Kê khai lý lịch đối với người xin vào Đảng là một trong những bước quan trọng đối với cá nhân muốn gia nhập vào đội ngũ Đảng. Đây là văn bản vô cùng quan trọng, cần phải thận trọng trong quá trình hoàn thiện. Bởi vậy bài viết dưới đây Hướng dẫn cách khai lý lịch đối với người xin vào Đảng chuẩn.
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn cách kê khai lý lịch đối với người xin vào Đảng:
01/ Họ và tên đang dùng: Viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh nhân dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
02/ Giới tính: Đánh dấu “nam” hoặc “nữ” tương ứng với giới tính của người viết.
03/ Họ và tên khai sinh: Viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
04/ Bí danh: Nếu có, viết tên các bí danh đã dùng trước đó.
05/ Ngày, tháng, năm sh: Viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh.
06/ Nơi sinh: Viết rõ xã, huyện, tỉnh, thành phố; phường, thị xã, quận, thành phố nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.
07/ Quê quán: Là nơi sinh sống của ông nội, cha đẻ; trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ). Viết địa chỉ như mục 06 nêu trên.
08/ Nơi ở hiện nay: Là nơi đăng ký trong sổ hộ khẩu.
09/ Dân tộc: Viết tên dân tộc gốc của bản thân.
10/ Tôn giáo: Trước khi vào Đảng, nếu theo đạo nào thì viết rõ tôn giáo đó; nếu không theo đạo nào thì viết chữ “không”.
11/ Thành phần xã hội hoặc nghề nghiệp của bản thân: Viết rõ thành phần xã hội hoặc nghề nghiệp của bản thân, ví dụ: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, bộ đội… Nếu sống phụ thuộc gia đình thì viết là học sinh, sinh viên hoặc chưa có việc làm.
12/ Trình độ hiện nay:
Học vấn phổ thông: Viết rõ đã học xong lớp mấy hệ 10 hay 12 năm, học chính quy hay bổ túc (ví dụ: 8/10 chính quy, 9/12 bổ túc, 12/12)
Chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ: Đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật gì thì viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức, cụ thể như sau:
Chuyên môn, nghiệp vụ: Viết theo bằng cấp về chuyên môn, nghiệp vụ (ví dụ: Cao đẳng Sư phạm, Đại học Nông nghiệp…)
Học vị: Viết rõ học vị theo bằng cấp về chuyên môn kỹ thuật (ví dụ: Tiến sỹ Luật, Thạc sỹ Luật, Cử nhân Luật, Bác sỹ Ngoại khoa…) theo đúng văn bằng
Học hàm: Là danh hiệu được Nhà nước phong như Giáo sư, Phó giáo sư.
Lý luận chính trị: Viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân; học hệ chính quy hay tại chức
Ngoại ngữ: Viết Đại học Anh ngữ, Pháp ngữ, tiếng Nga… (nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ). Đối với hệ bồi dưỡng ngoại ngữ thì viết Anh, Pháp, Nga… trình độ A, B, C.
13/ Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đoàn.
14/ Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam 1ần thứ nhất (nếu có): Cần ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng (Đảng bộ nơi kết nạp).
15/ Ngày và nơi công nhận chính thức: Chỉ viết khi là Đảng viên chính thức (được ghi nhận vào sổ Đảng).
16/ Người giới thiệu vào Đảng thứ nhất: Họ và tên, chức vụ, đơn vị công tác của người giới thiệu phải được viết rõ. Người giới thiệu thứ hai: Nếu là đoàn viên Đoàn Thanh niên, viết rõ là BCH Đoàn trường đang sinh hoạt. Nếu là Công đoàn viên, ghi rõ là BCH Công đoàn nơi sinh hoạt.
17/ Lịch sử bản thân: Tóm tắt quá trình từ thời niên thiếu cho đến trước ngày tham gia hoạt động xã hội.
18/ Công tác và chức vụ đã qua: Viết đầy đủ, rõ ràng và liên tục theo thời gian, từ khi tham gia hoạt động xã hội đến nay. Nêu rõ thời gian làm việc, nơi làm việc, giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, các tổ chức văn hoá, giáo dục, đoàn thể… Viết cả thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, tái ngũ, đi học, tham quan nước ngoài, bị bắt, bị tù, bị đứt liên lạc hoặc không hoạt động nếu có.
19/ Đặc điểm lịch sử: Viết rõ 1 lý do bị ngừng sinh hoạt Đảng (nếu có); có bị bắt, bị tù không; có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài; đã tham gia chức sắc gì trong các tôn giáo.
20/ Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: Viết rõ những lớp ý nghĩa về chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ đã học, theo chương trình gì, cấp nào mở, tên trường, thời gian học, ở đâu, chính quy hay tại chức. Nêu rõ tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.
21/ Đi nước ngoài:
– Thời gian từ tháng năm nào đến tháng năm nào.
– Nước nào đi (từ 3 tháng trở lên).
– Cấp nào cử đi.
22/ Khen thưởng:
– Ngày, tháng, năm được khen thưởng.
– Hình thức được khen thưởng (từ giấy khen trở lên).
– Các danh hiệu được Nhà nước phong tặng.
23/ Kỷ luật: Ghi rõ tháng, năm sai phạm, Hình thức kỷ luật, Cấp nào quyết định.
24/ Hoàn cảnh gia đình:
– Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ), của người xin vào Đảng: Gồm các thông tin về: Họ và tên, Năm sinh; Nơi sinh; Quê quán; Chỗ ở, nghề nghiệp; Hoàn cảnh kinh tế của từng người qua các thời kỳ; Thái độ chính trị của từng người qua các thời kỳ.
– Về hoàn cảnh kinh tế của gia đình: Viết rõ thành phần giai cấp trước cách mạng tháng tám 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954; Nguồn thu nhập, mức sống của gia đình hiện nay.
– Về thái độ chính trị của từng người: Viết rõ đã tham gia tổ chức cách mạng nào, làm công tác gì, chức vụ gì (theo mốc thời gian từ tháng, năm nào đến tháng năm nào); Tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái nào của đế quốc hoặc chế độ cũ; Hiện nay những người đó làm gì, ở đâu; Nếu đã chết thì viết rõ lý do chết, năm nào, tại đâu.
– Anh chị em ruột của bản thân: Viết rõ họ tên, năm sinh, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị của từng người.
– Cha mẹ vợ (hoặc cha mẹ chồng), vợ (hoặc chồng) (nếu có): Viết như phần khai của cha mẹ đẻ.
– Anh chị em ruột của vợ (hoặc chồng), các con (nếu có): Viết rõ họ tên, năm sinh, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị của từng người.
– Bên nội: Khai theo thứ tự sau:
+ Đối với ông, bà nội: Viết rõ như phần cha mẹ đẻ.
+ Đối với cô, chú, bác: Viết rõ họ tên, năm sinh, quê quán, chỗ ở, nghề nghiệp, thái độ chính trị của từng người.
– Bên ngoại: Khai theo thứ tự sau:
+ Đối với ông, bà ngoại: Viết rõ như phần cha mẹ đẻ.
+ Đối với cậu, dì: Viết rõ họ tên, năm sinh, quê quán, chỗ ở, nghề nghiệp, thái độ chính trị của từng người.
25/ Tự đánh giá: cá nhân tự đánh giá một cách trung thực những ưu điểm và nhược điểm chính của bản thân trong các mặt phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ với quần chúng từ khi tôi phấn đấu vào Đảng đến nay.
26/ Cam đoan và ký tên: Cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng và chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đã khai trong lý lịch. Ngày tháng năm: [ngày] [tháng] [năm], ký tên: [họ tên].
27/ Nhận xét của Chi bộ và chứng nhận của cấp uỷ cơ sở:
Sau khi người xin vào Đảng khai đầy đủ lý lịch, Chi bộ có trách nhiệm kiểm tra và liên hệ vớVăn phòng Đảng ủy để đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch. Các cấp uỷ (kể cả cấp uỷ cơ sở chưa nhận xét, ký tên, đóng dấu vào lý lịch) cử đảng viên hoặc gửi phiếu để thẩm tra. Khi đã có kết quả thẩm tra, xác minh các nội dung trong lý lịch của người xin vào Đảng (kể cả lấy ý kiến nơi cư trú); Đồng chí Bí thư Chi bộ ký tên, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm vào phần xác nhận. Chi bộ tiến hành họp xét kết nạp đảng viên và gửi toàn bộ hồ sơ về Văn phòng Đảng ủy Trường. Sau đó, Đảng uỷ Trường thẩm định lại kết quả thẩm tra, xác minh và làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc còn nghi vấn trong nội dung lý lịch của người xin vào Đảng. Tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy tiến hành xem xét và kết luận, sau đó Đồng chí Bí thư cấp uỷ ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cấp uỷ cơ sở.
2. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng:
2.1. Những đối tượng cần thẩm tra:
Dưới đây là những đối tượng cần được thẩm tra lý lịch đối với Đảng viên mới:
– Người đăng ký vào Đảng;
– Cha, mẹ ruột, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp người đăng ký; vợ hoặc chồng, con của người đăng ký có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (được gọi chung là người thân).
2.2. Nội dung thẩm tra:
– Đối với người đăng ký vào Đảng: Làm rõ về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống;
– Đối với người thân: Làm rõ về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Những lưu ý khi viết bản kê khai lý lịch của người xin vào Đảng:
Như chúng ta đã biết, việc kê khai lý lịch đối với người mới xin vào Đảng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khi gia nhập vào đội ngũ danh dự của Đảng. Do vậy, khi viết, các cá nhân cần chú ý:
– Thông tin phải được cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực, không được giấu kín hoặc bôi nhọ;
– Sử dụng ngôn từ chính xác, lịch sự và trang trọng. Tránh sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, lời lẽ không đúng văn hóa;
– Viết rõ ràng, dễ hiểu, tránh sử dụng từ ngữ quá khó hiểu hoặc không phù hợp với trình độ và văn phong của người viết;
– Tôn trọng quyền riêng tư của người được kê khai lý lịch, không nên đưa ra những thông tin nhạy cảm hoặc riêng tư mà không được phép;
– Chú ý đến cấu trúc và định dạng của bản kê khai, đảm bảo đúng theo mẫu chuẩn được quy định bởi Đảng;
– Sau khi viết xong, cần kiểm tra lại nội dung, đảm bảo không có sai sót, chính tả hoặc lỗi ngữ pháp;
– Viết bằng chữ in hoa, nếu viết tay thì phải rõ ràng, đẹp và dễ đọc;
– Nếu là bản viết tay, nên sử dụng bút mực đen, không sử dụng bút bi hoặc viết bằng bút chì;
– Khi hoàn thành, cần chữ ký xác nhận của người viết và người được kê khai lý lịch.