Hội đồng bộ trưởng là cơ chế được dùng ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Hội đồng Bộ trưởng từng là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cùng tìm hiểu về hội đồng bộ trưởng.
Mục lục bài viết
1. Hội đồng bộ trưởng là gì?
Hội đồng Bộ trưởng là tên gọi được dùng để chỉ nội các hay chính phủ ở một số quốc gia. Danh xưng này cũng từng được sử dụng phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây như Ba Lan, Bulgaria, CHDC Đức, Hungary, Liên Xô. Ngày nay, khái niệm này còn mở rộng cho vùng lãnh thổ như Hội đồng Bộ trưởng EU hoặc Hội đồng bộ trưởng Bắc Âu.
Tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lí việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước; tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành pháp luật; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Hội đồng Bộ trưởng có những nhiệm vụ và quyền hạn như: bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; trình dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Hội đồng nhà nước; lập dự án kế hoạch nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội; tổ chức thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước; thống nhất quản lí việc cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân, việc xây dựng và phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật… Hội đồng Bộ trưởng căn cứ vào Hiến pháp, các luật và pháp lệnh, ra những nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó.
Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhà nước. Nhiệm kì của Hội đồng Bộ trưởng theo nhiệm kì của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kì, Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Hội đồng Bộ trưởng mới.
Thành phần của Hội đồng Bộ trưởng gồm có: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước.
Hội đồng bộ trưởng tiếng anh là Council of Ministers
2. Tên của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ:
– Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Government of the Socialist Republic of Viet Nam (GOV)
– Bộ Quốc phòng – Ministry of National Defence (MND)
– Bộ Công an – Ministry of Public Security (MPS)
– Bộ Ngoại giao – Ministry of Foreign Affairs (MOFA)
– Bộ Tư pháp – Ministry of Justice (MOJ)
– Bộ Tài chính – Ministry of Finance (MOF)
– Bộ Công Thương – Ministry of Industry and Trade (MOIT)
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Ministry of Labour, War invalids and Social Affairs (MOLISA)
– Bộ Giao thông vận tải – Ministry of Transport (MOT)
– Bộ Xây dựng – Ministry of Construction (MOC)
– Bộ Thông tin và Truyền thông – Ministry of Information and Communications (MIC)
– Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ministry of Education and Training (MOET)
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ministry of Agriculture and Rural Development (MARD)
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Ministry of Planning and Investment (MPI)
– Bộ Nội vụ – Ministry of Home Affairs (MOHA)
– Bộ Y tế – Ministry of Health (MOH)
– Bộ Khoa học và Công nghệ – Ministry of Science and Technology (MOST)
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Ministry of Culture, Sports and Tourism (MOCST)
– Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE)
– Thanh tra Chính phủ – Government Inspectorate (GI)
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – The State Bank of Viet Nam (SBV)
– Ủy ban Dân tộc – Committee for Ethnic Affairs (CEMA)
– Văn phòng Chính phủ – Office of the Government (GO)
3. Các văn bản pháp quy của hội đồng bộ trưởng:
– Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng dùng để ban hành các chủ trương, chính sánh lớn, nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách Nhà nước và các công tác quan trọng của Chính phủ.
– Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng dùng để ban hành các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhằm thực hiện Hiến pháp và các luật lệ của Nhà nước; các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước; các điều lệ, các quy định về chế độ quản lý hành chính Nhà nước.
– Quyết định của Hội đồng bộ trưởng dùng để quy định các chính sánh cụ thể, các chế độ; bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; phê chuẩn các kế hoạch, các phương án kinh tế kỹ thuật, v.v…; phê chuẩn hoặc bác bỏ các quyết định của cơ quan cấp dưới.
– Chỉ thị của Hội đồng bộ trưởng dùng để truyền đạt những chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý; chỉ đạo về tổ chức và công tác đối với các ngành, các cấp.
– Thông tư của Hội đồng bộ trưởng dùng để hướng dẫn, giải thích việc vận dụng các chính sách, chế độ của Chính phủ. Thông tư có thể quy định chi tiết về chính sánh, chế độ, thể lệ, lề lối làm việc, quan hệ công tác để bảo đảm thi hành tốt các nghị định, nghị quyết, quyết định của Hội đồng bộ trưởng.
4. Tổ chức việc xây dựng (dự thảo) ký và công bố văn bản:
– Văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng xét và ban hành thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương nào thì thủ trưởng ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm tổ chức việc dự thảo và trình xét. Nội dung và thể thức tổ chức dự thảo và trình xét căn cứ theo quy định ở các điều 21, 22, 23 của bản Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng bộ trưởng.
– Trong mỗi Bộ, Uỷ ban cần tổ chức việc dự thảo các văn bản một cách hợp lý, bố trí người có đủ năng lực để làm việc này. Các bản thảo phải được tổ chức (hoặc chuyên gia) theo dõi công việc có liên quan ở Văn phòng Bộ, Uỷ ban thẩm tra kỹ về nội dung, tổ chức (hoặc chuyên gia) pháp chế thẩm tra kỹ về mặt pháp lý và phải được người có trách nhiệm ký văn bản hoặc người được giao trách nhiệm xét duyệt.
Trước khi trình ký văn bản, người trình ký phải soát lại và chịu trách nhiệm về bản đánh máy.
– Thẩm quyền ký văn bản của các Bộ, Uỷ ban căn cứ theo quy định ở Điều 29 của bản Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng bộ trưởng và các Điều 15, 16, 17 của bản Điều lệ về công tác
– Thời hạn để ban hành và công bố văn bản do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành là 7 ngày, kể từ ngày thông qua quyết định. Tuỳ tính chất và nội dung của vấn đề, thời hạn ban hành văn bản có thể dài hơn thời hạn trên nhưng dài nhất cũng không quá 15 ngày kể từ ngày thông qua quyết định.
– Cơ quan ban hành văn bản phải định rõ thời hạn văn bản có hiệu lực thi hành, phạm vi và mức độ mà các cơ quan có nhiệm vụ thi hành được phép truyền đạt, phổ biến. Cơ quan có trách nhiệm thi hành phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định này của cơ quan ra văn bản, không được tuỳ tiện phổ biến sai nội dung văn bản hoặc phổ biến cho những đối tượng không được phép phổ biến.
Những cơ quan được giao nhiệm vụ quy định chi tiết hoặc hướng dẫn việc thực hiện văn bản của cấp trên phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định cơ bản của cấp trên. Trường hợp thấy các quy định của cấp trên không phù hợp thì phải xin cấp trên ra văn bản sửa đổi, bổ sung, không được tự ý sửa đổi, bổ sung.
5. Quy định về Hội đồng bộ trưởng năm 1981:
Hội đồng bộ trưởng kết hợp các biện pháp hành chính, kinh tế, tổ chức và giáo dục để thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được quy định ở Điều 107 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ nhất, về tổ chức và cán bộ, Hội đồng bộ trưởng:
– Trình Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước và thay đổi các thành viên Hội đồng bộ trưởng; giữa hai kỳ họp Quốc hội thì trình Hội đồng Nhà nước quyết định;
– Trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn việc thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng;
– Quy định tổ chức và hoạt động của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp; chỉ đạo việc xây dựng, kiện toàn và phát huy hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước từ trung ương đến cơ sở;
– Quyết định việc phân vạch địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương;
– Xây dựng danh mục và tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên Nhà nước; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ của Nhà nước và chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch đó; chú trọng đào tạo cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ địa phương;
– Thực hiện chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên Nhà nước.
Thứ hai, chế độ làm việc và quan hệ công tác của hội đồng bộ trưởng
Hội đồng bộ trưởng sinh hoạt định kỳ theo Điều lệ công tác của Hội đồng bộ trưởng.
Trong các phiên họp, Hội đồng bộ trưởng thảo luận và giải quyết các vấn đề cơ bản như sau:
– Quyết định các chính sách và biện pháp lớn để thực hiện các nhiệm vụ như bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, trình dự án luật, sự án pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Hội đồng nhà nước, Lập dự án kế hoạch Nhà nước và dự án toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội, tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước và Ngân sách nhà nước…và các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bộ trường kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế, tổ chức và giáo dục để thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Bộ trưởng;
– Lập các quy hoạch, dự án kế hoạch Nhà nước dài hạn, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm;
– Lập dự toán ngân sách Nhà nước và quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm;
– Thông qua dự án luật trình Quốc hội và dự án pháp lệnh trình Hội đồng Nhà nước;
– Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chủ trương, chính sách của Hội đồng bộ trưởng.
Các nghị quyết, nghị định và quyết định của Hội đồng bộ trưởng phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng bộ trưởng biểu quyết tán thành.
Thứ ba, về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng bộ trưởng
Hội đồng bộ trưởng kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế, tổ chức và giáo dục để thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được quy định kèm theo quy định của Hiến pháp.
- Kinh tế: Lãnh đạo và quản lý nền kinh tế quốc dân theo quy hoạch và kế hoạch thống nhất trong cả nước, chỉ đạo việc xây dựng từng bước trên cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xây dựng cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp hiện đại, chuẩn bị các dự án kể hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Quốc hội quyết định, củng cố và phát triển thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, cải tạo và sử dụng các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, kết hợp việc hoàn thiện và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa với phát triển lức lượng sản xuất;
- Khoa học và kỹ thuật: Thống nhất quản lý việc thực hiện đường lối, chính sách và kế hoạch phát triển khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, thi hành mọi biện pháp khuyến khích nghiên cứu, phát minh, sáng kiến. Và đồng thời chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng,…
- Và một số vấn đề: văn hóa, thông tin và giáo dục, đời sống, y tế, xã hội và quốc phòng, trật tự, an ninh…
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Tổ chức hội đồng bộ trưởng nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 04 tháng 7 năm 1981;
– Thông tư số 02/bt hướng dẫn việc xây dựng và ban hành văn bản ngày 11 tháng 1 năm 1982;