Sự tham gia các công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường của Việt Nam? Hợp tác quốc tế về thực thi các công ước quốc tế đã kí trong bảo vệ môi trường? Một số tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Việc bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở phạm vi một quốc gia mà nó bao trùm lên toàn thế giới. Tương tự như các vấn đề như kinh tế, xã hội thì bảo vệ môi trường luôn cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia với nhau. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ, không ngừng liên kết, tham gia các Công ước, Hiệp định và hợp tác với các quốc gia khác về vấn đề bảo vệ môi trường. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường cũng như thông tin của một số tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường.
Luật sư
1. Sự tham gia các công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường của Việt Nam
Việt Nam đã ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế về môi trường, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối quốc gia thực hiện các điều ước quốc tế quan trọng. Một số điều ước quan trọng mà Việt Nam ký kết được kể đến:
– Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Công ước quốc tế về đa dạng sinh học được ký kết vào năm 1992, có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/1993. Nghị định thư Cartagena được thông qua vào tháng 01/2000 tại Montreal, Canada với sự nhất trí của 135 quốc gia có mặt. Đến tháng 06/2003 có 103 quốc gia ký kết.
– Công ước các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt, như nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramstar) thông qua năm 1971, Việt Nam tham gia vào ngày 20/9/1989, phê chuẩn năm 1991.
– Công ước Basel về Kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng (Công ước Basel) thông qua năm 1989. Việt Nam tham gia ngày 13/3/1995.
– Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước POPs), Việt Nam tham gia ngày 23/5/2001.
– Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozon (1985) và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ozon 1987.
– Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1992) và Nghị định thư Kyoto về cơ thế phát triển sạch (1997).
2. Hợp tác quốc tế về thực thi các công ước quốc tế đã kí trong bảo vệ môi trường
Trong quá trình thực thi các điều ước quốc tế về môi trường, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để thực hiện các cam kết và tổ chức thực hiện khá hiệu quả trên thực tế. Kết quả cụ thể của việc thực hiện một số điều ước quốc tế như sau:
• Đối với Công tước Đa dạng sinh học (CBD) :Kể từ khi phê chuẩn Công ước (16/11/1994) đến nay, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và đầu tư nguồn lực để thực thi các cam kết và nghĩa vụ đối với Công ước và quan trọng hơn nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú và quý giá của quốc gia. Sau hơn 20 năm thực hiện Công ước CBD, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, bảo tồn và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) đã được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ; điều tiết nhiều mảng khác nhau của lĩnh vực bảo tồn, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Công ước CBD và các Công ước khác mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam bảo tồn hiệu quả tài nguyên sinh vật, đảm bảo an toàn môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.
Thành tựu đầu tiên và đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong việc tiến hành triển khai các hoạt động thực thi Công ước là việc xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam ( gọi tắt là BAP ). Việc xây dựng kế hoạch hành động nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học quốc gia được coi là điều khoản bao trùm nhất của Công ước.
Tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học: Ngày 20/1/2004, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các cam kết với Nghị định thư như lồng ghép nội dung quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen thông qua các văn bản như Luật BVMT 2005; Quyết định 212/2005/QĐ – TTg về Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Đồng thời, nội dung an toàn sinh học cũng được lồng ghép trong các văn bản đang được soạn thảo như Kế hoạch hành động ĐDSH. Xây dựng kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam với các mục tiêu đặt ra trước mắt và mục tiêu lâu dài ; tham gia hưởng ứng Năm Đa dạng sinh học 2010 Việt Nam đã tổ chức triển lãm quốc tế đa dạng sinh học với nhiều hoạt động hưởng ứng như tổ chức lễ mitting, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền… Ngoài ra, Việt Nam tham gia cáng kiến ” Ngày hành động toàn cầu về đa dạng sinh học vào ngày 22 tháng 5 năm 2010 ”, đây cũng là Ngày quốc tế về đa dạng sinh học.
Công tác hợp tác quốc tế của nước ta đã được chú trọng. nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn đã đặt văn phòng tại Việt Nam, nhiều chương trình điều tra phối hợp giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được thực hiện ; nhiều dự án lớn với nguồn vốn của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế đã được xây dựng và thực thi tốt ở VN…
Đối với Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của loài chim nước Việt Nam là một trong 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước ngày 20/11/1989. Ngay sau khi tham gia Công ước, Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó là Bàu Sấu và các vùng đất ngập nước theo mùa thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Tràm Chim đã được công nhận là khu Ramsar của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang nỗ lực để có thể đưa thêm các vùng đất ngập nước vào trong Danh sách này, đồng thời quyết định thành lập các Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước.
Để triển khai Công ước, Chính phủ Việt Nam đã xác định trách nhiệm của các cấp các ngành: Bộ TNMT, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ thủy sản, các bộ, cơ quan ngang bộ… trong việc phối hợp thực hiện Công ước. Hệ thống pháp luật chính sách cũng được ban hành: Luật BVMT, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, đã hình thành các khóa đào tạo về đất ngập nước ở các trường đại học, các khóa tập huấn được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động tuyên truyền vào Ngày đất ngập nước quốc tế đã được tổ chức sâu rộng, tiến hành kiểm kê, quy hoạch các vùng đất ngập nước. Hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm thực thi công trước này cũng được nước ta quan tâm và được sự tài trợ của các nước phát triển.
Đối với Công ước Basel Kể từ khi tham gia Công ước Basel, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ của mình. Những thành công lớn nhất trong việc thực thi Công ước Basel được thể hiện trong các hoạt động sau: xây dựng những quy định thích hợp để quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hiểm. Đây là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của các quốc gia thành viên của Công ước Basel, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm việc quản lý chất thải một cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường. Tiếp đến là việc xác định trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xuất khẩu, nhập khẩu chất thải bất hợp pháp; triển khai việc quản lý chất thải, xử lý chất thải,…
Bên cạnh việc tham gia các công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, thì Việt Nam còn không ngừng đẩy mạnh việc hợp tác song phương về bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế trong khu vực về bảo vệ môi trường, theo đó có thể kể đến như hợp tác quốc tế giữa Việt Nam- Nhật Bản, Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam- Hoa Kỳ,… về bảo vệ môi trường. Và Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực trong ASEAN về bảo vệ môi trường.
3. Một số tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường
Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme ) được thành lập ngày 15/12/1972 theo nghị quyết 1997 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. UNEP chính là nơi điều phối các hoạt động môi trường của Liên hợp quốc và ngoài ra còn giúp các quốc gia đang phát triển đưa ra các chính sách về môi trường và thực hiện chúng.
Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) tổ chức này được thành lập bởi Tổ chức Khi tượng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc vào năm 1988. Nhiệm vụ chủ yếu của hội đồng là đưa ra những đánh giá khoa học chi tiết về những nguy cơ hiện hành do những biến đối khí hậu gây ra bởi các hoạt động của con người.
Quỹ Môi Trường Toàn Cầu ( Global Environment Facility – GEF) được thành lập năm 1991, là một tổ chức tài chính độc lập và trợ cấp cho các nước đang phát triển về những dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, suy thoái đất, các chất ô nhiễm hữu cơ lâu bền và tầng ozone.