Hội đồng thẩm định trong dự án PPP? Quy định về thẩm định dự án PPP?
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một trong những hình thức đầu tư được ghi nhận trong Luật Đầu tư 2020 và hình thức này đã đóng góp những vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trong quá trình này thì thẩm định la một giai đoạn rất cần thiết và được pháp luật nước ta quy định cụ thể. Hội đồng thẩm định là Hội đồng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra nhằm mục đích để thực hiện việc xem xét, đánh giá, cho ý kiến bằng văn bản để tư vấn về chuyên môn đối với một vấn đề cụ thể trước khi vấn đề đó được chính thức thông qua hoặc giải quyết. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về Hội đồng thẩm định trong dự án PPP và thẩm định dự án PPP trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Hội đồng thẩm định trong dự án PPP:
Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2021) thì hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm:
“1. Hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm:
a) Hội đồng thẩm định nhà nước thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
c) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP do Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, trừ trường hợp nhiệm vụ thẩm định được giao cho đơn vị trực thuộc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này.”
Như vậy, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 thì Hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm các chủ thể sau đây:
Pháp luật quy định 3 cấp Hội đồng thẩm định (nhà nước, liên ngành và cơ sở) dự án PPP tương ứng ba cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả và khả thi trước khi dự án PPP đưa ra thị trường, thu hút đầu tư. Cụ thể:
– Hội đồng thẩm định nhà nước:
Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thẩm định nhà nước dự án PPP thực hiện theo quy định của Chính phủ về dự án quan trọng quốc gia theo quy định cụ thể tại Điều 7 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP của Chính Phủ.
– Hội đồng thẩm định liên ngành:
Việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành được quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2021/NĐ-CP của Chính Phủ với nội dung như sau:
+ Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập cho từng dự án theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan có liên quan về dự thảo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
+ Hội đồng thẩm định liên ngành bao gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ và cơ quan liên quan.
+ Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được giao thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Nghị định này.
+ Hội đồng thẩm định sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ thẩm định.
– Hội đồng thẩm định cấp cơ sở:
Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định nội dung như sau:
+ Hội đồng thẩm định cấp cơ sở bao gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng.
+ Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cấp cơ sở là tổ chức, đơn vị có chức năng quản lý về đầu tư theo phương thức PPP hoặc kế hoạch – tài chính tại bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư, được giao thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định các vấn đề sau đây:
– Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 dựa trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất dự án, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc giao một đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.
– Hội đồng thẩm định dự án PPP, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ thẩm định được thuê tư vấn hỗ trợ.
– Chính phủ nước Việt Nam quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã đưa ra quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định trong dự án PPP. Các chủ thể thuộc Hội đồng thẩm định trong dự án PPP cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật được nêu cụ thể bên trên để đảm bảo quyền lợi của mình.
2. Quy định về thẩm định dự án PPP:
2.1. Thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP:
Căn cứ pháp lý: Điều 15 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2021).
Dựa vào tính chất, quy mô, lĩnh vực và nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện theo các nội dung do pháp luật quy định cụ thể. Đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do các chủ thể là nhà đầu tư lập, sẽ cần xem xét các yếu tố mà nhà đầu tư thuyết minh. Đơn vị thẩm định sẽ cần đưa ra ý kiến nhận xét cụ thể đối với từng nội dung và đề xuất phương án giải quyết trong trường hợp có nội dung chưa đồng thuận hoặc cần bổ sung, hoàn thiện với đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án.
Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản đề nghị thẩm định.
– Dự thảo
– Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
– Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.
Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
– Sự phù hợp với căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
– Hiệu quả đầu tư; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
– Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP.
– Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.
– Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước.
2.2. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP:
Căn cứ pháp lý: Điều 20 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Dựa vào tính chất, quy mô, lĩnh vực và nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện theo các nội dung hướng dẫn cụ thể do pháp luật quy định. Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi do các chủ thể là nhà đầu tư lập thì các chủ thể có thẩm quyền cần xem xét các yếu tố khác mà nhà đầu tư thuyết minh. Đơn vị thẩm định sẽ cần đưa ra ý kiến nhận xét cụ thể đối với từng nội dung và đề xuất phương án giải quyết trường hợp có nội dung chưa đồng thuận hoặc cần bổ sung, hoàn thiện với đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản đề nghị thẩm định.
– Dự thảo
– Báo cáo nghiên cứu khả thi.
– Quyết định chủ trương đầu tư.
– Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.
Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Sự phù hợp với căn cứ pháp lý.
– Sự cần thiết đầu tư.
– Sự phù hợp với yêu cầu về phương án kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc sản phẩm, dịch vụ công. Việc thẩm định các nội dung về hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan.
– Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP.
– Tính khả thi về tài chính; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
– Hiệu quả kinh tế – xã hội.
Thông qua những phân tích nêu trên, ta nhận thấy, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP hay thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP là vô cùng quan trọng và có những ỹ nghĩa to lớn đối với quá trình thực hiện dự án PPP.