Bảo hiểm - một hiện tượng được hình thành và phát triển dựa trên những nhu cầu về hạn chế rủi ro. Mô hình " tái bảo hiểm " đã trở thành biện pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng tối đa được nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Hợp đồng tái bảo hiểm là gì?
Mục lục bài viết
1. Hoạt động tái bảo hiểm là gì?
Xét về bản chất, hoạt động tái bảo hiểm là hoạt động bảo hiểm lại cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nói một cách cụ thể hơn thì tái bảo hiểm là loại dịch vụ tài chính mà các công ty tái bảo hiểm cung cấp cho khách hàng là các doanh nghiệp bảo hiểm gốc để thu phí bảo hiểm bằng cách chấp nhận toàn bộ hoặc một phần rủi ro được chuyển giao từ doanh nghiệp bảo hiểm gốc, thông qua hình thức ” Hợp đồng tái bảo hiểm”.
Hoạt động tái bảo hiểm được quy định tại Điều 42
” 1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể chuyển một phần nhưng không được nhượng toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước, chi nhánh nước ngoài khác.
2. Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.
3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và không được nhận tái bảo hiểm đối với chính những rủi ro đã nhượng tái bảo hiểm.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm và mức giữ lại đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. “
Bên cạnh đó, mức giữ lại và nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định được hướng dẫn bởi Điều 10, Điều 11 Thông tư 50/2017/TT-BTC
2. Hợp đồng tái bảo hiểm là gì?
Dựa vào bản chất của hoạt động tái bảo hiểm nêu trên, có thể nhận định khái niệm về hợp đồng tái bảo hiểm như sau :
Việc tái bảo hiểm cũng được gọi là bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Hình thức bảo hiểm này được đưa ra để chuyển giao rủi ro đơn lẻ hoặc toàn bộ danh mục đầu tư (một số lượng lớn các rủi ro riêng lẻ có phạm vi bảo hiểm giống nhau). Trong khuôn khổ các điều kiện đàm phán trong quan hệ tái bảo hiểm, các rủi ro được công ty bảo hiểm chuyển giao tất cả hoặc một phần cho công ty bảo hiểm khác (công ty nhận chuyển nhượng, thường là một công ty chuyên về tái bảo hiểm). Hợp đồng tái bảo hiểm là một hợp đồng độc lập. Mối quan hệ hợp đồng giữa công ty bảo hiểm và người bảo hiểm không bị ảnh hưởng bởi hợp đồng tái bảo hiểm. Công ty bảo hiểm gốc vẫn có nghĩa vụ tự mình phải trả cho người được bảo hiểm quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác, trong trường hợp có thiệt hại, hãng bảo hiểm gốc sẽ nhận được các khoản bồi hoàn (hay một phần) từ bên tái bảo hiểm, trong phạm vi rủi ro xảy ra đã được tái bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm gốc là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm trước người tham gia bảo hiểm. Khi có vấn đề xảy ra, người tham gia bảo hiểm chỉ có quyền khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm gốc.
Hợp đồng tái bảo hiểm tiếng Anh là ” Reinsurance contract “
Reinsurance is the practice whereby insurers transfer portions of their risk portfolios to other parties by some form of agreement to reduce the likelihood of paying a large obligation resulting from an insurance claim.
3. Đặc điểm của hợp đồng tái bảo hiểm:
Xét về bản chất, hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm vì nó thỏa mãn các dấu hiệu của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, hợp đồng tái bảo hiểm có những đặc thù riêng so với hợp đồng bảo hiểm thông thường. Theo đó, trong hợp đồng tái bảo hiểm, đối tượng tham gia bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm gốc, bên bảo hiểm là doanh nghiệp tái bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của công ty bảo hiểm gốc đối với khách hàng tham gia bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm gốc.
Bản chất này cũng được ghi nhận tại khoản 2 điều 61 Luật kinh doanh bảo hiểm, cụ thể: ” Nhận bảo hiểm lại một phần hay toàn bộ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm.”
Từ bản chất nêu trên, có thể nhận định rằng hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm có đặc thù, với các đặc điểm sau đây:
– Thứ nhất, hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng ” phái sinh ” từ hợp đồng khác là ” hợp đồng bảo hiểm gốc “. Đặc điểm này xuất phát từ bản chất của hoạt động tái bảo hiểm là doanh nghiệp tái bảo hiểm bảo hiểm lại toàn bộ hoặc một phần rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm gốc phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người tham gia bảo hiểm. Nói cách khác thì hợp đồng tái bảo hiểm chỉ hình thành khi đã có hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
– Thứ hai, chủ thể tham gia hợp đồng tái bảo hiểm luôn là doanh nghiệp bảo hiềm. Trong đó doanh nghiệp bảo hiểm gốc đóng vai trò là bên tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm với vai trò là bên bảo hiểm. Điều này khác hoàn toàn với những hợp đồng bảo hiểm thông thường có chủ thể tham gia một bên là doanh nghiệp bảo hiểm và một bên là khách hàng tham gia bảo hiểm là cá nhân hay tổ chức có nhu cầu mua bảo hiểm.
– Thứ ba, đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm là trách nhiệm dân sự ( trách nhiệm bồi thường bảo hiểm ) của doanh nghiệp bảo hiểm gốc đối với người tham gia bảo hiểm trong trường hợp xảy ra những rủi ro đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm gốc. Như vậy, có thể thấy dù giữa hai bản hợp đồng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau song đối tượng của hợp đồng tái bảo hiểm không đồng thời là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm gốc.
– Thứ tư, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tái bảo hiểm là nghĩa vụ có đi có lại. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm gốc có nghĩa vụ chuyển phí bảo hiểm thu được cho doanh nghiệp tái bảo hiểm theo tỉ lệ tương ứng với phần rủi ro mà bên tái bảo hiểm nhận, ngược lại, bên doanh nghiệp tái bảo hiểm cũng có nghĩa vụ chi trả bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm gốc với tỷ lệ nhất định.
4. Phân loại hợp đồng tái bảo hiểm:
– Phân loại theo phương pháp tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm theo số tiền bảo hiểm : Đặc điểm của loại hợp đồng này là số tiền bảo hiểm, chi phí bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm được phân chia giữa doanh nghiệp tái bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm gốc theo tỷ lệ nhất định.
+ Hợp đồng tái bảo hiểm theo mức bồi thường ( Hợp đồng tái bảo hiểm không tỷ lệ ) : Đặc trưng của loại bảo hiểm này là phân chia trách nhiệm về số tiền bảo hiểm không đặt ra.
– Phân loại theo khía cạnh pháp lý
+ Hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời: Đặc trưng là bảo hiểm gốc sẽ chuyển nhượng từng dịch vụ hay từng đơn bảo hiểm riêng lẻ mà họ muốn cho bất kỳ đơn vị tái bảo hiểm nào. Phía đơn vị tái bảo hiểm có quyền chấp nhận hoặc từ chối tái bảo hiểm cho đơn bảo hiểm đó theo tỷ lệ thích hợp. Mặt khác, bên bảo hiểm gốc cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến dịch vụ được bảo hiểm cho công ty tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm mở: Đặc trưng của hình thức bảo hiểm này là bên tái bảo hiểm không đòi hỏi đơn vị bảo hiểm phải chuyển nhượng 100% các dịch vụ đã nhận bảo hiểm. Ngược lại, đơn vị tái bảo hiểm cần chấp nhận 100% dịch vụ bảo hiểm do đơn vị bảo hiểm gốc chuyển nhượng. Những dịch vụ đó phải thoả mãn các điều kiện, thoả thuận đã quy ước ở hợp đồng tái bảo hiểm dựa trên sự trung thực tuyệt đối.
– Phân loại theo đối tượng của hợp đồng tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm kỹ thuật;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm nhân thọ;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm hàng không;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm cháy nổ;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm tài sản;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm vận tải;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm dầu khí; v.v.
5. Mẫu hợp đồng tái bảo hiểm mới nhất:
Mẫu số 02-1/TBH-TB: Danh mục hợp đồng tái bảo hiểm
PHỤ LỤC
DANH MỤC HỢP ĐỒNG TÁI BẢO HIỂM
(Kèm theo Thông báo (chính thức) ngày ………)
Tên tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài hoặc tổ chức được ủy quyền: ………………
Mã số thuế:
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………….
Tên đại lý thuế (nếu có): ……………………………………………………………………
Mã số thuế:
STT | Loại Hợp đồng | Đại diện ký kết | Thời gian thực hiện hợp đồng | Trách nhiệm pháp lý và cam kết của các bên | Đối tượng có thẩm quyền kết hợp đồng | Các nội dung liên quan đến thuế trong hợp đồng | |
Bên Việt Nam (ghi rõ tên, mã số thuế) | Bên nước ngoài1 | ||||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) |
A: Hợp đồng TBH P&I | |||||||
1 | |||||||
2 | … | ||||||
B: Hợp đồng TBH kỹ thuật | |||||||
1 | |||||||
2 | … | ||||||
… |
Tôi cam đoan số liệu khai trên là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những số liệu đã khai./.
NHÂN VIÊN ĐẠI LÝ THUẾ Họ và tên: | Ngày ……. tháng ……. năm ……. NGƯỜI NỘP THUẾ hoặc |
Ghi chú: 1Trường hợp Đại diện ký kết hợp đồng là Văn phòng đại diện, phải ghi rõ Văn phòng đại diện là đối tượng cư trú của Nước ký kết.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–
– Nghị định 73/2016/NĐ-CP năm 2016 hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi
– Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định 73/2016/NĐ-CP