Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán được hiểu là hợp đồng trong đó thành viên không bù trừ ủy thác cho một thành viên bù trừ chung thực hiện các hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Vậy hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán:
Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán được thực hiện theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020 vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, cụ thể như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________________
…, ngày…tháng…năm…
HỢP ĐỒNG ỦY THÁC BÙ TRỪ, THANH TOÁN
Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán giữa thành viên không bù trừ và thành viên bù trừ chung bao gồm tối thiểu những nội dung sau đây:
1. Căn cứ pháp lý
– Căn cứ Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của nước CHXHCN Việt Nam;
– Căn cứ Bộ Luật dân sự của nước CHXHCN Việt Nam;
– Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;
– Căn cứ Thông tư số … ngày …/…/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
2. Các bên tham gia ký kết hợp đồng
– Tên, địa chỉ, điện thoại, số giấy phép thành lập và hoạt động của thành viên không bù trừ; Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ số hộ chiếu, quyết định ủy quyền của người đại diện, người được ủy quyền theo pháp luật của thành viên không bù trừ;
– Tên, địa chỉ, điện thoại, số giấy phép thành lập và hoạt động của thành viên bù trừ chung; Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ số hộ chiếu, quyết định ủy quyền của người đại diện, người được ủy quyền theo pháp luật của thành viên bù trừ chung.
3. Điều khoản và các thỏa thuận cụ thể
– Mở tài khoản của nhà đầu tư tại thành viên không bù trừ;
– Mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ chung;
– Thành viên không bù trừ đại diện cho nhà đầu tư trong mối quan hệ với thành viên bù trừ chung;
– Hợp đồng 3 bên giữa nhà đầu tư – thành viên không bù trừ – thành viên bù trừ chung;
– Quy định về nộp/rút tài sản ký quỹ của nhà đầu tư;
– Quy định về kiểm tra ký quỹ trước khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh;
– Quy định về giám sát số lượng hợp đồng nắm giữ để đảm bảo tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, giới hạn vị thế cho phép.
4. Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia
– Thành viên bù trừ chung nhận ủy thác của thành viên không bù trừ để thực hiện đảm bảo thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh thông qua các cơ chế bảo đảm thanh toán và phòng ngừa rủi ro;
– Thành viên bù trừ chung cung cấp cho thành viên không bù trừ các dịch vụ liên quan tới hoạt động bù trừ, thanh toán, bao gồm: bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; theo dõi, quản lý tài sản ký quỹ của thành viên không bù trừ và khách hàng của thành viên không bù trừ; bảo đảm quản lý tách biệt tài khoản, tài sản của thành viên không bù trừ và tài khoản, tài sản của khách hàng của thành viên không bù trừ;
– Các quyền và nghĩa vụ khác (nếu có) của các bên.
5. Điều khoản về các thỏa thuận khác
– Phí ủy thác theo quy định (nếu có) hoặc thỏa thuận giữa các bên;
– Giải quyết tranh chấp phát sinh;
– Phương án xử lý đối với trường hợp thành viên không bù trừ hoặc khách hàng của thành viên không bù trừ mất khả năng thanh toán;
– Phương án xử lý đối với trường hợp thành viên không bù trừ hoặc khách hàng của thành viên không bù trừ phá sản;
– Xử lý đối với các vấn đề lỗi của thành viên không bù trừ (đặt lệnh sai…), lỗi của thành viên bù trừ (thông tin sai về ký quỹ, số hợp đồng nắm giữ…);
– Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng.
6. Các vấn đề khác ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Được hiểu như thế nào là hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán:
Căn cứ khoản 15 Điều 3 của Nghị định 158/2020/NĐ-CP chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh thì hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán được hiểu là hợp đồng trong đó thành viên không bù trừ ủy thác cho một thành viên bù trừ chung thực hiện các hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của mình và khách hàng của mình.
3. Những trường hợp phải có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán:
Căn cứ Điều 22, 23 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh quy định về hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch của công ty chứng khoán và hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch đặc biệt, cụ thể như sau:
– Hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch của công ty chứng khoán (được quy định tại Điều 22 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh), bao gồm có những giấy tờ sau:
+ Giấy đăng ký thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh (giấy đăng ký được theo mẫu quy định);
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, đó chính là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp;
+ Bản thuyết minh về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đó chính là Sở giao dịch chứng khoán;
+ Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp thực hiện đăng ký làm thành viên không bù trừ.
– Hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch đặc biệt (được quy định tại Điều 23 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh), bao gồm có những loại giấy tờ sau:
+ Giấy đăng ký thành viên giao dịch đặc biệt trên thị trường chứng khoán phái sinh (giấy đăng ký được thực hiện theo mẫu quy định);
+ Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện việc đầu tư chứng khoán phái sinh;
+ Bản thuyết minh về hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, đó chính là Sở giao dịch chứng khoán;
+ Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung trong trường hợp thực hiện đăng ký làm thành viên không bù trừ.
Thêm nữa, một trong những điều kiện để cho công ty chứng khoán đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và để cho Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đăng ký làm thành viên giao dịch đặc biệt trên Sở giao dịch chứng khoán đó chính là phải có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ chung ở trong trường hợp đăng ký làm thành viên không bù trừ.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán về chứng khoán chính là một trong những điều kiện để cho công ty chứng khoán đăng ký làm thành viên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán và để cho Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đăng ký làm thành viên giao dịch đặc biệt trên Sở giao dịch chứng khoán và đây cũng chính là một trong các giấy tờ quan trọng có trong hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch của công ty chứng khoán và trong hồ sơ đăng ký thành viên giao dịch đặc biệt.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020 ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
– Nghị định 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.