Việc mô tả nhãn hiệu khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhãn hiệu được mô tả phải đầy đủ, hiệu quả và chính xác nhằm tăng khả năng được bảo hộ thành công. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời các thắc mắc và hướng dẫn để có thể mô tả nhãn hiệu thành công.
Mục lục bài viết
1. Mô tả nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu là các dấu hiệu được thể hiện thông qua từ ngữ, hình ảnh hoặc thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc, điều này giúp phân biệt giữa các cá nhân, tổ chức khác nhau trong các ngành nghề, lĩnh vực, hàng hóa, dịch vụ cụ thể theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2022). Do đó, việc mô tả nhãn hiệu chính là mô tả cụ thể, chính xác các yếu tố từ ngữ, hình ảnh, màu sắc liên quan của nhãn hiệu.
Mẫu Tờ khai đăng ký nhãn hiệu thường dùng khi đăng ký và mô tả nhãn hiệu là mẫu 04-NH nằm trong phụ lục A của thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 06 năm 2016. Trong đó, phần mô tả nhãn hiệu có hai khung chính, cụ thể khung bên trái sẽ là vị trí của mẫu nhãn hiệu, khung còn lại bên phải được dùng để ghi các chi tiết nhằm mô tả nhãn hiệu.
Nhãn hiệu được dùng để phân biệt giữa các cá nhân, tổ chức khác nhau trong các ngành nghề, lĩnh vực, hàng hoá, dịch vụ nên phần mô tả nhãn hiệu là căn cứ để các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và đánh giá được sự khác biệt thông qua việc thẩm định nhãn hiệu về hình thức và nội dung:
– Giai đoạn thẩm định hình thức: là việc khi chủ đơn nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ về hình thức, cách thức trình bày của Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, kiểm tra tính pháp lý đối với chủ đơn, nhóm ngành nghề kinh doanh, các tài liệu khác (nếu có).
Trong giai đoạn này, phần mô tả nhãn hiệu chưa được chuyên viên tiếp nhận đơn và chuyên viên đánh giá hình thức xem xét, thẩm định kỹ lưỡng nhưng để Tờ khai đăng ký nhãn hiệu hợp lệ thì phần mô tả nhãn hiệu bắt buộc phải có và được mô tả đúng với mẫu nhãn hiệu đăng ký. Trường hợp mô tả sai, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ban hành thông báo sửa đổi tờ khai hoặc từ chối chấp nhận tờ khai do không hợp lệ về hình thức.
– Giai đoạn thẩm định nội dung: là quá trình sau khi hồ sơ được thẩm định hình thức hợp lệ, các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các chi tiết trong nhãn hiệu có bị trùng hay tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác hay không, từ đó để đưa ra đánh giá về khả năng cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu đăng ký.
Trong giai đoạn này, việc mô tả chính xác, cụ thể, rõ ràng nhãn hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng để các chuyên viên có thể đánh giá được thiết kế, dấu ấn và ý nghĩa riêng biệt của nhãn hiệu so với những nhãn hiệu đăng ký khác. Đây cũng là lý do vì sao quá trình xem xét, thẩm định đối với nhãn hiệu thường kéo dài do yếu tố riêng biệt được đặc biệt quan tâm, xem xét và đánh giá trong quá trình thẩm định nội dung, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và hạn chế việc nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác.
2. Cách mô tả nhãn hiệu trên Tờ khai đăng ký:
Ngoài các thông tin cần thiết như thông tin chủ đơn, nhóm ngành nghề đăng ký đối với nhãn hiệu, chủ đơn sẽ thực hiện việc mô tả nhãn hiệu trên mẫu Tờ khai theo đúng với nhãn hiệu đăng ký và theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung của phần mô tả nhãn hiệu tập trung chủ yếu bao gồm loại nhãn hiệu, màu sắc nhãn hiệu và mô tả chi tiết nhãn hiệu.
Về loại nhãn hiệu: Chủ đơn cần lựa chọn loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận sao cho phù hợp để chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ có cơ sở xem xét, đánh giá. Điều này cần thiết vì tuỳ thuộc vào mục đích, từng loại nhãn hiệu thì sẽ có những tiêu chuẩn, đánh giá và xếp loại khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ thành công của nhãn hiệu.
Về màu sắc nhãn hiệu: Đây là phần quan trọng và không thể thiếu khi mô tả sản phẩm. Mỗi nhãn hiệu đều có một hoặc nhiều màu sắc khác nhau để nổi bật hoặc tương trưng, mang một ý nghĩa nhất định. Khi mô tả màu sắc nhãn hiệu, chủ đơn cần liệt kê đầy đủ và chính xác các màu sắc có trong các chi tiết của nhãn hiệu, kể cả chi tiết nhỏ nhất có mang màu sắc. Ví dụ như: màu vàng, màu đỏ, màu đen, màu xanh dương, màu xám đậm, màu xanh ngọc bích,… Cần liệt kê cụ thể và đúng tên gọi đối với màu sắc nếu có các màu sắc đặc biệt, pha trộn giữa nhiều màu. Không được ghi những màu này bằng tên gọi cơ bản nhằm tránh bị trùng lặp với màu sắc của các nhãn hiệu khác, đồng thời tăng tính nhân biết, riêng biệt đối với nhãn hiệu.
Về mô tả chi tiết nhãn hiệu: Nhãn hiệu cần phải được mô tả một cách ngắn gọn, súc tích, đủ ý và chính xác trong khung mô tả (tối đa 16 dòng) liên quan đến các vấn đề như sau:
– Nhãn hiệu có thể được mô tả theo một trong những thứ tự sau: từ trên xuống dưới; từ trái sang phải; từ ngoài vào trong. Điều này giúp việc mô tả của chủ đơn được cụ thể, rõ ràng, tránh việc bỏ sót các chi tiết có trong nhãn hiệu hoặc mô tả bị trùng lặp, không theo thứ tự, bỏ sót chi tiết. Đồng thời, việc mô tả có thứ tự sẽ giúp các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ dễ dàng theo dõi, đánh giá khi thẩm định.
– Yếu tố cấu thành: phần hình, phần chữ hoặc sự kết hợp tổng thể giữa cả phần hình và phần chữ. Việc miêu tả yếu tố cấu thành này cũng được áp dụng đối với các trường hợp nhãn hiệu sử dụng thiết kế là hình 3D hoặc các loại thiết kế sáng tạo khác.
– Phần hình phải được mô tả chi tiết về hình khối, màu sắc và theo thứ tự nhất định. Trường hợp nhãn hiệu có phần hình có sự tượng trưng, cách điệu thì chủ đơn cũng cần mô tả, làm rõ việc tượng trưng, cách điệu đó mang ý nghĩa hoặc liên tưởng đến sự vật nào. Ví dụ: Phần hình là quả địa cầu cách điệu thành hình tròn, có sắc độ xanh lá nhạt chuyển từ trái sang xanh lá đậm bên phải, có ngôi sao màu đỏ ở đỉnh.
– Phần chữ phải được mô tả chi tiết về phông chữ, kiểu chữ, màu sắc và ý nghĩa. Trường hợp tên nhãn hiệu có tiếng nước ngoài thì chủ đơn phải dịch sang nghĩa Tiếng Việt kèm theo bên cạnh. Ví dụ: “Happy” có nghĩa là vui vẻ; “city” có nghĩa là thành phố; “Better healthcare access”, màu xanh lá, đậm dần từ trái sang phải, có nghĩa tiếng Việt là “tiếp cận chăm sóc sức khoẻ tốt hơn”.
3. Những lưu ý khi mô tả nhãn hiệu:
– Cần lưu ý mô tả nhãn hiệu bằng cách sử dụng từ ngữ dễ hiểu, đúng chính tả;
– Không nên diễn đạt ý nghĩa, mô tả nhãn hiệu dài dòng, không đúng trọng tâm;
– Không được tự ý kéo dài, thay đổi kích cỡ khung mô tả so với quy định trong biểu mẫu;
– Không nên thay đổi thứ tự mô tả nhãn hiệu như mô tả chi tiết trước sau đó đến chọn loại nhãn hiệu và màu sắc;
– Không được ghi hoặc vẽ thêm vào các chi tiết đối với nhãn hiệu khi đã dán vào khung của Tờ khai đăng ký để tránh trường hợp bị thay đổi so với bản gốc;
– Nên sử dụng máy in tốt, rõ nét khi in nhãn hiệu và dán vào Tờ khai để mô tả nhãn hiệu được rõ ràng, chính xác, tránh trường hợp màu thiết kế và màu khi in khác nhau hoàn toàn.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022.
THAM KHẢO THÊM: