Khái quát về đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan? Hướng dẫn khai đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan?
Các loại hình tác phẩm nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng về thể loại và gắn liền với nhu cầu tinh thần của con người. Song song với sự phát triển của nghệ thuật, con người đặt ra nhu cầu bức thiết về pháp luật nhà nước phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sáng tạo. Đây là quan điểm được thể hiện trong rất nhiều các văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam cũng không ngoại lệ mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ, cũng như pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam còn khá non trẻ và chỉ bắt đầu được nhà nước chú trọng từ sau khi Đổi Mới và sự phát triển của nó đi đôi với nền kinh tế thị trường.
Quyền tác giả, quyền liên quan là quyền phát sinh tự nhiên, đương nhiên được bảo hộ mà không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ cũng như an toàn pháp lý, pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn quy định về đăng ký quyền tác giả. Mà trong đó, nội dung quan trọng là đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ do Văn phòng Quốc hội ban hành.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ: “Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.” Như vậy, ngay trong chính khái niệm về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã nhắc đến một trong những đối tượng trọng tâm cần phải nghiên cứu đó là “đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn)”.
Tuy nhiên, cần khẳng định và nhấn mạnh rằng: Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. (Khoản 2, Điều 49). Quyền tác giả, quyền liên quan là quyền được bảo hộ tự động mà không cần bất cứ thủ tục pháp lý nào. Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nhằm đảm bảo tính pháp lý vững chắc hơn để khẳng định về quyền sở hữu mà không cần phải chứng minh khi có tranh chấp.
Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là tập hợp các tài liệu, giấy tờ theo quy định của pháp luật được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
Yêu cầu đối với mỗi loại giấy tờ, tài liệu sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn.
2. Hướng dẫn khai đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan?
Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như đã nói ở mục 1 không phải là một mẫu giấy tờ hay tài liệu cụ thể mà là cách gọi để chỉ tập hợp các tài liệu, giấy tờ liên quan mà người đăng ký phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, việc hướng dẫn khai đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trọn vẹn là rất khó khăn, vì vậy, ở mục này, tác giả chỉ hướng dẫn một trong các tài liệu thuộc đơn đăng ký đó là: Tờ khai đăng ký quyền tác giả được ban hành kèm theo
Trước khi đi vào hướng dẫn, tác giả cung cấp mẫu tờ khai như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hanh phúc
____________________
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ
Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả
1. Người nộp tờ khai:
Họ và tên/Tên tổ chức:
Là (tác giả/tác giả đồng thời là chủ sở hữu/chủ sở hữu quyền tác giả/người được ủy quyền):
Sinh ngày:…………tháng………..năm…..
Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu (hoặc số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập nếu là tổ chức):
Ngày cấp:……tại:
Địa chỉ:
Số điện thoại:……….Email
Nộp Tờ khai đăng ký quyền tác giả cho (tác giả/ tác giả đồng thời là chủ sở hữu/chủ sở hữu quyền tác giả):
2. Tác phẩm đăng ký:
Tên tác phẩm:
Loại hình (theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ):
Ngày hoàn thành tác phẩm:
Công bố/chưa công bố:
Ngày công bố:
Hình thức công bố (hình thức phát hành bản sao như xuất bản, ghi âm, ghì hình):
Nơi công bố: Tỉnh/Thành phố………..Nước
Nội dung chính của tác phẩm (nêu tóm tắt nội dung tác phẩm – nội dung tác phẩm do tác giả/đồng tác giả sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của người khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam):
3. Trường hợp tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh:
Tên tác phẩm gốc:
Ngôn ngữ gốc (đối với tác phẩm dịch):
Tác giả của tác phẩm gốc: Quốc tịch:……………………………….
Chủ sở hữu tác phẩm gốc:
(Nếu tác phẩm gốc hết thời hạn bảo hộ, ghi “tác phẩm hết thời hạn bảo hộ ” và nguồn thông tin)
4. Tác giả (khai đầy đủ các đồng tác giả, nếu có):
Họ và tên:………Quốc tịch
Bút danh:
Sinh ngày:………………..tháng…………….năm
Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước của công dân/Hộ chiếu:
Ngày cấp:……..tại:
Địa chỉ:
Số điện thoại……….Email
5. Chủ sở hữu quyền tác giả (khai đầy đủ các đồng chủ sở hữu, nếu có):
Họ và tên/Tên tổ chức:………Quốc tịch
Sinh ngày:…………..tháng…………….năm
Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu (hoặc số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập nếu là tổ chức):
Ngày cấp:………..tại:
Địa chỉ:
Số điện thoại…………….Email
Cơ sở phát sinh sở hữu quyền (tác giả tự sáng tạo/theo hợp đồng/theo
6. Trường hợp cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả:
Số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã cấp:
Cấp ngày…………..tháng…………….năm
Tên tác phẩm:
Loại hình:
Tác giả:…………..Quốc tịch
Chủ sở hữu:……..Quốc tịch
Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu (hoặc số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập nếu là tổ chức):
Lý do cấp lại, đổi Giấy chứng nhận:
Tôi cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật, nếu sai tôi/chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
………., ngày…..tháng……năm………
Người nộp đơn
(họ và tên, ký, chức danh, đóng dấu nếu là tổ chức)
Hướng dẫn:
(1) Thông tin về người nộp tờ khai.
Người nộp tờ khai có thể là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người được ủy quyền. Nếu là cá nhân thì ghi tên, ngày tháng năm sinh; số chứng minh, ngày cấp, nơi cấp theo giấy chứng minh nhân dân, nếu là tổ chức thì ghi tên giao dịch, số đăng ký kinh doanh theo giấy đăng ký doanh nghiệp.
Địa chỉ của cá nhân là địa chỉ thường trú, địa chỉ của tổ chức là địa chỉ trụ sở chính.
Ở mục này phải xác định việc nộp tờ khai quyền tác giả cho ai? có thể trùng hoặc không trùng với người nộp tờ khai.
(2) Tác phẩm đăng ký.
Nội dung này phải phản ánh được trọng tâm các vấn đề về tên tác phẩm; xác định tác phẩm đó là loại hình nào trong 12 tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
Các nội dung khác như ngày công bố, hình thức công bố, nơi công bố phải được ghi đầy đủ nếu tác phẩm đã được công bố trước đó.
(3) Trường hợp tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh.
Nội dung này khá đơn giản, chỉ cần xác định các thông tin đối với tác phẩm gốc, bao gồm tên, ngôn ngữ, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc.
(4) Thông tin về tác giả (đồng tác giả, nếu có).
Đây hầu hết là các thông tin gắn với nhân thân bao gồm tên, quốc tịch, bút danh (có hoặc không), ngày sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp theo giấy chứng minh nhân dân.
Phương thức liên hệ: địa chỉ thường trú, số điện thoại, email phải còn được sử dụng.
(5) Chủ sở hữu quyền tác giả.
Có thể trùng hoặc không trùng với tác giả, nhưng thường mục này không dành để chỉ trường hợp này vì thông tin ở trên về tác giả đã có. Các thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả đối với cá nhân được xác lập tương tự như với tác giả, bên cạnh đó, chủ sở hữu có thể là tổ chức, thì các thông tin được khai như với người nộp tờ khai là tổ chức, nhưng chú ý về nội dung cơ sở phát sinh sở hữu quyền.
(6) Trường hợp cấp lại, đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây là trường hợp đặc biệt, trước đó cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả.
Cuối tờ khai, người làm tờ khai ghi địa danh, ngày tháng năm lập tờ khai, ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu, ghi rõ chức danh, họ tên nếu là tổ chức.