Quy định việc tổ chức Lễ Quốc tang được thực hiện theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời gian Quốc tang, các cơ quan, công sở sẽ treo cờ rủ. Vậy quy định về việc treo cờ rủ như thế nào cho đúng quy định? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn quy định cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang:
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang:
- 2 2. Đối tượng nào được tổ chức lễ Quốc tang?
- 3 3. Tổ chức lễ Quốc tang ở đâu?
- 4 4. Các lực lượng và phương tiện để phục vụ trong lễ Quốc tang như thế nào?
- 5 5. Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang trong Lễ Quốc tang gồm những ai?
- 6 6. Quy định việc đưa tin, đăng tin về lễ Quốc tang:
1. Quy định về cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang:
Căn cứ Điều 10 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang như sau:
- Các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ.
- Cách treo cờ rủ:
+ Cờ rủ phải có dải băng tang với kích thước là 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ.
+ Chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay.
Ngoài ra, đối với trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu của cũng cần phải đáp ứng quy định sau:
- Lễ đài trang trí phông nền đen: treo Quốc kỳ có dải băng tang, ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí…”
- Bàn thờ: được đặt chính giữa dưới lễ đài, có lư hương và gối Huân chương.
- Linh cữu: phủ Quốc kỳ, đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về bàn thờ.
- Việc túc trực linh cữu: khi các đoàn cấp cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến viếng, Ban Tổ chức Lễ tang phân công các thành viên trong Ban Tổ chức Lễ tang đứng túc trực.
Đối với vòng hoa trong Lễ viếng quy định như sau:
- Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm chuẩn bị 6 vòng hoa, vòng hoa phải có băng vải đỏ chữ vàng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình.
- Vòng hoa được đặt cố định hai bên bàn thờ sau khi các đoàn viếng xong.
- Ban Tổ chức Lễ tang sẽ phải chuẩn bị 30 vòng hoa luân chuyển (Lưu ý: thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2 m x 0,2 m, ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị).
2. Đối tượng nào được tổ chức lễ Quốc tang?
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định những chức danh được tổ chức lễ Quốc tang gồm có:
Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Ngoài ra, đối với những cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế vẫn sẽ được tổ chức lễ Quốc tang do Bộ chính trị quyết định.
3. Tổ chức lễ Quốc tang ở đâu?
Thứ nhất, nơi tổ chức lễ Quốc tang:
- Nếu tổ chức tại Hà Nội: Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
- Nếu tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh: Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, nơi an táng:
- An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
- Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc;
- Thực hiện hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
4. Các lực lượng và phương tiện để phục vụ trong lễ Quốc tang như thế nào?
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP, lực lượng và phương tiện phục vụ trong lễ Quốc tang như sau:
(1) Về lực lượng phục vụ lễ Quốc tang sẽ do Bộ Quốc phòng chuẩn bị, cụ thể gồm:
- Lực lượng phục vụ Lễ viếng:
+ 04 sĩ quan túc trực cách linh cữu 1,5 m.
+ 06 chiến sĩ giữ súng CKC có lưỡi lê túc trực đứng bên ngoài cách sĩ quan túc trực 0,7 m.
+ 02 chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa nhà tang lễ; lực lượng khiêng hoa.
+ Sĩ quan dẫn viếng.
+ Lực lượng quân nhạc phục vụ Lễ viếng.
- Lực lượng phục vụ Lễ truy điệu:
+ 04 sĩ quan túc trực bốn góc cách linh cữu 1,5 m.
+ 06 chiến sĩ giữ súng CKC túc trực đứng bên ngoài cách sĩ quan túc trực 0,7 m.
+ 02 chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa nhà tang lễ.
+ 01 Quốc kỳ.
+ 01 tổ Quân kỳ.
+ Lực lượng danh dự ba Quân chủng gồm 127 cán bộ, chiến sĩ, quân nhạc phục vụ Lễ truy điệu.
- Lực lượng phục vụ Lễ đưa tang:
+ 01 sĩ quan mang ảnh.
+ 01 sĩ quan mang gối Huân chương.
+ 01 sĩ quan quấn cờ.
+ đội công tác gồm 01 sĩ quan và 12 chiến sĩ khiêng linh cữu.
+ 07 chiến sĩ chuẩn bị xe tang.
+ Lực lượng danh dự ba Quân chủng.
- Lực lượng phục vụ Lễ an táng:
+ 27 chiến sĩ làm nhiệm vụ tiêu binh tại cổng nghĩa trang.
+ 23 chiến sĩ, lực lượng danh dự ba Quân chủng, lực lượng quân nhạc phục vụ Lễ an táng.
(2) Về phương tiện phục vụ Lễ tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị:
- 01 xe chỉ huy.
- 01 xe chở Quốc kỳ, ảnh, gối Huân chương.
- 01 xe chở Quân kỳ.
- 06 xe chở đội hình danh dự.
- 01 xe hoa.
- 01 xe kéo xe tang (lưu ý là cuối xe tang là khẩu lựu pháo 122 mm).
- 01 xe dự phòng.
- 02 xe thông tin.
- 01 xe cứu thương.
(3) Linh cữu sẽ được phù Quốc kỳ đặt trong lồng kính để trên xe tang.
5. Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang trong Lễ Quốc tang gồm những ai?
(1) Ban Lễ tang Nhà nước được Bộ Chính trị quyết định thành lập, số lượng gồm có 25-30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
+ Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước: là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(2) Ban Tổ chức Lễ tang được Bộ Chính trị quyết định thành lập gồm 15-20 thành viên đại diện cho các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần.
+ Trưởng ban Tổ chức Lễ tang là một Phó Thủ tướng Chính phủ.
6. Quy định việc đưa tin, đăng tin về lễ Quốc tang:
- Đối với việc đưa tin buồn:
Các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang.
Các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố.
- Đối với việc đăng tin trên các phương tiện thông tin:
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quay phim tư liệu Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.
Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật và truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.
Các Báo nhân dân cũng như các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về Lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo, danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang; tiểu sử, ảnh người từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước.
Việc tổ chức lễ Quốc tang là một trong những sự kiện quan trọng dành cho những đối tượng quan trọng, có công lao to lớn đối với đất nước. Do đó việc chuẩn bị và thực hiện nghi lễ Quốc tang rất nghiêm ngặt và đảm bảo tuyệt đối.
THAM KHẢO THÊM: