Gia hạn mã vạch hay còn được gọi là nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm. Vậy cách hướng dẫn cách đóng phí duy trì mã số mã vạch nhanh được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn cách đóng phí duy trì mã số mã vạch nhanh:
Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân, còn Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải những thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (như Data Matrix, QRcode, PDF417 và những mã vạch hai chiều khác); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.
Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận mã số mã vạch là 03 năm kể từ ngày cấp. Và trong 3 năm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện thủ tục để gia hạn mã vạch. Gia hạn mã vạch hay còn được gọi là nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm. Nếu như hết thời hạn của giấy chứng nhận mã số mã vạch mà các doanh nghiệp không thực hiện thủ tục gia hạn thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, việc đóng phí duy trì mã số mã vạch rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thời hạn nộp phí duy trì mã số mã vạch là khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch cho năm đầu tiên và những năm tiếp theo với thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm. Lưu ý rằng, trường hợp tổ chức, cá nhân được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch vào sau ngày 30 tháng 6 nộp 50% (năm mươi phần trăm) mức phí duy trì tương ứng với từng loại mã số mã vạch.
Để thuận tiện nhất, thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên nộp phí duy trì mã số mã vạch qua 1 trong 2 tài khoản ngân hàng như sau:
– Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (ngân hàng Agribank):
+ Chi nhánh: Quận Cầu Giấy.
+ Số tài khoản là: 1507201067907.
+ Đơn vị hưởng là: Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc Gia.
– Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (ngân hàng Vietinbank):
+ Chi nhánh là: Nam Thăng Long.
+ Số tài khoản là: 122000064913.
+ Đơn vị hưởng là: Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc Gia.
Khi nộp phí duy trì mã số mã vạch, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nộp phí duy trì mã số mã vạch cần lưu ý những vấn đề sau:
– Cần xem kỹ lại số tài khoản, tên tài khoản trước khi chuyển khoản tránh trường hợp chuyển nhầm;
– Sau khi chuyển khoản cần liên hệ lại với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc Gia để xác định lại;
– Cần ghi chuẩn xác nội dung chuyển khoản do Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc Gia hướng dẫn.
2. Mức phí duy trì mã số mã vạch:
Hiện nay, mức phí duy trì mã số mã vạch được thực hiện theo Thông tư 232/2016/TT-BTC phí cấp mã số mã vạch, theo đó mức phí duy trì mã số mã vạch như sau:
– Có sử dụng mã doanh nghiệp GS1:
+ Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp mà được sử dụng 100 số vật phẩm): 500.000 đồng/năm.
+ Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp mà được sử dụng 1.000 số vật phẩm): 800.000 đồng/năm.
+ Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp mà được sử dụng 10.000 số vật phẩm): 1.500.000 đồng/năm.
+ Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp mà được sử dụng 100.000 số vật phẩm): 2.000.000 đồng/năm.
– Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (còn gọi là GLN): 200.000 đồng/năm.
– Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu có 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8): 200.000 đồng/năm.
3. Phạt hành chính khi không nộp phí duy trì mã số mã vạch:
Điều 32 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BKHCN 2022 hợp nhất Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính ở trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường quy định về xử phạt vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch, Điều này quy định xử phạt vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, về địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc là không thông báo bằng văn bản khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;
+ Sử dụng mã số mã vạch khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đã hết hiệu lực;
+ Không xuất trình được về văn bản hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng mã số mã vạch khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
+ Không khai báo và cập nhật danh mục những mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền;
+ Khai báo thông tin về mã số mã vạch trên cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia không đúng với các thông tin thực tế thương phẩm sử dụng mã GTIN hoặc là địa điểm sử dụng mã GLN thể hiện hoặc là sử dụng mã truy vết, thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để thực hiện cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng không có các dữ liệu hoặc có dữ liệu nhưng nội dung, dữ liệu không đúng với quy định, hoặc thực hiện gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để thể hiện cung cấp các thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng lại không khai báo, cập nhật thông tin đúng với quy định về việc thể hiện hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn, định dạng bằng một phương thức thích hợp;
– Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng với quy định:
+ Phạt tiền từ 1 cho đến 3 lần số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số mã vạch;
+ Sử dụng mã số mã vạch mà đã bị thu hồi;
+ Bán, chuyển nhượng mã số mã vạch mà đã được cấp.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết ở tại Việt Nam mà không được chủ sở hữu mã nước ngoài cho phép quyền sử dụng tại Việt Nam;
+ Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế;
+ Cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch hợp pháp mà đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp;
+ Phát triển và cung cấp những dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số mã vạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam khi chưa được phép.
– Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán các hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch được quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị đến 10.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm mà có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Như vậy, qua quy định trên có thể khẳng định được rằng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện việc đóng phí duy trì mã số mã vạch thì sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần so với số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Mức phạt tối đa sẽ là 50.000.000 đồng, đồng thời buộc nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BKHCN 2022 hợp nhất Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường.
– Thông tư 232/2016/TT-BTC phí cấp mã số mã vạch.