Trong việc thực hiện xét xử, không phải lúc nào những bản án hay quyết định của Tòa án cũng hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, không ít những bản án quyết định của tòa có những sai sót, gây oan sai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các trường hợp hủy bản án sơ thẩm?
Mục lục bài viết
1. Hủy bản án theo quyết định của Tòa án là gì?
Hủy bản án, quyết định của tòa án là việc Toà án có thẩm quyển ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án cấp dưới khi phát hiện bản án, quyết định đó có sai sót.
2. Thẩm quyền hủy bản án quyết định của tòa:
Chỉ Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mới có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án.
– Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại hoặc xét xử lại và hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.
+ Khi hủy án sơ thẩm để xét xử lại, Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ; cũng như, không quyết định trước về điều Khoản bộ luật và chế tài mà Tòa án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.
+ Đối với trường hợp hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, nếu Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm thì ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo vô tội và đình chỉ vụ án,
– Tòa án thực hiện giám đốc thẩm có thẩm quyền ra quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
– Tòa án thực hiện tái thẩm có thẩm quyền ra quyết định hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra hoặc xét xử lại và hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để đình chỉ vụ án.
3. Các trường hợp hủy bản án sơ thẩm:
3.1. Trong vụ án Hình sự:
Bộ luật Tố tụng Hình sợ 2015 quy định :
” Điều 358. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:
a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:
a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.
3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.
4. Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, Khoản, điều của Bộ luật hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.
5. Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.”
Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sợ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu việc điểu tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu Viện kiểm sát cấp phúc thẩm không thể điều tra bổ sung được và ở tại phiên tòa phúc thẩm cũng không thể làm sáng tỏ được Việc điều tra bị coi là không đầy đủ nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án. Nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm tuy là không đầy đủ, nhưng có thể điều tra bổ sung được ở cấp phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm không hủy bản án sơ thẩm mà yêu cầu Viện kiểm sát cấp phúc thẩm điều tra bổ sung hoặc tự mình yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp thêm những tài liệu cần thiết.
Trong trường hợp Tòa án xét xử sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, hay Tòa án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong các giai đoạn từ giai đoạn điều tra cho đến truy tố thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, vì trong trường hợp này, bản án có thể không phản ánh chính xác, không phản ánh đầy đủ hoặc sai lệch so với sự việc đã diễn ra, các phán quyết của tòa sơ thẩm không hợp lý.
“Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.”
Hội đồng xét xử sơ thẩm phải đúng theo sự quy định của pháp luật tại Điều 254
– Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định có thể là một những trường hợp sau:
+ Hội đồng xét xử không đủ 05 thành viên khi xét xử bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình;
+ Trong thành phần Hội đồng xét xử không có hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên;
+ Thẩm phán hoặc Hội thẩm đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa được tái bổ nhiệm;
+ Người không được bầu là Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử vụ án;
+ Thành viên của Hội đồng xét xử không phải là Thẩm phán hoặc Hội thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm
– Vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng có thể là một trong những trường hợp sau đây:
+ Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án không đúng thẩm quyền (như Tòa án cấp huyện xét xử vụ án thuộc thẩm quyền xét xử cùa Tòa án cấp tỉnh;
+ Vi phạm nghiêm trọng quyền bào chữa của bị cáo như Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; bị cáo bị xét xử về tội có khung hình phạt cao nhất quy định đến tử hình…
+ Xử vắng mặt bị cáo hoặc người bào chữa cho bị cáo trong những trường hợp pháp luật không cho phép…
Có căn cứ cho rằng bị cáo (được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội) đã phạm tội, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Bị cáo phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo phòng vệ chính đáng;
+ Tòa án cấp sơ thẩm đã tính nhầm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nên đã xác định hành vi của bị cáo đã quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên bị cáo không có tội;
+ Tòa án cấp sơ thẩm đã tính nhầm thời hạn xóa án tích hoặc thời hạn bị xử phạt hành chính nên cho rằng hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm…
Ngoài ra, trong hai trường hợp bao gồm: miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ hoặc bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới.
3.2. Trong vụ án dân sự:
“Điều 310. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
– Chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định của pháp luật có thể là các vi phạm về nguồn của chứng cứ, kết quả giám định không đúng,…
– Hội đồng xét xử không đúng khi không có đủ 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân.
Điều 311. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, Điểm b Khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này.”
Theo Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
– Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
– Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
– Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
– Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
– Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
– Các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
– Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
– Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
– Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Ngoài ra, trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với việc rút đơn này thì hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.