Tham gia nghĩa vụ quân sự là quyền và trách nhiệm của công dân khi đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Vậy trúng tuyển trường công an được tạm hoãn nhập ngũ không?
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ tham gia nhập ngũ của công dân:
Điều 4 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về việc tham gia nghĩa vụ quân của người dân như sau:
+ Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
+ Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực thì mới được công nhận là đã hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự.
+ Công dân phải hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị cũng được xem là một trong những đối tượng được công nhận là đã hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự.
+ Các đối tượng thuộc diện sau cũng được công nhận đã hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nhà nước: Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Như vậy, tham gia nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ cao cả mà công dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật phải đảm bảo thực hiện. Khi thuộc một trong các đối tượng tham gia nhập ngũ theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015, người dân phải tuân thủ thực hiện.
2. Trúng tuyển trường công an được tạm hoãn nhập ngũ không?
Các trường hợp được tạm hoãn nhập ngũ được quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
+ Công dân chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;
+ Cá nhân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Tức cá nhân là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng thân nhân không có khả năng lao động. Nếu họ tham gia nghĩa vụ quân sự, sẽ không còn ai chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng kia.
+ Công dân là con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% cũng thuộc diện được hoãn đi nghĩa vụ quân sự. Quy định về việc hoãn đi nghĩa vụ quân sự đối với đối tượng này thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, lòng biết ơn đối với những bệnh binh, người có công với Cách mạng.
+ Công dân thuộc diện có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sẽ được hoãn đi nghĩa vụ quân sự.
+ Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật là các chủ thể thuộc diện được hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự.
+ Đối với các cá nhân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo sẽ được tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Trên đây là các đối tượng được tạm hoãn đi nhập ngũ theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 này, các cá nhân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo sẽ được tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi trúng tuyển trường công an có được tạm hoãn nhập ngũ hay không, thì ta phải xét trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Giấy trúng tuyển về cùng lúc hoặc sau lệnh thông báo nhập ngũ, thì công dân phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
+ Trường hợp 2: Nếu nhận thông báo trúng tuyển, và công dân đã đăng ký nhập học, thì được hoãn tham gia nhập ngũ.
3. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân bị xử lý như thế nào?
Hiện nay, vẫn có rất nhiều trường hợp người dân trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có thể thấy, hành vi trốn thi hành nghĩa vụ quân sự là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc; ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ chủ quyền quê hương, cũng như hoạt động an ninh chính trị chung. Do đó, khi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 4
– Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu của công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị phạt cảnh cáo. Hình thức phạt cảnh cáo này thực chất là một hình thức răn đe, để các cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, không có hành vi trốn tránh cho lần sau. Tức biện pháp cảnh cáo này nhằm giúp công dân ý thức được việc trốn tránh tham gia nghĩa vụ quân sự của mình là trái với quy định của pháp luật, để lần sau không tái diễn.
– Cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Công dân không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu
+ Công dân không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;
+ Công dân không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định; không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP, các chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi trốn tránh tham gia nghĩa vụ quân sự. Mức xử phạt hành chính được áp dụng ở đây là dành cho các cá nhân “trốn tránh” ở mức độ nhẹ, chưa gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Theo quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự 2015, các chủ thể trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý hình sự như sau:
+ Đối với những công dân không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
+ Người nào có hành vi: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Trên đây là quy định xử phạt, xử lý mà cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra đối với hành vi trốn nghĩa vụ quân sự. Có thể thấy, theo quy định tại Điều luật này, trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong các tình huống đặc biệt, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Đây cũng được xem là hình phạt nặng nhất dành cho công dân khi trốn tránh tham gia nghĩa vụ quân sự. Mức xử phạt này mang tính xử lý, răn đe các đối tượng vi phạm, đồng thời làm gương cho các đối tượng không vi phạm trách nhiệm chung này.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật nghĩa vụ quân sự 2015;
Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.