huỷ bỏ di chúc của mình. Theo đó, nếu xét thấy di chúc được lập ra trái quy định của pháp luật thì người lập di chúc cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu huỷ bỏ di chúc trái pháp luật bao gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng;
– Bản sao giấy tờ tuỳ thân của người lập di chúc và những người có liên quan (người làm chứng) như: căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân/ chứng minh là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam/ sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu còn hạn;
– Bản chính của di chúc bị yêu cầu huỷ bỏ do trái pháp luật đã được công chứng hoặc Bản chính của di chúc yêu cầu huỷ bỏ không có công chứng do không hợp pháp;
– Giấy tờ chứng minh đối với tài sản được định đoạt trong di chúc thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Sổ tiết kiệm; Giấy tờ liên quan đến xe…
– Giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi của người lập di chúc có yêu cầu huỷ bỏ di chúc…
4. Trình tự, thủ tục huỷ bỏ di chúc trái pháp luật:
4.1. Nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ được nêu tại mục 3 thì người có yêu cầu huỷ bỏ di chúc trái pháp luật nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu huỷ bỏ di chúc của mình đã lập.
4.2. Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và làm việc:
Sau khi nộp hồ sơ, công chứng viên kiểm tra và xem xét hồ sơ, nội dung di chúc cần huỷ bỏ…Nếu xét thấy việc huỷ bỏ di chúc của người lập di chúc có sự ép buộc, đe doạ, lừa dối phải huỷ bỏ di chúc thì công chứng viên yêu cầu người nộp hồ sơ có yêu cầu huỷ bỏ di chúc phải chứng minh được mình minh mẫn và tự nguyện yêu cầu huỷ bỏ di chúc. Nếu công chứng viên kiểm tra hồ sơ , xét thấy hồ sơ và yêu cầu hợp lý và hợp pháp thì công chứng viên sẽ chấp nhận giải quyết việc huỷ bỏ di chúc trái pháp luật.
Công chứng viên soạn thảo dự thảo Văn bản huỷ bỏ di chúc trái pháp luật với các nội dung theo yêu cầu của người nộp hồ sơ yêu cầu huỷ bỏ di chúc. Người có yêu cầu huỷ bỏ di chúc sẽ đọc lại hoặc được công chứng viên đọc lại về dự thảo đó cũng như giải thích các nội dung có trong dự thảo văn bản huỷ bỏ di chúc. Nếu người có yêu cầu không đồng ý với nội dung nào trong dự thảo văn bản thì có thể yêu cầu công chứng viên sử lại. Nếu người có yêu cầu chấp nhận nội dung của dự thảo thì sẽ ký tên hoặc điểm chỉ vào từng trang của Văn bản huỷ bỏ di chúc chính thức.
Công chứng viên kiểm tra lại chữ ký/ vân tay của người có yêu cầu trên văn bản sao cho trùng khớp với hồ sơ các giấy tờ mà công chứng viên đã nhận được. Công chứng viên có lời chứng vào Văn bản huỷ bỏ di chúc trái pháp luật và ký tên, đóng dấu và đóng giáp lai vào Văn bản nếu văn bản này có nhiều trang.
4.3. Nhận kết quả huỷ bỏ di chúc:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng hiện hành thì thời hạn công chứng được xác định là không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thông thường thì việc công chứng viên làm Văn bản huỷ bỏ di chúc chỉ được diễn ra ngay sau khi nhận hồ sơ hợp lệ.
Bên cạnh việc nhận kết quả, người có yêu cầu huỷ bỏ di chúc phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến chi phí công chứng, soạn thảo văn bản… đối với văn phòng công chứng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Công chứng năm 2014.