Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch? Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch?
1. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Sở giao dịch hàng hóa là chủ thể trung tâm của hoạt động mua bán hàng hóa tương lai, có bản chất chung là một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế độc lập. Trong hoạt động thương mại, hàng hóa là đối tượng của giao dịch mua bán có thể là hàng hóa do người bán chế tạo hoặc sẽ mua sau khi thiết lập giao dịch mua bán hàng hóa (hàng hóa tương lai). Loại giao dịch mua bán hàng hóa mà người bán sẽ sản xuất hoặc mua bán hàng hóa sau khi quan hệ mua bán đã được thiết lập được gọi là quan hệ mua bán hàng hóa tương lai. Theo đó hàng hóa được mua bán theo các hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai hay còn gọi là hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch.
Xuất phát từ đối tượng của hợp đồng là hàng hóa tương lai nên hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch có bản chất của hợp đồng mua bán nói chung nhưng được quy định chặt chẽ hơn với các điều khoản bắt buộc về điều kiện giao sau và biện pháp đảm bảo. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch theo Luật thương mại chỉ là một bộ phận của hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai theo ý nghĩa đầy đủ của khái niệm pháp lý này. Chẳng hạn, hợp đầu giao sau về nông sản (như cà phê, cao su thành phẩm…) được xem là hợp đồng mua bán trong thương mại, nhưng những hợp đồng mua bán về lãi suất, chứng khoán… thì không áp dụng các quy định về mua bán hàng hóa trong Luật thương mại.
Phù hợp với tính chất đối tượng của hợp đồng mua bán quá sở giao dịch là hàng hóa tương lai, Luật thương mại quy định hai loại hợp đồng mua bán hàng hóa quá sở giao dịch là: hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hóa tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng. Giá cả hàng hóa cũng cũng là giá giao sau, có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá tại thời điểm giao kết hợp đồng. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó. Trong loại hợp đồng này các bên có thể không nhằm mục đích trao đổi hàng hóa mà thực chất chỉ nhằm luân chuyển vốn, hạn chế rủi ro dựa trên giá cả hàng hóa trong tương lai. Ví dụ: Ngày 16/9/2009, công ty T ký hợp đồng quyền chọn mua cà phê với công ty C, giá thực hiện 40.000đ/kg. Nếu vào ngày đáo hạn 31/10/2009, giá cà phê là 45.000đ, thì người mua quyền thực hiện quyền và mua 1kg cà phê với giá 40.000đ. Nếu không có quyền chọn mua sẽ phải mua trên thị trường với giá 45.000đ. Khoản lợi thu được là 5.000đ/kg.
2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Về bản chất, hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Ngoài những đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung như : hợp đồng được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được phép lưu thông…, hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai còn có những đặc điểm sau:
Một, hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch là hợp đồng song vụ, cả hai bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai mà mình đã cam kết. Trong hợp đồng kỳ hạn, bên bán có nghĩa vụ giao số lượng hàng xác định cho bên mua và có quyền nhận tiền vào một thời điểm trong tương lai với giá thỏa thuận trước. Bên mua phải thanh toán tiền như đã thỏa thuận trong hợp đồng và có quyền nhận hàng cũng vào một thời điểm trong tương lai. Ví dụ: B muốn mua một căn nhà, A muốn bán căn nhà trị giá 2 tỷ mình sở hữu. Hai người ký một hợp đồng kỳ hạn với giá mua bán căn nhà là 2.5 tỷ trong vòng 1 năm. 1 năm sau, giá thị trường của căn nhà là 3 tỷ. Khi đó A cũng buộc phải bán căn nhà cho B với giá 2.5 tỷ. B có trách nhiệm trả cho A 2.5 tỷ đúng thời điểm đã ghi trong hợp đồng. Trong hợp đồng quyền chọn, bên mua quyền được mua hoặc quyền được bán hàng hóa có nghĩ vụ trả một khoản tiền nhất định và có quyền chọn mua hoặc chọn bán hàng hóa tại thời điểm trong tương lại theo thỏa thuận, bên bán có quyền nhận tiền và phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với bên mua.
Hai, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch là các hàng hóa chưa hiện hữu khi các bên giao kết hợp đồng (hàng hóa tương lai). Hàng hóa mua bán qua sở giao dịch thường là nhưng lại hàng hóa có lượng cung cầu lớn và thường xuyên biến động. Theo Luật thương mại (Điều 68), danh mục hàng hóa tương lai được mua bán qua sở giao dịch do bộ trưởng Bộ thương mại quy định.Ví dụ: Danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa đã được Bộ Công Thương xây dựng tại
Ba, hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai được giao kết và thực hiện thông qua sở giao dịch hàng hóa. Mua bán hành hóa thông qua Sở giao dịch giúp các nhà đầu tư có điều kiện dễ dàng và thuận lợi để lựa chọn đối tác của mình. Cơ chế giám sát trong sở giao dịch hàng hóa đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện hiệu quả. Tại sở giao dịch còn có thể có nhiều chủ thể làm trung gian cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa tương lai như phòng thanh toán bù trừ, người môi giới bán hàng hóa. Nếu nhà đầu tư thực hiện thanh toán bù trừ thì phòng thanh toán bù trừ sẽ cân đối bù trừ vào tài khoản của các nhà đầu tư, còn trong trường hợp các bên thi hành hợp đồng thì phòng thanh toán sẽ là cầu nối, yêu cầu các bên giao nhận hàng tại kho hoặc nơi do sở giao dịch quy định.