Tội ép cung là gì? Tội bức cung là gì? Hỏi cung trái pháp luật là gì? Tội bức cung theo Bộ luật hình sự 2015? Tôi muốn hỏi luật sư làm thế nào trong quá trình tạm giam không bị đánh đập, ép cung, mớm cung.
Trong quá trình điều tra và giải quyết vụ việc của cơ quan công an, thì việc hỏi cung lấy lời khai là giai đoạn vô cùng quan trọng. Bởi lẽ đây là giai đoạn mà bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cung cấp các bằng chứng, chứng cứ cho cơ quan công an điều tra. Hiện nay, việc hỏi cung có rất nhiều vấn đề được nhắc tới ví dụ như việc hỏi cung thế nào là đúng quy định pháp luật, hỏi cung thế nào là trái luật. Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Tội bức cung là gì?
Tội bức cung, ép cung là hành vi phạm tội trong hoạt động tố tụng. Mà người phạm tội sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc. Điều này làm sai lời khai, nội dung và bản chất của vụ án.
2. Thẩm quyền hỏi cung của cơ quan và cán bộ điều tra
Tại Điều 37,38 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Điều 37:
1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Lập hồ sơ vụ án hình sự
c) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;
đ) Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
e) Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng;
g) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này.
2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Điều 38
1. Cán bộ điều tra thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên:
a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;
b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
c) Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác.
2. Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình.
Như vậy, ta có thể thấy việc lấy lời khai thông qua hình thức hỏi cung là một trong những trách nhiệm thuộc về cán bộ điều tra của cơ quan điều tra và điều tra viên. Việc hỏi cung là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng và hỗ trợ cho quá trình giải quyết vụ án của cơ quan điều tra.
3. Quyền của người bị hỏi cung
Trong quá trình điều tra, lấy cung việc người bị hỏi cung đã được pháp luật bảo vệ về tính mạng sức khỏe, tránh trường hợp ép cung trái phép, cán bộ điều tra và điều tra viên dùng vũ lực hay sức ép lên tính mạng sức khỏe nhằm mục đích lấy lời khai, lấy cung của người phạm tội. Vấn đề này được quy định tại Điều 11
“Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.
Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”
Do đó, trong quá trình lấy lời khai, quá trình hỏi cung bị cáo, bị can thì cán bộ, điều tra viên phải tuyệt đối chấp hành và tuân theo quy định về việc bảo hộ tính mạng, sức khỏe danh sự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, danh dự, uy tín tài sản của pháp nhân trong quá trình làm việc
4. Quy định về nguyên tắc hỏi cung bị can
Việc hỏi cung bị can đã được Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:
“1. Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.
2. Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.
3. Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
5. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
Như vậy, ta có thể thấy việc hỏi cung bị can cụ thể là hỏi cung về những vấn đề gì, hỏi như thế nào, hỏi ra sao đều đã có những quy định cụ thể và rất rõ ràng. Người bị hỏi cung hoàn toàn có thể đòi hỏi quyền lợi của mình nếu như người đó thấy rằng việc hỏi cung của mình đang có những dấu hiệu bị ép cung, quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, tính mạng, sức khỏe danh sự, nhân phẩm, tài sản của mình đang bị đe dọa hoặc gặp nguy hiểm
5. Quy định về tội bức cung theo Bộ luật hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 374 Bộ luật hình sự 2015 đã có những quy định về tội bức cung nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người bị bức cung như sau:
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
e) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự sát;
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm người bị bức cung chết;
b) Dẫn đến làm oan người vô tội;
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, ta có thể hiểu và nhận thấy những dấu hiệu của tội bức cung được thể hiện qua những nội dung như: sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung, có những dấu hiệu dẫn đến việc đe dọa tính mạng, sức khỏe danh sự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân người bị hỏi cung. Bên cạnh đó việc dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung cũng bị coi là một trong những hành vi ép cung nghiêm trọng
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp là gần đây đọc báo nhiều thấy người ta nói trong quá trình tạm giam là hay bị đánh đập. Tôi muốn hỏi luật sư làm thế nào trong quá trình tạm giam bảo vệ được quyền lợi của mình, không bị đánh đập ép cung mớm cung. Tôi xin chân thành cảm ơn ạ!
Luật sư tư vấn:
Mớm cung, dụ cung, ép cung, nhục hình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là vi phạm pháp luật .
Luật nghiêm cấm những hành động này thể hiện qua Điều 6 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân:
“Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.
Để bảo vệ cho mình thì bị can, bị cáo có quyền bào chữa hoặc nhờ
“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Do đó những bản cung có sự tham gia của người bào chữa, như luật sư, kiểm sát viên cho bị can trong giai đoạn điều tra sẽ khắc phục được tình trạng này và đảm bảo sự vô tư khách quan trong quá trình điều tra.Vì vậy cần mời luật sư bào chữa cho mình.Do luật sư có quyền tham gia hỏi cung bị can trong quá trình điều tra vụ án của cơ quan điều tra nên việc có mặt luật sư trong các buổi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can không những giúp cho họ tự tin hơn trong khai báo mà còn ngăn ngừa sự vi phạm từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, tránh tình trạng khi ra toà có sự phản cung, khiếu nại về việc dùng nhục hình, bức cung, mớm cung.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc dùng nhục hình, nếu xảy ra việc mớm cung, dụ cung, ép cung, những hành vi này, tuỳ theo mức độ vi phạm, nhẹ là kỷ luật, nặng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có các điều (Điều 298: Tội dùng nhục hình; Điều 299: Tội bức cung) để xử lý những người tiến hành tố tụng vượt quá giới hạn pháp luật cho phép trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.