Bệnh viện với vai trò khám chữa bệnh cho những người bệnh, tạo các điều kiện khám chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh. Trong quá trình thăm khám bệnh, do sự phức tạp cần đến ý kiến của các chuyên gia chuyên môn đưa ra ý kiến. Cùng tìm hiểu khái niệm, chức năng nhiệm vụ hội đồng chuyên môn bệnh viện.
Mục lục bài viết
1. Hội đồng chuyên môn là gì?
Bệnh viện được hiểu là một tổ chức chăm sóc sức khỏe cung cấp điều trị bệnh nhân với các nhân viên y tế và điều dưỡng chuyên ngành và thiết bị y tế.
Vai trò của bệnh viện là thực hiện việc các trách nhiệm sau:
+ Khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân: Theo đó bệnh viện là nơi tiếp nhận mọi người bệnh đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo các chế độ chính sách Nhà nước quy định, bệnh viện phải đảm bảo các cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện khám chữa bệnh tốt nhất có thể cho bệnh nhân. Ngoài ra bệnh viện còn tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước.
+ Thực hiện việc đào tạo cán bộ: Bệnh viện là cơ sở khám chữa bệnh do đó là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế tốt nhất. Các thành viên trong bệnh viện kể cả bác sỹ, y tá hay các chức vụ khác đều phải mẫu mực trong thực hiện quy chế bệnh viện và quy định kỹ thuật bệnh viện.
+ Trách nhiệm nghiên cứu khoa học: Bệnh viện là nơi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh do đây là cơ sở khám chữa bệnh, là nơi ứng dụng thực tế được những khoa học, kỹ thuật.
+ Thực hiện việc chỉ đạo tuyến, theo quy định thì hệ thống các bệnh viện được tổ chức theo tuyến kỹ thuật, theo nguyên tắc thì tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật cho tuyến dưới.
+ Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh song với khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh là nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện.
+ Nhà nước quy định bệnh viện thực hiện việc hợp tác quốc tế theo đúng các quy định của Nhà nước.
+ Quản lý kinh tế trong bệnh viện: Bệnh viện sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện từng bước tổ chức thực hiện việc hạch toán chi phí về khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện.
Theo quy định Tại Điều 101 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, việc thành lập hội đồng chuyên môn được quy định cụ thể như sau:
– Khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện của người bệnh hoặc của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
– Hội đồng chuyên môn bao gồm: Chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; Chuyên gia thuộc các chuyên khoa, chuyên ngành khác có liên quan đến tai biến y khoa.
2. Thành lập hội đồng chuyên môn:
– Hội đồng chuyên môn được thành lập trong các trường hợp:
+ Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tự thành lập được Hội đồng chuyên môn thì phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập;
+ Hội đồng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập trong trường hợp có đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản này hoặc có đề nghị bằng văn bản của bên tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập;
+ Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập trong trường hợp có đề nghị bằng văn bản của bên tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập.
– Hội đồng chuyên môn hoạt động theo các nguyên tắc:
+ Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình;
+ Kết luận của Hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp khi xảy ra tai biến y khoa và là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề;
+ Kết luận của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
3. Chức năng nhiệm vụ hội đồng chuyên môn bệnh viện:
Theo Điều 101 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì thành phần, nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ của hội đồng chuyên môn được quy định cụ thể và chi tiết.
Theo quy định tại Điều này thì thành phần của hội đồng chuyên môn bao gồm: Các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; Các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh; luật gia hoặc luật sư. Chỉ những người có chuyên môn, đủ điều kiện mới được tham gia hội đồng chuyên môn của bệnh viện.
– Nguyên tắc hoạt động của hội đồng chuyên môn: Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình. Do đó, các quyết định mà hội đồng chuyên môn này đưa ra phải chính xác và đúng chuyên môn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan, giải quyết tranh chấp có hiệu quả.
– Hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định tại Luật khám chữa bệnh để thực hiện trách nhiệm xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Theo đó:
Sai phạm chuyên môn kỹ thuật được hiểu là vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; có các vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; người điều trị có các hành vi xâm phạm quyền của người bệnh.
Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người hành nghề đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh. Đây có thể coi là trường hợp không thể làm trái, người hành nghề đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể ngăn cản tai biến xảy ra.
+ Trong trường hợp có người bệnh cần tiến hành cấp cứu nhưng do bệnh viện thiếu phương tiện, thiếu các thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật dẫn đến hậu quả không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh. Trường hợp này người hành nghề được xác định là không có sai sót.
– Theo nguyên tắc giải quyết về tranh chấp, khi hội đồng chuyên môn được lập ra thì kết luận của hội đồng chuyên môn sẽ được dùng làm cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc.
Đồng thời kết luận của hội đồng chuyên môn sẽ được sẽ được xem căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.
– Kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập do trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định, các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn sẽ là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, trong trường hợp có tranh chấp phát sinh do có liên quan đến kỹ thuật liên quan xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Hội đồng chuyên môn được thành lập đủ các thành viên và đúng thẩm quyền, thành viên hội đồng chuyên môn phải tiến hành đưa ra ý kiến đúng chuyên môn, đúng thẩm quyền để xác định được sai sót chuyên môn kỹ thuật chính xác, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023