Tôi là một nhân viên chở hàng của một cửa hàng điện tử. Trong một lần vận chuyển, tôi vô tình làm rơi mất hóa đơn liên 2 giao cho khách hàng. Giờ tôi phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là một nhân viên chở hàng của một cửa hàng điện tử. Trong một lần vận chuyển, tôi vô tình làm rơi mất hóa đơn liên 2 giao cho khách hàng. Khách hàng tới cửa hàng tôi đòi kiện lại. Trường hợp này tôi phải làm sao? Mong luật sư giải đáp thắc mắc giúp tôi.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo khoản 2 Điều 22 Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 Về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: “Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: bên thứ ba là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hoá đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp người bán làm mất hoá đơn thì người bán phải tiến hành các thủ tục sau:
– Lập báo cáo về việc mất hoá đơn gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày mất hoá đơn. Hồ sơ bao gồm:
+ Công văn, đơn của tổ chức, cá nhân về việc làm mất hoá đơn.
+ Biên bản mất hoá đơn mua hàng.
+ Bản sao hoá đơn mua hàng (liên 1) có xác nhận ký tên, đóng dấu (nếu có) của bên bán hàng.
– Đóng phạt cho cơ quan thuế:
Trước ngày 9/11/2013:
+ Nếu bên bán báo cáo với cơ quan thuế trước 05 ngày thì mức phạt từ: 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 185/2004/NĐ-CP
+ Nếu bên bán báo cáo với cơ quan thuế quá 05 ngày thì mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định tại Điều 33 Nghị định 51/2010/NĐ-CP
Sau ngày 9/11/2013, cơ quan thuế không quy định thời hạn khai báo. Mức phạt đối với việc mất hóa đơn liên 2 được quy định tại điểm a khoản 4 điều 38 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Đồng thời gửi bộ hồ sơ trên cho bên mua hàng. Bên mua có thể sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu để chứng từ kế toán và kê khai thuế
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Lê Ngọc Linh