Số lượng người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đến Việt Nam cư trú thì họ phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú thông qua việc khai báo tạm trú. Vậy, trình tự thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam diễn ra như thế nào? Họ phải sử dụng mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài khi nào?
- 2 2. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài:
- 3 3. Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam:
- 4 4. Thuê trọ chủ nhà đi nước ngoài có đăng ký tạm trú được không?
- 5 5. Ai là người khai báo tạm trú cho người nước ngoài?
- 6 6. Quá hạn khai báo tạm trú cho người nước ngoài bị phạt thế nào?
1. Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài khi nào?
Khoản 1 điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 có quy định như sau:
‘Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.’
Như vậy theo quy định này, người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú. Họ phải thông qua người quản lý/điều hành cơ sở lưu trú để thực hiện việc khai báo tạm trú. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền nắm bắt được tình hình lưu trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc vi phạm quy định về đăng ký tạm trú cho người nước ngoài còn bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:
‘2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 15 ngày trở xuống mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
g) Cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định hoặc không thực hiện đúng các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.’
Căn cứ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 3 Thông tư 53/2016/TT-BCA Quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì đại diện cơ sở lưu trú hoặc người được ủy quyền, người được giao trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài đến tạm trú tại cơ sở lưu trú.
- Trường hợp cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử.
- Đối với các cơ sở lưu trú khác thì được lựa chọn một trong hai cách thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử hoặc bằng Phiếu khai báo tạm trú. Tuy nhiên pháp luật khuyến khích việc thực hiện qua Trang thông tin điện tử.
Đối với các cơ sở lưu trú cho người nước ngoài thuê để lưu trú dài hạn mà chủ cơ sở lưu trú không cư trú tại đó hoặc nhà do người nước ngoài mua, thì người đứng tên trong hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mua nhà có trách nhiệm thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú đó.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài:
Như đã phân tích ở phần trên, có hai phương thức thực hiện việc đăng ký tạm trú, đại diện cơ sở lưu trú có thể đăng ký tạm trú cho người nước ngoài online thông qua Trang thông tin điện tử của tỉnh hoặc sử dụng phương thức đăng ký qua Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại xã/phường/thị trấn.
2.1. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài qua phiếu khai báo tạm trú (cấp xã):
Bước 1: Người khai báo tạm trú tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài.
Bước 2: Khai, nộp Phiếu khai báo tạm trú cho trực ban Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) nơi có cơ sở lưu trú (Phiếu khai báo tạm trú có thể gửi trước qua fax hoặc thông báo thông tin qua điện thoại đến Trực ban Công an cấp xã).
Cán bộ trực ban Công an cấp xã tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
Nếu nội dung Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài ghi đầy đủ thì tiếp nhập, thực hiện xác nhận theo quy định;
Nếu nội dung Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài chưa ghi đầy đủ thì yêu cầu người khai báo tạm trú sửa đổi, bổ sung.
Bước 3: Người khai báo tạm trú nhận lại ngay Phiếu khai báo tạm trú đã có xác nhận của trực ban Công an cấp xã.
– Cách thức thực hiện: trực tiếp tại trụ sở Công an cấp xã.
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
+ Thành phần hồ sơ: 01 Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA17).
+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
– Thời gian giải quyết: 24 giờ/07 ngày.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Người khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Công an cấp xã.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Phiếu khai báo tạm trú được cơ quan Công an xác nhận và các thông tin khai báo tạm trú đã được tiếp nhận ghi vào sổ trực ban của Công an cấp xã.
– Lệ phí (nếu có): không.
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có): Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA17 ban hành kèm theo
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):
Người khai báo tạm trú nộp Phiếu khai báo tạm trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.
2.2. Thủ tục khai báo tạm trú thông qua trang thông tin điện tử cấp tỉnh:
Bước 1: Người khai báo tạm trú truy cập Trang thông tin điện tử về khai báo thông tin tạm trú của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở lưu trú và thực hiện như sau:
– Cung cấp các thông tin về tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú; họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của mình để nhận tài khoản khai báo (Chỉ thực hiện lần đầu).
– Đăng nhập vào Trang thông tin điện tử bằng tài khoản và mật khẩu đã được cấp.
Bước 2: Người khai báo tạm trú thực hiện nhập và kiểm tra các thông tin khai báo về người nước ngoài hoặc chuyển tập tin nhập đính kèm theo mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử.
Bước 3: Ấn nút “Lưu thông tin” và kiểm tra thông tin hệ thống. Nếu hệ thống xác nhận đã tiếp nhận thì hoàn thành; nếu hệ thống chưa tiếp nhận thì thực hiện lại Bước 2.
– Cách thức thực hiện khai báo: Thực hiện qua mạng Trang thông tin điện tử.
– Thành phần, số lượng hồ sơ: Thực hiện khai báo theo các trường thông tin được yêu cầu trên Trang thông tin điện tử hoặc khai báo theo mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử, gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài.
– Thời gian giải quyết: 24 giờ/07 ngày.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Các tổ chức, cá nhân gồm:
+ Cơ sở lưu trú là khách sạn.
+ Đối với các cơ sở lưu trú khác; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; người đứng tên trong hợp đồng mua/thuê nhà cho người nước ngoài lưu trú dài hạn khuyến khích thực hiện qua Trang thông tin điện tử.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông tin tạm trú của người nước ngoài được cập nhật đầy đủ, thường xuyên và lưu trên hệ thống Trang thông tin điện tử.
– Lệ phí (nếu có): không.
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có): không.
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Thực hiện khai báo ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.
3. Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14, ngày 25/11/2019) nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Thọ.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì nhận hồ sơ, in giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ tiếp nhận.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.
* Thời gian nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết).
Bước 3: Trả kết quả.
Người nhận đưa giấy biên nhận, Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu cho cán bộ trả kết quả để đối chiếu, nếu đầy đủ và đúng người thì yêu cầu ký nhận và trả thẻ tạm trú cho người đến nhận kết quả.
* Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết).
Cơ quan thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh/thành phố.
Thành phần hồ sơ:
– Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh (mẫu NA6 đối với cơ quan, tổ chức, NA7 đối với cá nhân);
– Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (mẫu NA8);
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 2cmx3cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (01 ảnh dán vào tờ khai và 01 ảnh để rời).
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế của người nước ngoài.
– Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 36 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như: Giấy tờ chứng minh việc đầu tư; giấy phép hành nghề; giấy phép lao động; văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam; giấy xác nhận là đứng đầu văn phòng đại diện; giấy tờ chứng minh quan hệ hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh đủ điều kiện cấp thẻ tạm trú.
+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Đối tượng thực hiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài.
Chi phí:
+ Thẻ tạm trú có thời hạn từ 01 năm đến không quá 02 năm: 145 USD/thẻ.
+ Thẻ tạm trú có thời hạn từ 02 năm đến không quá 05 năm: 155 USD/thẻ.
+ Thẻ tạm trú có thời hạn từ 05 năm đến không quá 10 năm: Chưa có.
+ Đối với người nước ngoài được Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực nhiều lần ký hiệu LĐ, ĐT thời hạn trên 01 năm: 5 USD/thẻ.
Kết luận: Trên đây là các cách để đăng ký tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam và cách để làm thủ tục cấp thẻ tạm trú. Cơ quan, tổ chức có liên quan tham khảo các quy định trên để có cách nhìn tổng quát hơn về đăng ký tạm trú cho người nước ngoài.
4. Thuê trọ chủ nhà đi nước ngoài có đăng ký tạm trú được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật gia. Hiện tại tôi có thuê một căn nhà để ở nhưng vì chủ nhà đã đi ra nước ngoài định cư rồi. Vậy tôi muốn đăng ký tạm trú thì phải làm như thế nào? Trong trường hợp nếu có hợp đồng thuê nhà thì bắt buộc chủ nhà phải đến xã, phường đăng ký cho tôi có đúng không. Nếu tôi thuê như vậy mà không có các điều kiện như: chủ nhà cho thuê, hợp đồng thuê nhà thì tôi có được đăng ký tạm trú không và thủ tục như thế nào??
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú 2006 về đăng ký tạm trú và Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về thủ tục đăng ký tạm trú.
Như vậy, nếu muốn đăng ký tạm trú tại nơi bạn đang thuê trọ, bạn buộc phải có sự đồng ý của chủ nhà bằng cách chủ nhà ghi vào phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu hoặc chủ nhà đồng ý bằng văn bản thì mới có thể đăng ky tạm trú. Không cần bắt buộc chủ nhà phải tới tận nơi đăng ký để đăng ký cho bạn. Thủ tục đăng ký tạm trú được thực hiện theo quy định trên, chỉ cần yêu cầu phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu do cơ quan công an nơi đăng ký cấp, bạn điền đầy đủ thông tin, có sự đồng ý của chủ nhà bằng văn bản hoặc chủ nhà có thể đồng ý bằng việc trực tiếp ghi và ký vào phiếu này, chứng minh thư nhân dân, nộp lệ phí theo quy định thì bạn sẽ được cấp sổ tạm trú.
5. Ai là người khai báo tạm trú cho người nước ngoài?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào công ty, mong quý công ty giải đáp cho tôi tình huống sau: tôi kinh doanh nhà nghỉ ở Sơn La, bên phòng nông nghiệp có đến gặp gỡ và nói sắp tới sẽ thuê nhà nghỉ của tôi 3 phòng để cho 3 kĩ sư Nhật Bản đến ở, công tác, nghiên cứu, hướng dẫn trồng dâu tây và cà chua sạch ở đó. Các anh chị cán bộ bảo tôi sẽ đi làm khai báo tạm trú cho 3 người nước ngoài đó luôn. Xin luật sư tư vấn cho tôi: Tôi là người phải đi làm hay bên phòng nông nghiệp phải làm? Người nước ngoài đến nhà tôi thì bao lâu sau tôi phải khai bảo tạm trụ cho họ.
Luật sư tư vấn:
Người nước ngoài đến Việt nam học tập, làm việc sẽ được cấp chứng nhận tạm trú, chứng nhận cư trú là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác định thời hạn người nước ngoài được phép tạm trú tại Việt Nam.
Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật. Nhà nghỉ của bạn được coi là một cơ sở lưu trú.
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 về khai báo tạm trú Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Theo quy định này thì người nước ngoài đến Việt Nam có lưu trú tại nhà bạn thì nếu bạn là chủ nhà nghỉ thì bạn sẽ đến khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Bạn sẽ có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ.
Và trong trường hợp của bạn thì người nước ngoài đến nhà bạn để nghỉ và ở tại đó thì trách nhiệm của bạn là đi khai báo lưu trú cho những đối tượng đó theo quy định.
6. Quá hạn khai báo tạm trú cho người nước ngoài bị phạt thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty em một người Đài Loan ở và làm việc tại công ty. Em đã làm giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài đó đến hạn là 31/8/2016. Nhưng khi đăng ký tạm trú bên phường thì phường ghi hạn tạm trú đến 31/12/2015. Và đến ngày 29/7/2016 em làm thẻ tạm trú mới cho người nước ngoài hạn đến 27/7/2018. Nhưng phường nói người nước ngoài đó đăng ký tạm trú quá hạn 8 tháng nên xử phạt 5.000.000vnd. Như vậy đúng hay sai. Mong luật sư tư vấn dùm em. Dựa vào điều mấy nghị định nào? Cảm ơn luật sư giúp đỡ!?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 8 và Điều 38 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như sau:
Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, ĐT và DH có thời hạn không quá 05 năm.
– NG3: Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
– LV1: Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
– ĐT: Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
– DH: Cấp cho người vào thực tập, học tập.
Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, TT có thời hạn không quá 03 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1: Cấp cho người là Trường văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Viêt Nam.
– Thẻ tạm trú NN2: Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhanh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
– Thẻ tạm trú TT: Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ: Cấp cho người vào lao động.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu PV1: Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
Theo quy định trên bạn có thể đối chiếu trường hợp người lao động của Công ty bạn có thời hạn thẻ tạm trú là bao lâu.
Thứ hai, việc gia hạn thẻ tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã làm giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài đến hạn là 31/8/2016. Nhưng khi đến Công an phường đăng ký tạm trú thì bên Công an lại ghi là thời hạn tạm trú là 31/12/2015. Bạn không nói rõ lý do tại sao lại có sự nhầm lẫn này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công an phường sẽ dựa vào hồ sơ lưu trữ và thời hạn được cấp trên thẻ tạm trú của người nước ngoài đó để đối chiếu việc quá hạn tạm trú. Do vậy, bạn có thể yêu cầu phía bên Công an phường cho đối chiếu hồ sơ lưu trữ và thẻ tạm trú được cấp cho người lao động. Hoặc bạn có thể đưa ra giấy tờ chứng minh việc đăng ký tạm trú của người nước ngoài đến hạn là 31/8/2016.
– Nếu bạn chứng minh được việc nhầm lẫn này là lỗi do phía bên Công an phường thì bạn sẽ không phải nộp phạt.
– Nếu trong trường hợp, trên thẻ tạm trú và hồ sơ lưu trữ có thời hạn trùng khớp nhau thì lỗi ở đây là do bạn.
* Mức phạt trong trường hợp vi phạm quá thời hạn tạm trú:
Căn cứ theo khoản 3 Điều 17
Do vậy, trong trường hợp người nước ngoài quá hạn 8 tháng tạm trú nên có thể bị xử phạt từ 03 triệu đến 05 triệu theo quy định trên.