Hiện nay nhu cầu du lịch quốc tế tăng cao thì bên cạnh đó những " Hợp đồng du lịch quốc tế" được xác lập để đảm bảo cho các bên những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định. Hợp đồng du lịch quốc tế là gì? Nội dung cơ bản và những điểm cần lưu ý? Ý nghĩa của du lịch quốc tế?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hợp đồng du lịch quốc tế là gì?
- 2 2. Nội dung cơ bản và những điểm cần lưu ý:
- 3 3. Một số điểm cần lưu ý khi kí các hợp đồng du lịch quốc tế:
- 4 4. Ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế:
1. Hợp đồng du lịch quốc tế là gì?
Hợp đồng du lịch quốc tế tạm dịch trong tiếng Anh là “International Tourism Contract”.
Hợp đồng du lịch quốc tế về bản chất là một dạng đặc biệt của hợp đồng kinh tế quốc tế và dưới góc độ luật pháp, hợp đồng du lịch quốc tế là một thỏa hiệp kí kết giao kèo giữa những đối tác cụ thể bình đẳng về pháp luật của các quốc gia khác nhau về việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các mối quan hệ quốc tế trong việc trao đổi khách du lịch hoặc cung ứng những dịch vụ du lịch với một khối lượng nhất định, ở những điều kiện tài chính và loại tiền tệ nhất định và với một thời hạn nhất định.
2. Nội dung cơ bản và những điểm cần lưu ý:
Nội dung của các hợp đồng du lịch quốc tế gồm những thành phần khác nhau, thông thường bao gồm:
– Đối tượng của hợp đồng
– Giá cả
– Những điều kiện về bảo hiểm y tế
– Những điều kiện về khiếu nại và giải quyết những khiếu nại
– Những điều kiện về xử phạt khi không thực hiện các cam kết
– V.v…
3. Một số điểm cần lưu ý khi kí các hợp đồng du lịch quốc tế:
Khi kí kết các hợp đồng du lịch quốc tế, các bên đối tác cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một đặc điểm nổi bật trong các hợp đồng du lịch quốc tế là sự không chắc chắn, cụ thể là sự không đảm bảo trong việc thực hiện các hợp đồng.
Cho nên hai bên đối tác xác định các điều kiện của hợp đồng sau khi đã có những cuộc trao đổi bàn bạc kĩ lưỡng trên quan điểm những giao kèo và thoả hiệp.
– Hầu hết khi kí hợp đồng hai bên đối tác là các doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là luôn có sự ngự trị của việc tự do phát triển (lũng đoạn) các lợi ích tư hữu dẫn đến khó quản lí.
– Do tính thời vụ của hoạt động kinh doanh du lịch cho nên thời hạn của các hợp đồng du lịch quốc tế thường ngắn hạn và thường phải thảo luận lại hàng năm, theo phương thức và các điều kiện khác nhau so với những thời kì trước.
– Trong điều kiện hệ thống tiền tệ thế giới thả nổi như hiện nay, luôn tạo ra những diễn biến phức tạp, nhiều khi là đối lập nhau khiến các đối tác khi kí kết hợp đồng du lịch quốc tế cần quan tâm đến việc thoả thuận những điều kiện khác nhau trong hợp đồng sao cho đảm bảo lợi ích của cả người mua và những người bán các dịch vụ và hàng hoá du lịch.
4. Ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế:
4.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế:
4.1.1. Tăng GDP cho đất nước:
Du lịch quốc tế phát triển sẽ góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ, theo đó làm tăng GDP của nền kinh tế quốc dân và theo đó ta thấy ở đâu du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch quốc tế thì ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống của nhân dân được nâng cao. Bên cạnh đó hoạt động du lịch quốc tế còn tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài.
4.1.2. Đem lại ngoại tệ cho đất nước:
Khách du lịch quốc tế mang theo tiền kiếm được từ quốc gia cư trú đến tiêu ở nước đến du lịch, trong chừng mực nào đó được coi là xuất khẩu của nước đến du lịch, do đó giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia và theo đó nếu du lịch quốc tế được duy trì một cách thường xuyên và phù hợp thì nó có thể được coi như một tác nhân giữ ổn định nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu với các nước đang phát triển như Việt Nam cần du khách quốc tế đến đất nước đông hơn số công dân nước mình đi du lịch ra nước ngoài. Đây là lợi thế nhằm cải thiện cán cân thương mại do công dân trong nước có thu nhập thấp ít có điều kiện đi du lịch ra nước ngoài.
4.1.3. Là một hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao:
Tính hiệu quả cao trong kinh doanh du lịch đặc biệt là kinh doanh du lịch quốc tế thể hiện ở chỗ du lịch quốc tế là một ngành xuất khẩu tại chỗ và với những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản theo giá bán lẻ cao hơn giá xuất khẩu cụ thể nếu như bán qua xuất khẩu sẽ theo giá bán buôn.
Thông thường, khách quốc tế khi đi ra nước ngoài du lịch, họ đều muốn mua những sản phẩm địa phương tại nước sở tại để mang về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc để lưu giữ lại kỷ niệm của những vùng đất mà họ đã từng đặt chân đến. Theo đó nên với các hàng hóa mà được trao đổi thông qua con đường du lịch quốc tế sẽ được xuất khẩu mà không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế.
Du lịch quốc tế không chỉ là ngành xuất khẩu tại chỗ, mà còn là ngành xuất khẩu vô hình hàng hóa du lịch và đó là các cảnh quan thiên nhiên khí hậu và ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới, những giá trị của những di tích lịch sử văn hóa, tính độc đáo trong truyền thống phong tục, tập quán mà không bị mất đi qua mỗi lần bán mà thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như chất lượng phục vụ du lịch cao. Sở dĩ có hiện tượng đó là do chúng ta bán cho khách không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị các khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch được chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Khách du lịch quốc tế khi về lại nước mình sẽ quảng bá thêm cho nước mà khách đến du lịch qua con đường truyền miệng nếu chất lượng phục vụ du lịch mang lại sự hài lòng cho du khách.
4.1.4. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hoạt động ngoại thương:
Quy luật có tính phổ biến của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay là giá trị ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng sản phẩm xã hội và trong số người có việc làm và theo đó nên với các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác.
Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn lại nhanh, kỹ thuật không phức tạp và theo đó du lịch quốc tế lại là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể trong tổng doanh thu mà ngành du lịch mang lại, vậy nên việc thu hút khách du lịch quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng và đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động du lịch phát triển sẽ kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế và thông qua hoạt động du lịch quốc tế mà các giao dịch thương mại cũng như việc gặp gỡ, trao đổi thông tin, công nghệ giữa các quốc gia được đẩy mạnh. Điều này góp phần xúc tiến hoạt động ngoại thương và đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia.
4.2. Ý nghĩa về mặt xã hội:
4.2.1. Tạo ra cơ hội việc làm:
Vấn đề việc làm là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm của các quốc gia và thu hút khách du lịch quốc tế giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân, cụ thể là tạo ra công việc trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, điều hành, khoa học, thông tin, bán hàng và marketing. Bên cạnh đó thì phần lớn cơ hội việc làm ở phạm vi điều hành và tác nghiệp.
4.2.3. Giảm quá trình đô thị hóa:
Các tài nguyên du lịch thường có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những nơi xa xôi, hẻo lánh hay các khu vực ven biển và với việc khai thác để đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải có đầu tư mọi mặt như giao thông, bưu điện, kinh tế, văn hóa, xã hội và như vậy, việc phát triển du lịch quốc tế sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội ở các vùng đó, và cũng vì vậy mà góp phần dịch chuyển bớt lượng dân cư tập trung ở các trung tâm đô thị đến các vùng có hoạt du lịch phát triển.
4.3. Ý nghĩa về mặt văn hóa – chính trị:
4.3.1. Mở rộng giao lưu văn hóa:
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, hoạt động du lịch phát triển, khách du lịch quốc tế đến tham quan nhiều sẽ kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền và giữa các nước. Khi khách du lịch quốc tế đến tham quan một đất nước, họ sẽ được tiếp xúc với những người dân địa phương, được tìm hiểu và giao lưu văn hóa; ngược lại, họ cũng có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của họ khi họ đi du lịch ở các quốc gia khác.
4.3.2. Nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người:
Hoạt động du lịch quốc tế góp phần tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống; truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch quốc tế là quá trình đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các quốc gia và khu vực và qua con đường du lịch quốc tế, các quốc gia khác nhau có thể trao đổi những kinh nghiệm, chính sách trong hệ thống giáo dục cũng như học tập những tinh hoa của dân tộc khác trong việc nâng cao tầm hiểu biết cho người dân, nâng cao trình độ dân trí, từng bước cải thiện nguồn nhân lực quốc gia.
4.3.3. Phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền của dân tộc:
Khách du lịch quốc tế khi đến thăm một đất nước khác rất thích mua quà lưu niệm. Đó là các sản phẩm mang đậm tính văn hóa và đặc trưng của khu vực vùng miền ấy như các sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền và với khách du lịch văn hóa ngày một đông, họ thường đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, việc tôn tạo và bảo dưỡng các di tích đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền dân tộc phục vụ cho các mục đích có điều kiện phục hồi và phát triển hơn.
4.3.4. Đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội:
Quá trình phát triển du lịch quốc tế không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh tế, xã hội mà còn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại và từ các chủ trương đến các công việc điều hành cụ thể hoạt động du lịch quốc tế đều liên quan đến an ninh, quốc phòng và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền. Phát triển du lịch quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có cơ hội hiểu nhau, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, góp phần duy trì sự ổn định chính trị và hòa bình trong khu vực và trên thế giới.