Thuế là gì? Các loại thuế? Hướng dẫn tra cứu nợ thuế tất cả các loại thuế và hải quan?
Điều 47 Hiến pháp 2013 có nêu rõ “mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Thuế là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của mỗi cá nhân cũng như của doanh nghiệp. Nợ thuế là vấn đề thường xuyên xảy ra đối với mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm mà doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn ví như thời gian có dịch Covid. Vậy khi một doanh nghiệp hay cá nhân nợ thuế thì làm cách nào để họ dễ dàng tra cứu được vấn đề nợ thuế của mình.
Căn cứ pháp lý:
–
–
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Thuế là gì?
Tại Việt Nam, thuế bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, với mục đích tập trung nguồn công quỹ cho nhà vua. Tuy nhiên vào thời điểm đó thuế hầu hết được nộp dưới dạng cống vật. Đến năm 1013, đời vua Lý Thái Tổ thì thuế mới được hình thành một cách có tổ chức và được vận hành theo hệ thống. Từ thời điểm đó đến thời kỳ Pháp thuộc đã dần phát sinh ra rất nhiều loại thuế khác nhau, đặc biệt vào thời kỳ Pháp thuộc có nhiều loại thuế mà Pháp đặt ra với mục đích là vơ vét, bóc lột. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời thì những loại thuế được coi là phi nhân đạo đó dần được xoá bỏ, nhà nước dần dần hình thành lên hệ thống thuế mới và ngày càng đi tới sự ổn định và hoàn thiện. Thông qua các thời kỳ lịch sử ta có thể thấy thuế là một hiện tượng tất yếu, nó xuất hiện và tồn tại cùng với các hiện tượng kinh tế và xã hội. Sự phát triển của thuế gắn với mỗi giai đoạn, lợi ích mà nhà nước sử dụng nó làm công cụ điều tiết nguồn thu của nền kinh tế xã hội tương ứng với từng thời kỳ.
Hiện nay, chưa có một khái niệm hay định nghĩa cụ thể về thuế. Tuỳ từng lĩnh vực, tuỳ từng góc độ mà những nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định về thuế là khác nhau. Về lĩnh vực pháp luật, các chuyên gia về luật thuế đã nhận định rằng “thuế là một trật tự đã được thiết lập hoà bình giữa chính phủ và cộng đồng trong sự tôn trọng thực hiện nghĩa vụ thu, nộp vào ngân sách. Thuế không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa các bang hay vùng lãnh thổ”.
Nói chung, bản chất của thuế chính là loại quan hệ giữa nhà nước với người nộp thuế (cá nhân, tổ chức), đó chính là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà mỗi cá nhân, tổ chức phải nộp cho nhà nước khi có đầy đủ những điều kiện mà pháp luật đưa ra.
2. Các loại thuế:
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam bao gồm những loại thuế sau:
– Thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Thuế thu nhập cá nhân;
– Thuế giá trị gia tăng;
– Thuế xuất khẩu, nhập khẩu;
– Thuế tài nguyên;
– Thuế bảo vệ môi trường;
– Thuế tiêu thụ đặc biệt.
2.1. Thuế thu nhập:
Thuế thu nhập bản chất đó chính là loại thuế lấy thu nhập làm đối tượng tính thuế. Trong hệ thống thuế của các nước trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng, thuế thu nhập là một loại thuế quan trọng, được áp dụng phổ biến đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.
Thuế thu nhập là một loại thuế trực thu, nó đánh vào thu nhập có được của các tổ chức kinh doanh và các cá nhân có thu nhập phát sinh từng lần hoặc có được từ một nguồn nhất định. Thuế thu nhập có những đặc điểm sau đây:
– Đối tượng đánh thuế chính là từ thu nhập có được;
– Là loại thuế trực thu với mục đích tạo nguồn thu nhập cho ngân sách của nhà nước, điều tiết kinh tế của nước nhà, điều hoà thu nhập của xã hội.
– Là một loại thuế phức tạp, có tính ổn định không cao.
Thuế thu nhập được chia làm hai loại đó là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập sở dĩ được chia làm hai loại là vì đối tượng nộp thuế của hai loại này là khác nhau.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế. Chủ thể trong quan hệ pháp luật đối với loại thuế này đó chính là chủ thể thực hiện quyền thu thuế – cơ quan thuế các cấp và chủ thể nộp thuế – doanh nghiệp.
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập có được của mỗi cá nhân trong một năm, một tháng hoặc từng lần. Chính vì thế thuế thu nhập cá nhân là loại thuế có diện đánh thuế rộng, nó đánh trực tiếp lên tất cả các cá nhân có thu nhập chịu thuế bao gồm cá nhân kinh doanh và không kinh doanh. Chủ thể trong quan hệ pháp luật đối với loại thuế này đó chính là cơ quan thuế và các cá nhân có thu nhập chịu thuế, các cá nhân có thu nhập chịu thuế bao gồm cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập phải chịu thuế được phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế được phát sinh trong lãnh thổ của Việt Nam.
2.2. Thuế giá trị gia tăng:
Thuế giá trị gia tăng thực chất đó chính là loại thuế tiêu dùng, với mục đích động viên một bộ phận thu nhập của người chịu thuế đã sử dụng để mua hàng hoá hay nhận dịch vụ. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu. Với loại thuế này, nhà sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ chính là người nộp thuế nhưng người tiêu dùng lại là người chịu thuế thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ mà mình mua, sử dụng. Thuế giá trị gia tăng có những đặc điểm sau:
– Thuế giá trị gia tăng có những đối tượng chịu thuế rất rộng, mọi đối tượng trong xã hội đều là đối tượng chịu thuế, chủ thể chịu thuế phải trả một phần thu nhập do hành vi tiêu dùng
– Loại thuế này chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hoá dịch vụ.
2.3. Thuế xuất nhập khẩu:
Thuế xuất nhập khẩu không chỉ có vai trò trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà nó còn là công cụ hữu hiệu khiến cho nhà nước kiểm soát được hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Thuế xuất nhập khẩu có đối tượng chịu thuế chính là các hàng hoá được phép vận chuyển qua biên giới và đây là loại thuế không hoàn toàn là thuế trực thu cũng không hoàn toàn là thuế gián thu. Nó có chức năng chính đó là bảo hộ sản xuất trong nước và điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu
2.4. Thuế tài nguyên:
Thuế tài nguyên là loại thuế gián thu, loại thuế này chủ yếu đánh vào các hoạt động khai thác tài nguyên thuộc tài sản quốc gia mà các tổ chức, cá nhân phải nộp khi họ khai thác tài nguyên. Chủ thể trong quan hệ pháp luật thuế tài nguyên bao gồm cơ quan thuế và tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, ngoài ra còn có sự tham gia, phối hợp của các chính quyền địa phương trong một số trường hợp cụ thể.
2.5. Thuế bảo vệ môi trường:
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, loại thuế này đánh vào các hàng hoá mà khi sử dụng các loại hàng hoá đó sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Người chịu loại thuế này chính là người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng và được xác định trong số tiền thanh toán.
Ví dụ về một loại hàng hoá đặc trưng cho loại thuế này chính là sản phẩm túi nilon. Đặc biệt, loại thuế này chỉ nộp một lần đối với hàng hoá sản xuất hoặc nhập khẩu. Chủ thể trong quan hệ pháp luật thuế bảo vệ môi trường đó chính là cơ quan thuế, cơ quan hải quan và người sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
2.6. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Thuế tiêu thụ đặc biệt bắt đầu được áp dụng từ năm 1990 và khi đó loại thuế này đánh vào 06 mặt hàng gồm thuốc hút, rượu, bia, pháo, bài lá, vàng mã, dần dần qua từng năm sửa đổi bổ sung thì số lượng những mặt hàng phải chịu loại thuế này ngày càng tăng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, nó đánh vào các loại hàng hoá, dịch vụ đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng, tăng ngân sách cho nhà nước và giúp nhà nước quản lý được hoạt động nhập khẩu mặt hàng trong danh sách những hàng hoá đặc biệt. Chủ thể trong quan hệ pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm bộ tài chính, tổng cục thuế, các cơ quan thu (cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính) và các tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hoá hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
3. Hướng dẫn tra cứu nợ thuế tất cả các loại thuế và hải quan:
Có rất nhiều nguyên nhân để một cá nhân hoặc một doanh nghiệp, tổ chức thực hiện hành vi tra cứu nợ thuế, có thể là vì doanh nghiệp đó muốn kiểm tra doanh nghiệp của mình có nợ thuế hay không hoặc tìm hiểu về đối tác xem họ có nợ thuế không để tiến hành bước hợp tác làm ăn. Tra cứu nợ thuế giúp cho doanh nghiệp hay một cá nhân tránh được những rủi ro không đáng có như xử phạt hành chính vì nợ thuế quá hạn, cưỡng chế,…
3.1. Hướng dẫn tra cứu nợ thuế thu nhập cá nhân:
Bước 1: Truy cập vào trang website của tổng cục thuế với địa chỉ http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp
Bước 2: Tại màn hình chính, chọn thông tin về người nộp thuế thu nhập cá nhân
Bước 3: Điền đầy đủ thông tin trông ô bao gồm mã số thuế, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, mã xác nhận.
Bước 4: chọn ô tra cứu
Bước 5: Tại màn hình chính, chọn lần lượt ô tra cứu, tiếp theo là số thuế còn phải nộp. Nếu cần xem kỳ tính thuế thì phải nhấn chọn mục kỳ tính thuế, sau đó chọn ngày chính xác và bấm tra cứu. Tại mục loại thuế, nếu chọn tất cả thì kết quả sẽ cho ra tất cả các loại thuế cần nộp.
3.2. Hướng dẫn tra cứu nợ thuế thu nhập doanh nghiệp:
Bước 1: Truy cập vào trang website của cơ quan thuế tại địa chỉ https://thuedientu.net.vn/tin-tuc/thuedientu-gdt-gov-vn/
Bước 2: Chọn ô đăng nhập bên phải màn hình chính và đăng nhập tài khoản đã đăng ký
Bước 3: Sau khi đăng nhập, chọn mục tra cứu sau đó chọn ô số thuế còn phải nộp
Bước 4: Các mục cần tra cứu, cụ thể:
– Nhấn chọn ô kỳ tính, sau đó nhấn loại thuế, cuối cùng nhấn chọn tra cứu
– Nhấn chọn kỳ tính thuế sau đó nhấn chọn tháng, năm muốn tra cứu
– Nhấn chọn tra cứu tất cả thuế doanh nghiệp còn nợ thì nhấn chọn ô loại thuế và chọn tất cả. Sau đó tại màn hình sẽ xuất hiện các loại thuế, cần xem loại thuế nào sẽ nhấn chọn loại thuế đó
3.3. Hướng dẫn tra cứu nợ thuế hải quan:
Bước 1: Truy cập vào trang website của tổng cục hải quan tại địa chỉ https://www.customs.gov.vn/
Bước 2: Chọn mục tra cứu nợ thuế tại màn hình chính
Bước 3: Điền đầy đủ các thông tin xuất hiện trên màn hình chính, cụ thể thông tin về mã doanh nghiệp, số chứng minh thư, mã capcha. Sau đó nhấn chọn ô xem thông tin
Bước 4: Sau đó kết quả tra cứu sẽ được hiển thị trên màn hình chính, mỗi một loại nợ sẽ tương ứng với một màu.