Khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ các nguyên tắc giao thông để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp người tham gia giao thông đi qua vòng xuyến thì có phải bật xi nhan không? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn quý bạn đọc cáchnbật đèn xi nhan đúng luật khi ra vào vòng xuyến.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khi ra vào vòng xuyến thì người điều khiển phương tiện giao thông có phải xi nhan không?
- 2 2. Hướng dẫn bật đèn xi nhan đúng luật khi ra vào vòng xuyến:
- 3 3. Người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ quy tắc xi nhan thì bị xử phạt thế nào?
- 3.1 3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- 3.2 3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- 3.3 3.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
1. Khi ra vào vòng xuyến thì người điều khiển phương tiện giao thông có phải xi nhan không?
Căn cứ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:
– Thứ nhất, xi nhan khi chuyển làn đường theo quy định tại Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Thứ hai, xi nhan khi chuyển hướng xe theo quy định tại Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Việc chuyển hướng xe có thể là xe thay đổi hướng rẽ trái, rẽ phải hoặc quay đầu xe;
– Thứ ba, xi nhan khi vượt xe theo quy định tại Điều 16 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Thứ tư, xi nhan khi chuyển từ vị trí đỗ xe trên lề đường ra ngoài đường lưu thông hoặc xe dừng, đỗ trên đường giao thông theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Ngoài những trường hợp được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phân tích ở trên thì Cục Cảnh sát giao thông còn khuyến nghị người điều khiển phương tiện giao thông nên bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:
– Khi điều khiển phương tiện giao thông đi qua vòng xuyến;
– Khi đi theo đường cong của đường;
– Khi lùi vào ngõ;
– Khi điều khiển phương tiện giao thông đi qua ngã 3 chữ Y.
Như vậy, việc xi nhan khi đi qua vòng xuyến không phải là quy định bắt buộc tại luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng lại nằm trong khuyến cáo của Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an khi lưu thông đường bộ. Theo đó, việc xi nhan khi đi qua vòng xuyến là việc thông báo cho những người tham gia giao thông khác về việc người điều khiển xe chuyển hướng xe nhưng lại chỉ là khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền nên không mang tính chất bắt buộc. Do đó, người dân nên thực hiện theo khuyến cáo này để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, tránh những va chạm không đáng có xảy ra.
Thực hiện quy tắc xi nhan khi đi qua vòng xuyến thực chất chỉ đánh giá qua góc độ ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy không có quy định cụ thể và bắt buộc về vấn đề này trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng hầu như tất cả người dân đều ghi nhớ việc thực hiện xi nhan khi đi qua vòng xuyến, từ đó tạo nên một phần của văn hoá giao thông Việt Nam.
2. Hướng dẫn bật đèn xi nhan đúng luật khi ra vào vòng xuyến:
Việc bật xi nhan khi đi qua vòng xuyến được thực hiện theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”. Có nghĩa là khi đi vào vòng xuyến thì phải bật xi nhan trái và khi ra vòng xuyến sẽ bật xi nhan phải. Nguyên tắc bật xi nhan khi đi qua vòng xuyến xuất phát từ đặc điểm của vòng xuyến. Cụ thể như sau:
– Vòng tròn mũi tên của vòng xuyến chỉ hướng đi ngược chiều kim đồng hồ, có nghĩa là mũi tên chỉ hướng đi từ trái sang phải;
– Và trước chỗ giao cắt bởi vòng xuyến thường phải có biển báo R.303 – Nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến. Khi đi vào vòng xuyến tài xế phải cho xe chạy theo hướng mũi tên, cho đến khi tách khỏi vòng tròn rẽ sang đường nhánh nào đó.
Theo đặc điểm và nguyên tắc đi theo vòng xuyến thì người điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua vòng xuyến thì sẽ đi theo hướng mũi tên là từ trái sang phải. Do đó mà đang đi thằng mà điều khiển đi vào vòng xuyến sẽ thực hiện chuyển hướng xe từ trái sang phải nên khi vào xong xuyến sẽ phải xi nhan trái. Và khi đi ra khỏi vòng xuyến thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ quy định đi bên phải làn đường nên phải xi nhan phải để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, tuỳ thuộc vào kích thước cũng như vị trí đặt vòng xuyến thì cách xử lý di chuyển cũng như bật tín hiệu đèn xi nhan cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với vòng xuyến nhỏ thì người điều khiển phương tiện giao thông có thể đi thẳng qua mà không cần đi theo mũi tên của vòng xuyến. Do đó, trong trường hợp này thì người điều khiển phương tiện giao thông không cần bật xi nhan để tránh cho các xe sau hiểu nhầm. Bản chất việc đi thẳng là không thay đổi hướng đi, theo luật không cần bật tín hiệu gì. Còn nếu tại đó các bác muốn rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu thì phải bật xi nhan như bình thường;
– Đối với vòng xuyến lớn, nằm chắn giữa đường, nằm chính giữa và không lệch về bên nào nên việc đi qua vòng xuyến và bật đèn xi nhan được thực hiện theo các trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Nếu người điều khiển phương tiện giao thông chỉ cần rẽ phải ngay khi vừa đến chỗ giao cắt, mà không cần bám theo bùng binh, khi đó chỉ cần xi nhan phải trước khi rẽ, vì bản chất là chỉ có 1 lần chuyển hướng sang phải;
+ Trường hợp 2: Nếu người điều khiển phương tiện giao thông cần cua một đoạn theo vòng tròn mũi tên vòng xuyến trước khi rẽ phải vào đường nhánh, thì cần phải xi nhan 2 lần, theo nguyên tắc “vào trái ra phải” đã được phân tích ở trên.
– Đối với vòng xuyến lớn nằm lệch hẳn về một bên đường, thì người điều khiển phương tiện giao thông cũng cần xi nhan đến 3 lần xi nhan. Cụ thể:
+ Lần 1: báo chuyển sang hướng bùng binh;
+ Lần 2: báo vào bùng binh;
+ Lần 3: báo ra khỏi bùng binh đi vào đường nhánh. Nếu vào và rẽ phải luôn (không ôm cua) thì cũng chỉ cần xi nhan phải là xong.
Như vậy, quý bạn đọc có thể tham khảo để có thể áp dụng vào từng loại vòng xuyến trên thực tế để điều khiển xe đi qua vòng xuyến và cách bật xi nhan đúng luật khi đi qua vòng xuyến. Từ đó để đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn giao thông.
3. Người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ quy tắc xi nhan thì bị xử phạt thế nào?
Trong những trường hợp mà pháp luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn tín hiệu xi nhan mà người tham gia giao thông không thực hiện theo đúng quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dừng xe thực hiện hành vi chuyển làn đường mà không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ;
+ Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Phạt tiền từ 4.00.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;
3.2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi vi phạm được quy định như sau:
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy điều khiển phương tiện giao thông và thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
+Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy điều khiển phương tiện giao thông và thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên nhưng vẫn sử dụng;
+ Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
3.3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi không bật xi nhan sẽ bị xử phạt với mức xử phạt cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
+ Lùi xe không có tín hiệu báo trước;
+ Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;
+ Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Ngoài việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định số 123/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.