Khái niệm đồng phạm là gì? Các loại người đồng phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Tội phạm có thể chỉ do một người thực hiện những cũng có thể do nhiều người cùng gây ra. trường hợp người cố ý cùng thực hiện tội phạm được gọi là tội phạm. Trong Luật Hình sự hiện hành thì đồng phạm được coi là hình thức phạm tội đặc biệt. Như vậy thì
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
1. Khái niệm đồng phạm là gì?
Một tội phạm cụ thể có thể do một người thực hiện, nhưng cũng có thể do nhiều người thực hiện. Khi tội phạm do nhiều người thực hiện có thể có đồng phạm, cũng có thể chỉ là trường hợp những người thực hiện tội phạm đã hành động trong sự độc lập hoàn toàn với nhau. Khi nào có đồng phạm, khi nào không có đồng phạm, vấn để phụ thuộc vào nhận thức, quan niệm về đồng phạm như thế nào trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định.
Cùng với sự phát triển của khoa học luật hình sự, khái niệm đồng phạm đã bất đầu xuất hiện trong các sách báo pháp lý, các báo cáo tổng kết của ngành Tòa án. Trong Báo cáo tổng kết công tác năm 1963 của Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra khái niệm cộng phạm: “Hai hoặc nhiều người cùng chung ý chí và hành động, nghĩa là hoặc tổ chức, hoặc xúi giục, hoặc giúp sức, hoặc trực tiếp cùng tham gia tội phạm đẻ cùng đạt tới kết quả phạm tội” hoặc trong giáo trình hình luật XHCN của Trường cao đẳng kiểm sát Hà Nội đã nêu ra khái niệm hoàn chỉnh hơn: “Hai hoặc nhiều người cùng cố ý tham gia thực hiện một tội phạm thì gọi là cộng phạm”.
Theo nội dung của khái niệm quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, đồng phạm đòi hỏi phải có những dấu hiệu phản ánh mối liên hệ về mặt khách quan và chủ quan giữa những người cùng tham gia thực hiện tội phạm: ” Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”
Những dấu hiệu về mặt khách quan
Về mặt khách quan, trước hết đồng phạm đời hỏi có hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm, tức là đều phải có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện một hành vi phạm tội cụ thể. Đây là vấn đề không có vướng mắc về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nhưng từ dấu hiệu trên và qua nghiên cứu thực tiễn xét xử có thể rút ra hai nhận xét sau đây:
Một là: Trong các vụ án có nhiều người tham gia thực hiện, nếu chi có một người thỏa mãn các điều kiện của chủ thể của tội phạm còn người khác hoặc những người khác không thỏa mãn các điều kiện của chủ thể thì vụ án đó không có đồng phạm. Trường hợp này được coi như trường hợp phạm tôi riêng lẻ.
Hai là: Trong các vụ án có nhiều người tham gia thực hiện, nếu có hai người trở lên thỏa mãn các điều kiện chủ thể của tội phạm và các dấu hiệu khác của đồng phạm, còn những người khác không thỏa mãn các dấu hiệu của chủ thể của tội phạm, thì vụ án đó vẫn được xác định là có đồng phạm. Người nào không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội phạm thì không được coi là người đồng phạm.
Dấu hiệu khách quan thứ hai của đồng phạm là cùng tham gia thực hiện tội phạm. Cùng tham gia thực hiện tội phạm có nghĩa là trong đồng phạm, mỗi người (có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm) phải có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc là hành vi trực tiếp thực hiện hoặc là hành vi tổ chức hoặc là hành vi xúi giục hoặc là hành vi giúp sức. Nếu trong vụ án có nhiều người tham gia, mà người nào không có một trong những loại hành vi này thì không thể coi người đó cùng thực hiện tội phạm với những người khác và tất nhiên không thể là người đồng phạm. Người đó, mặc dù thực hiện hành vi liên quan đến tội phạm nhưng không phải là hành vi cùng tham gia thực hiện nên không phải là hành vi đồng phạm mà chỉ có thể cấu thành những tội độc lập trong trường hợp luật định.
Những dấu hiệu về mặt chủ quan
Dấu hiệu chủ quan của đồng phạm là sự cùng cố ý của những người tham gia thực hiện một tội phạm. Thiếu dấu hiệu cùng có , thì mặc dù hành vi của những người phạm tội thỏa mãn dấu hiệu khách quan như đã trình bày ở trên, vẫn không có đồng phạm mà chỉ là hình thức nhiều người cùng phạm một tội. Sự cùng cố ý thể hiện sự liên kết thống nhất về mặt chủ quan giữa những người đồng phạm, đó chính là mối liên hệ, tác động tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau về mặt tâm lý giữa những người đồng phạm. Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đòi hỏi mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn nhận thức và mong muốn sự cố ý của những người đồng phạm khác.
Chế định đồng phạm nói chung và khái niệm đồng phạm nói riêng lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta có ý nghĩa về mặt lập pháp hết sức to lớn. Nó đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta. Trong chế định đồng phạm, khái niệm đồng phạm là khái niệm cơ bản, khái niệm xuất phát, để từ đó xác định các quy phạm khác của chế định đồng phạm về những loại người đồng phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm, tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm trong đồng phạm, các hình thức đồng phạm và trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.
2. Các loại người đồng phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định rất cụ thể các loại người đồng phạm được thể hiện như sau:
2.1. Đồng phạm thực hành
Theo quy định của pháp luật ta hiểu được đồng phạm thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi.
Ở hình thức đồng phạm này, mỗi người đồng phạm đều thực hiện hành vi khách quan được mô t trong cấu thành tội phạm của điều luật thuộc Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Dấu hiệu cơ bản để phân biệt đồng phạm giản dơn với đồng phạm có một người thực hành là mỗi người đồng thực hành có thể thực hiện một phần hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm, nhưng tổng hợp hành vi của những người đồng thực hành thỏa mãn dấu hiệu khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm thì tội phạm do những người đóng thực hành thực hiện vẫn được coi là tội phạm hoàn thành, đó là điều không có ở hình thức đồng phạm chỉ có một người thực hành. Đối với những tội phạm luật quy định chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt thì tất cả những người đồng thực hành phải có đủ các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Đồng phạm giản đơn còn có đặc điểm đặc trưng là thời gian, địa điểm phạm tội của những người đồng thực hành trùng hợp nhau. Khi định tội danh đối với hành vi của những người đóng phạm ở hình thức đồng phạm đồng thực hành, ta căn cứ vào điều luật quy định đồng phạm thuộc phần chung của Bộ luật Hình sự.
2.2. Người tổ chức
Khoản 3, Điều 17, bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:”Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.”
Theo như quy định trên thì người tổ chức bao gồm:
+ Người chủ mưu có thể trực tiếp điều khiển hoạt động của tổ chức là người đề xướng chủ trương, phương hướng hoạt động của nhóm đồng phạm.
+ Người cầm đầu là người thành lập nhóm đồng phạm hoặc tham gia vào những việc như: soạn thảo kế hoạch, phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn cũng như đôn đốc, điều khiển hoạt động của nhóm đồng phạm.
+ Người chỉ huy là người điều khiển trực tiếp của nhóm đồng phạm có vũ trang hoặc bán vũ trang.
Như vậy, trong mối quan hệ với những người đồng phạm khác thì người tổ chức là người giữ vai trò lập ra nhóm đồng phạm hoặc thực hiện điều khiển hoạt động của nhóm đó. Người thành lập là người thực hiện việc đề xướng việc thiết lập nhóm đồng phạm hay chỉ là người đã thực hiện việc đề xướng đó như rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào nhóm đồng phạm. Đồng thời, người thành lập sẽ thiết lập các mối liên hệ tổ chức giữa những người đồng phạm với nhau.
2.3. Người xúi giục
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 17, bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.”
Đặc điểm chung của người xúi giục là tác động đến tư tưởng hay ý chí của người khác và khiến người khác phạm tội. Người xúi giục có thể là người đã trực tiếp nghĩ ra việc phạm tội và thúc đẩy cho tội phạm đó được thực hiện thông qua người khác.
Tóm lại có thể gọi người xúi giục là ” người nắm giữ tinh thần” của tội phạm nhưng người xúi giục cũng có thể chỉ có tác động thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có. Người xúi giục cũng có thể trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm cùng những người đồng phạm khác nhưng cũng có thể không. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn khác nhau như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh,…
2.4. Người giúp sức
Người giúp sức là người tạo điểu kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 17 BLHS).
Theo như định nghĩa trên thì hiểu một cách đơn giản người giúp sức là người tạo điều kiện cho người thực hành để họ thực hiện hành vi phạm tội. Người giúp sức có thể giúp người thực hành thực hiện tội phạm những điều kiện như: điều kiện vật chất hoặc điều kiện tinh thần. Trong thực tế, khi giúp sức về vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại đối với việc thực hiện tội phạm… nhằm tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm được dễ dàng, thuận lợi hơn.