Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm Phán khi xét xử vụ án hành chính. Kháng cáo, Kháng nghị là gì? Ai có quyền kháng cáo, kháng nghị?
Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm Phán khi xét xử vụ án hành chính. Kháng cáo, Kháng nghị là gì? Ai có quyền kháng cáo, kháng nghị?
Tóm tắt câu hỏi:
xin chào luật sư.E xin có một số câu hỏi muốn luật sư tư vấn giúp ạ.e cảm ơn ạ! 1. Trong giai đoạn nào của tố tụng hành chính không áp dụng 2 nguyên tắc sau: -HTND ngang quyền với Thẩm Phán khi xét xử VAHC -HTND độc lập và chỉ tuân theo PL khi xét xử VAHC (phân tích và làm rõ) 2. Kháng cáo, Kháng nghị là gì? ai có quyền KC,KN? Thời hạn KC,KN là bao lâu?(theo luật tố tụng hành chính 2010) 3. Mọi quyết định hành mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức đều không phải là đối tượng xét xử của
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Trong giai đoạn nào của tố tụng hành chính không áp dụng hai nguyên tắc sau:
– Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm Phán khi xét xử vụ án hành chính
– Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử vụ án hành chính
Căn cứ pháp lý, Điều 13, Điều 14 Luật tố tụng hành chính năm 2010:
“Điều 13. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính
Việc xét xử vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Luật này. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.”
“Điều 14. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ.”
Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia, việc xét xử của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán cần được hiểu là khi xét xử bất kỳ một vụ án nào thuộc thẩm quyền của Toà án mà có Hội thẩm tham gia, thì Hội thẩm và Thẩm phán có quyền ngang nhau trong việc giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án, không phân biệt vấn đề đó là về mặt tố tụng hay về mặt nội dung
Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp. Nguyên tắc này được thể hiện ở các mặt sau đây:
– Thứ nhất là khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm không bị ràng buộc bởi kết luận của Viện kiểm sát, không bị chi phối bởi ý kiến của nhau. Thẩm phán, Hội thẩm phải chịu trách nhiệm đối với ý kiến của mình về từng vấn đề của vụ án.
– Thứ hai là Thẩm phán và Hội thẩm độc lập cũng có nghĩa là không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.
– Cần chú ý là sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật.
Hai nguyên tắc trên là nguyên tắc bắt buộc được áp dụng trong giai đoạn xét xử vụ án hành chính.
2. Kháng cáo, Kháng nghị là gì? Ai có quyền kháng cáo, kháng nghị? Thời hạn kháng cáo, kháng nghị là bao lâu? (Theo luật tố tụng hành chính năm 2010)
Thứ nhất, Kháng cáo là không chấp nhận bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, các chủ thể có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật gởi văn bản kháng cáo trong luật định để tòa xử lần thứ hai. Hoặc nếu ở xét xử tái thẩm cũng không chấp nhận bản án được tuyên thì bị cáo có quyền gửi kháng cáo Tòa Giám đốc thẩm. Phán xét của Tòa Giám đốc thẩm là phán xét cuối cùng phải tuân theo không được kháng cáo .
Người có quyền kháng cáo: Đương sự hoặc người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. ( Điều 174, Luật tố tụng hành chính năm 2010)
Thời hạn kháng cáo (Điều 177, Luật tố tụng hành chính năm 2010): Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày Toà án tuyên án; trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở, trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
Thời hạn kháng cáo quá hạn (Điều 178, Luật tố tụng hành chính năm 2010): Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Toà án cấp phúc thẩm.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.
Thứ hai, Kháng nghị là Việc người có thẩm quyền, bằng văn bản của mình gửi đến tòa án cấp có thẩm quyền làm ngừng hiệu lực phán quyết của tòa án trong bản án hoặc quyết định để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhằm làm cho vụ án được xét xử chính xác
Người có quyền kháng nghị ( Điều 182, Luật tố tụng hành chính năm 2010): trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Thời hạn kháng nghị (Điều 183, Luật tố tụng hành chính năm 2010): Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
3. Mọi quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức đều không phải là đối tượng xét xử của tòa án nhân dân ? Khẳng định sai vì sao?
Khẳng định sai
Căn cứ Điều 28, Luật tố tụng hành chính năm 2010 như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
“Điều 28. Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trừ các quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính Phủ quy định và các quyết định hành chính , hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan Nhà nước.
2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh."
Như vậy thì Tòa án vẫn có thẩm quyền xét xử đối với khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống. Vậy quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức vẫn có thể là đối tượng xét xử của Tòa án.