Hợp đồng bảo hiểm không phải là thuật ngữ khó khăn liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ, mà ẩn sâu trong đó là vai trò đồng hành thông qua những thăng trầm để tiếp tục thực hiện động lực của người tham gia bảo hiểm trong tương lai. Vậy hợp đồng bảo hiểm đã hủy có được khôi phục lại hiệu lực hay không?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng bảo hiểm đã hủy có được khôi phục lại hiệu lực không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận của các bên, trong đó có bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm sẽ phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải chi trả các khoản tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trên thực tế phù hợp với sự thỏa thuận của các bên. Các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm thì sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 385 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng. Theo đó, hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia giao dịch dân sự. Về vấn đề chấm dứt hợp đồng, căn cứ theo quy định tại Điều 422 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng như sau:
– Hợp đồng đã được hoàn thành trên thực tế;
– Theo sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng;
– Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng không còn tồn tại tuy nhiên hợp đồng đó phải do chính cá nhân và pháp nhân đó thực hiện;
– Hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện trên thực tế;
– Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng đó không còn;
– Một số trường hợp khác do pháp luật có quy định.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 35 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định, trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một lần hoặc bên mua bảo hiểm đóng một số lần phí bảo hiểm, tuy nhiên không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo phù hợp với sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, thì sao còn thời hạn sáu mươi ngày được tính kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ không có quyền đòi lại chi phí bảo hiểm đã đóng trước đó nếu thời gian đó đóng phí bảo hiểm được xác định là dưới 02 năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể thỏa thuận khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã đơn phương đình chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật trong khoảng thời hạn 02 năm, kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng đầy đủ số phí bảo hiểm còn thiếu.
Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hiện nay chỉ quy định về việc các bên có thể thỏa thuận khôi phục lại hiệu lực hợp đồng bảo hiểm khi đã bị doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ hợp đồng, lý do xuất phát từ việc bên mua bảo hiểm không thể đóng phí bảo hiểm khi đến hạn trong thời hạn đã gia hạn đóng phí, pháp luật không quy định về việc khôi phục hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về dân sự, hợp đồng được xem là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự trên thực tế. Hợp đồng chấm dứt hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên hoặc trong trường hợp bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc một số các trường hợp khác theo như phân tích nêu trên. Vì vậy có thể nói, việc hủy bỏ hoặc khôi phục lại hiệu lực hợp đồng cần căn cứ theo sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan để thực hiện.
Đối với câu hỏi: Hợp đồng bảo hiểm đã hủy có được khôi phục lại hiệu lực hay không? Câu trả lời là có, việc khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã hủy sẽ được thực hiện theo điều khoản của hợp đồng và theo sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế.
2. Cách khôi phục lại hiệu lực hợp đồng bảo hiểm:
Khách hàng khi cần yêu cầu khôi phục lại hiệu lực hợp đồng bảo hiểm thì cần phải gửi thông tin đến các doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng cần phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo sự thỏa thuận của các bên. Trong khoảng thời hạn 02 năm được tính kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực, bên mua bảo hiểm hoàn toàn có quyền yêu cầu khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm với điều kiện như sau:
– Thanh toán toàn bộ các khoản phí quá hạn được tính đến nay doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận đề nghị khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm;
– Thanh toán các khoản nợ và các khoản lãi được tính dựa theo mức lãi suất do các doanh nghiệp bảo hiểm quy định và công bố;
– Cung cấp các loại bằng chứng, chứng cứ chứng minh về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm, đáp ứng đầy đủ điều kiện có thể được bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm;
– Thời điểm khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm chưa đến ngày đáo hạn hợp đồng bảo hiểm đó;
– Người được bảo hiểm phải còn sống vào thời điểm các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận yêu cầu đề nghị khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.
Nếu như phí bảo hiểm không được thanh toán trong khoảng thời gian gia hạn theo sự thỏa thuận của các bên và hết hiệu lực, người được bảo hiểm sẽ không còn được bảo hiểm trên thực tế nữa và sẽ không đáp ứng đầy đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản lợi nào từ các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên nếu hợp đồng bảo hiểm được khôi phục hiệu lực thì những lợi ích đó vẫn sẽ được các bên tiếp tục thực hiện trên thực tế. Bên mua bảo hiểm cần đọc kỹ và đọc đầy đủ các tiêu chí khôi phục hợp đồng bảo hiểm khi đã hết hiệu lực hoặc khi hủy bỏ trong quá trình ký kết hợp đồng, ngay lập tức liên hệ với công ty bảo hiểm khi có nhu cầu khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã hủy. Để khôi phục, chủ hợp đồng sẽ cần phải ký vào biểu mẫu, chứng minh về khả năng tiếp tục được bảo hiểm, cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của các bên.
3. Những trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về vấn đề đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm sẽ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp sau đây:
– Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không đóng đầy đủ phí bảo hiểm theo thời hạn mà các bên đã thỏa thuận hoặc sau thời hạn gia hạn đóng phí bảo hiểm;
– Doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về vấn đề thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
– Người được bảo hiểm không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng được bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
– Bên mua bảo hiểm không đồng ý thực hiện nghĩa vụ chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 92 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.