Tôi cho B vay 23 triệu đồng. Để chắc chắn tôi đề nghị B viết giấy bán xe máy của B cho tôi, giấy tờ xe tôi giữ nhưng xe B sử dụng. Nay tôi muốn đòi tiền nhưng B không có ý định trả.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có cho anh B vay số tiền trị giá 23 triệu đồng. Để chắc chắn tôi đề nghị anh B viết giấy bán xe máy của anh B cho tôi. Tôi cầm giấy tờ bán xe do anh B viết và toàn bộ giấy tờ xe của anh B nhưng xe thì anh B vẫn sử dụng. Nay tôi muốn đòi số tiền cho vay nhưng anh B không có ý định trả, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời, lên nhà tìm thì anh B và vợ con đã trốn về quê. Nay tôi muốn hỏi xin được tư vấn anh B như vậy tôi có thể lên phường trình báo công an anh B chiếm đoạt tài sản là chiếc xe bán cho tôi không? Xin các luật sư tư vấn về trường hợp này cho tôi sớm nhất. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về giao dịch bán xe máy của anh B cho bạn không phải là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Điều 318 Bộ Luật Dân Sự 2005. Bởi vì về hình thức đây là giao dịch mua bán tài sản chứ không phải các biện pháp cầm cố, thế chấp, hay đặt cọc…
Thứ hai, bạn muốn trình báo cơ quan công an về việc anh B đã chiếm giữ trái phép tài sản là chiếc xe máy của mình, thì phải căn cứ vào quy định của Điều 141, Bộ Luật Hình Sự 1999:
“Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để bạn có thể tố cáo về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của anh B đó là: bạn phải là chủ sở hữu của chiếc xe máy. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự quy định: “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.
Trong khi đó theo quy định tại Mục B Thông tư 06/2009/TT-BCA(C11) Quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc nhận xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe”. Với quy định pháp luật này thì cho tới thời điểm hiện tại, bạn mới chỉ có văn bản mua bán xe máy với anh B, mà chưa làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, vì vậy, bạn chỉ là “người mua” chứ chưa phải “chủ sở hữu” của chiếc xe máy. Do đó, bạn không thể đến cơ quan công an để khai báo về việc anh B đã chiếm giữ trái phép tài sản của mình.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp này, việc bạn cho anh B vay 23 triệu đồng là việc giữa hai bên xác lập giao dịch dân sự. Vì vậy, nếu đến thời hạn mà anh B cố tình không trả khoản tiền đó, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại tài sản đã cho vay theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.