Hình thức của hợp đồng theo quy định sẽ có hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng bằng miệng. Có phải hợp đồng bằng văn bản sẽ có giá trị hơn hợp đồng miệng? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng bằng văn bản sẽ có giá trị hơn hợp đồng miệng?
Căn cứ điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền cũng như nghĩa vụ dân sự. Một hợp đồng được coi là có hiệu lực nếu như đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Hợp đồng bằng văn bản hay hợp đồng miệng chính là hình thức của một hợp đồng. Việc xác định giá trị pháp lý của một hợp đồng sẽ tùy từng trường hợp trên cơ sở quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, giao dịch dân sự chính là hợp đồng hoặc một hành vi pháp lý đơn phương.
Như vậy, sẽ có trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản hoặc hợp đồng không bắt buộc lập thành văn bản (chỉ cần bằng miệng) là đã có giá trị pháp lý.
Ví dụ: có những giao dịch như mua bán đồ dùng sinh hoạt hàng ngày không cần phải lập văn bản. Chính thỏa thuận mua bán bằng miệng giữa người mua và người bán hàng đã có hiệu lực giữa các bên.
Có những giao dịch bắt buộc phải lập hợp đồng thành văn theo quy định như:
–
– Hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất. Căn cứ luật đất đai 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
-….
Như vậy, tùy từng loại giao dịch mà lập hợp đồng bằng văn bản hoặc không chỉ giao kết bằng miệng. Các loại hợp đồng đó đều có giá trị pháp lý như nhau theo quy định. Nhưng thực tế, việc giao kết hợp đồng bằng văn bản sẽ chắc chắn hơn và an toàn hơn cho các bên chủ thể giao dịch bởi người ta thường nói “lời nói gió bay”, khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng bằng văn bản sẽ tốt hơn vì có ghi nhận rõ ràng mọi thỏa thuận của các bên. Còn nếu như chỉ giao kết bằng miệng, không có ai làm chứng khi xảy ra tranh chấp rất có có bằng chứng chứng minh cho việc mình đã nói.
2. Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng:
(1) Điều kiện về chủ thể:
– Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải đáp ứng đủ năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự được hiểu là khả năng của mỗi cá nhân bằng hành vi tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Khi tham gia giao kết hợp đồng, cá nhân sẽ phải ý thức hành vi của mình, phải tự chịu trách nhiệm khi thực hiện giao kết hợp đồng.
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện:
Yếu tố tự nguyện ở đây được hiểu là việc ký kết hợp đồng dựa trên tinh thần tự do ý chí, không có sự ép buộc, đe dọa, cưỡng ép từ bất cứ bên nào. Thực tế, nếu không có nguyên tắc tự nguyện thì sẽ không có sự thiện chí, từ đó dẫn đến việc hợp tác dễ bị đổ vỡ hoặc không thể đảm bảo được quyền lợi của các bên.
(2) Nội dung và mục đích của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, không được trái đạo đức xã hội:
Về nguyên tắc, hợp đồng phải được giao kết trên cơ sở quy định của pháp luật đặt ra, không được trái với các quy định của luật. Đồng thời, không được trái với đạo đức xã hội.
Nếu như nội dung của hợp đồng ký kết trái với quy định pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
(3) Về mặt hình thức của hợp đồng: đây sẽ là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật quy định.
3. Hợp đồng vô hiệu khi nào?
Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các trường hợp hợp đồng sẽ bị vô hiệu, trong đó gồm:
– Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: trong đó, điều cấm của luật được hiểu là những quy định của pháp luật không cho phép các chủ thể trong hợp đồng được thực hiện. Còn đạo đức xã hội được hiểu là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
– Vô hiệu do giả tạo: trường hợp này hiểu là các bên ký kết một hợp đồng khác với mục đích giả tạo nhằm che giấu đi hợp đồng thực tế các bên đã ký kết (gọi là hợp đồng bị giả tạo). Khi đó, hợp đồng dân sự giả tạo sẽ bị vô hiệu, còn hợp đồng dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực.
– Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; ngoại trừ một số giao dịch sau không bị vô hiệu:
+ Hợp đồng dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó.
+ Hợp đồng dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
+ Hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ.
– Vô hiệu do bị nhầm lẫn: Tức là các bên giao kết hợp đồng có sự nhầm lẫn dẫn đến việc khiến cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch.
– Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép: một trong các bên khi tham gia giao dịch bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, việc ký hợp đồng không phải trên tinh thần tự nguyện.
– Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình: Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
– Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:
+ Với trường hợp các giao dịch luật quy định phải lập thành văn bản nhưng các bên không lập.
+ Với trường hợp các giao dịch luật quy định phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực nhưng các bên không thực hiện công chứng, chứng thực.
– Vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được:
+ Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu ngay từ khi giao kết.
+ Hoặc trong khi giao kết hợp đồng, có một trong các bên biết đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên còn lại được biết. Khi đó, bên biết mà không thông báo sẽ chịu bồi thường thiệt hại cho bên còn lại.
Căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hậu quả pháp luật của hợp đồng vô hiệu là:
– Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập;
– Các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Lưu ý nếu như một trong các bên không thể hoàn trả bằng hiện vật được thì sẽ hoàn trả bằng tiền với giá trị tương ứng.
– Bên ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức trong việc thu hoa lợi, lợi tức;
– Bên có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự năm 2015;