Một trong những vấn đề thường gặp phải là bị can khai báo gian dối, không thừa nhận hành vi, vòng vo, chối cãi. Vì vậy, những nguyên tắc, phương pháp hỏi cung bị can trong điều tra hình sự đóng vai trò quan trọng làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Mục lục bài viết
1. Những quan điểm chung về hỏi cung bị can:
1.1. Khái niệm hỏi cung bị can:
Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra hình sự, là quá trình điều tra viên sử dụng các phương pháp chiến thuật tác động trực tiếp vào tâm lý bị can nhằm thu được lời khai đúng và đầy đủ về sự thật của vụ án và những tin tức cần thiết khác.
a/ Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra hình sự.
Pháp luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam coi hỏi cung là một hoạt động điều tra hình sự. Nó được quy định trực tiếp ở các điều 183, 184
Lời nhận tội của bị can khi phù hợp với chứng cứ khác của vụ án thì có thể được coi là chứng cứ.
Trong quá trình hỏi cung, bị can có quyền bảo vệ những lợi ích hợp pháp, bác bỏ những căn cứ không xác đáng về việc bị can thực hiện hành vi phạm tội mà cơ quan điều tra đã đưa ra.
Xác định hỏi cung là một hoạt động điều tra hình sự đòi hỏi điều tra viên phải luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh, vận dụng linh hoạt và có hiệu quả các quy phạm pháp luật về hỏi cung bị can.
b/ Hỏi cung là một hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên.
Sự hình thành lời khai của bị can là một quá trình phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thực tiễn cho thấy, bị can thường dùng những mánh khóe để chống lại cán bộ điều tra và che giấu sự thật, cho nên chỉ bằng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và phẩm chất đạo đức của người cán bộ hỏi cung thì chưa thể đạt được mục đích của hỏi cung. Người cán bộ hỏi cung phải am hiểu và vận dụng tốt hệ thống phương pháp. chiến thuật đa dạng thì mới đạt kết quả cao. Hiểu hỏi cung bị can chỉ là ” hỏi ” và “đáp ” là nhìn hình thức bên ngoài của nó và như vậy sẽ phạm sai làm tâm thường hóa hỏi cung.
Bản chất nghiệp vụ của hỏi cung bị can chủ yếu tập trung ở hệ thống chiến thuật, phương pháp đa dạng, phong phú và một trình tự hết sức mềm dẻo không trái với pháp luật. Mặt khác hỏi cung bị can cũng phải hướng tới giải quyết các yêu cầu nghiệp vụ do công tác điều tra đặt ra trong mối liên hệ với cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
c/ Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra công khai trực diện phức tạp và đôi khi gay go quyết liệt.
Đặc điểm khá phổ biến trong hoạt động khai báo của bị can là che giấu sự thật bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong điều kiện như vậy hỏi cung lại được tiến hành công khai, mặt đối mặt, trí đối với trí giữa một bên là điều tra viên – người đại diện cho cơ quan bảo vệ pháp luật quyết tâm thụ được lời khai đúng, đầy đủ, còn bên kia là bị can – người có hành vi phạm tội đang cố tìm cách che giấu sự thật. Với đặc điểm như trên nền hỏi cung bị can là một công việc hết sức phức tạp và trong nhiều trường hợp nó trở nên gay go quyết liệt.
Đặc điểm này đòi hỏi điều tra viên phải có bản lĩnh công tác, luôn luôn cảnh giác, biết kiềm chế, có niềm tin, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn của mình thì mới có thể chiến thắng được đối phương.
d/ Mục đích hỏi cung bị can.
Mục đích cơ bản của hỏi cung bị can là thu được lời khai đúng, đầy đủ, về sự thật của vụ án và những tin tức cần thiết khác.
Ngoài ra trong một mức độ nhất định có thể sử dụng hỏi cung bị can hỗ trợ cho các hoạt động khác.
1.2. Nhiệm vụ hỏi cung bị can:
1/ Phát hiện đồng bọn còn lẩn trốn để kịp thời truy bắt; phát hiện mọi vật chứng còn bị cất giấu để kịp thời thu giữ; phát hiện những âm mưu và hành động phá hoại trước mắt để kịp thời ngăn chặn.
2/ Thu thập, củng cố, kiểm tra các tài liệu, chứng cứ để xác định sự thật của vụ án.
Đây là nhiệm vụ trung tâm và nó xuyên suốt toàn bộ quá trình hỏi cung của bị can,
3/ Thu thập những tin tức về nguyên nhân và điều kiện phạm tội, phát hiện những sơ hở, thiếu sót của cơ quan, đoàn thể trong công tác quản lý cũng như trong việc chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước… để đề xuất những biện pháp giải quyết có hiệu quả.
Hỏi cung bị can có khả năng rộng rãi nhất thu thập những thông tin trên lĩnh vực này.
– Những thông tin này không thuộc loại cấp bách nhất trong quá trình điều tra vụ án, cho nên có thể tiến hành trong một thời gian, nhất là giai đoạn cuối của điều tra vụ án.
1.3. Nguyên tắc hỏi cung bị can:
a/ Tuân thủ nghiêm ngặt đường lối chính sách của Đảng và những quy định của pháp luật có quan hệ đến hỏi cung bị can.
– Quá trình cảm hóa, giáo dục, giải thích phải lấy đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước làm nội dung cơ bản và không được nói, làm trái với những nội dung đó.
– Hỏi bị can phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định ở các iều 103, 106, 107, 108 BLTTHS.
– Việc sử dụng phương pháp chiến thuật hỏi cung không lược trái với các quy định của pháp luật có liên quan.
– Thái độ, tác phong của người hỏi cung phải đúng đắn, công minh, phải luôn tỉnh táo, cảnh giác trước mọi thủ đoạn mua chuộc, khiêu khích của bị can, nghiêm cấm thái độ hống hách, thô bỉ đối với bị can, song cũng không được xuề xòa, sỗ sàng để bị can coi thường.
– Nghiêm cấm bức cung, mớm cung, dụ cung, nhục hình.
b/ Phải thận trọng, khách quan trọng chứng cứ không dễ tin lời khai.
– Mục đích của hỏi cung là thu được lời khai đúng, đầy đủ về vụ án, song có rất nhiều yếu tố quan trọng làm cho lời khai của bị can không chính xác. Do vậy điều tra viên phải đề cao nguyên tắc khách quan trong hỏi cung.
Thận trọng khách quan, trọng chứng cứ, không dễ tin lời khai phải được thể hiện từ việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu, vạch kế hoạch, đưa ra giả thuyết cho việc tiến hành hỏi, ghi nhận đánh giá và sử dụng kết quả.
– Nghiên cứu đánh giá bị can phải chú ý cả hai mặt tích cực và tiêu cực, cả quá khứ và hiện tại.
– Các chiến thuật được sử dụng trong quá trình hỏi cung phải dựa trên những căn cứ khoa học xác đáng và phù hợp với tâm lý bi can.
– Cần chống các khuynh hướng chỉ muốn nghe lời nhận tội, bác bỏ vô căn cứ lời tự bào chữa của bị can; chỉ cho lời khai nào phù hợp với ý chủ quan của mình là đúng, những lời khai không phù hợp với ý chủ quan của mình là sai. Cần chống chủ quan, định kiến, thiếu dũng cảm bảo vệ chân lý.
– Mọi lời khai của bị can đều phải được thẩm tra, xác minh kỹ lưỡng.
2. Trình tự hỏi cung bị can:
2.1. Chuẩn bị hỏi cung bị can:
a/ Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác.
– Nghiên cứu tài liệu do các lực lượng nghiệp vụ khác chuyển đến.
– Nghiên cứu tài liệu điều tra đã thu được.
– Nghiên cứu những tài liệu khác có ý nghĩa đối với hỏi cung bị can và áp dụng những biện pháp cần thiết, cấp bách để thu thêm tài liệu, chứng cứ cho hoạch định các chiến thuật hỏi cung bị can.
– Tiến hành nghiên cứu những tài liệu chuyên môn cần phải sử dụng trong quá trình hỏi cung sắp tới.
b/ Nghiên cứu nhân thân, bị can.
Nội dung nghiên cứu nhân thân.
– Những phẩm chất, đạo đức, tâm lý, hoạt động chính trị, xã hội và lao động sản xuất của bị can.
– Lối sống và xử sự trong gia đình của bị can.
– Quan hệ của bị can với tập thể và ngược lại, quan hệ của bị can với đồng phạm (nếu có).
– Trình độ học vấn và nghề nghiệp mà bị can đã được đào tạo.
Những phương pháp nghiên cứu nhân thân bị can.
– Phương pháp quan sát ( trong quá trình hỏi cung, khi bị bắt,
khám xét, kiểm tra dấu vết trên thân thể; quan sát bằng các phương tiện kỹ thuật).
– Phương pháp đàm thoại .
– Phương pháp khái quát hóa một khối lượng lớn tài liệu, chứng cứ về bị can.
– Phương pháp lý lịch hóa.
– Phương pháp phân tích kết quả hoạt động của bị can.
c/ Những tài liệu cần nghiên cứu.
– Tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Hồ sơ cá nhân đã được thiết lập ở các cơ quan, trường học, nơi làm việc ..
– Tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự ( nếu bị can đã có lần bị truy cứu trách nhiệm hình sự ).
2.2. Lập kế hoạch hỏi cung bị can:
– Xác định những vấn đề cần hỏi cung bị can.
– Dự kiến các chiến thuật sẽ sử dụng trong quá trình hỏi cung.
– Hình thành các câu hỏi sẽ được sử dụng.
– Chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ cho cuộc hỏi cung sắp tới.
– Xác định những trình tự hợp lý trong quá trình hỏi cung bị can.
+ Trình tự các vấn đề cần hỏi.
+ Trình tự các bị can sẽ được hỏi.
+ Trình tự các tài liệu, chứng cứ sẽ được sử dụng.
+ Trình tự các câu hỏi sẽ được sử dụng.
– Lựa chọn thời gian, địa điểm và các phương tiện kỹ thuật sử dụng trong quá trình hỏi cung.
– Sử dụng các biện pháp hỗ trợ.
– Tổ chức lực lượng hỏi cung bị can.
– Thẩm tra lời khai ngay trong quá trình hỏi cung như đặt các câu hỏi kiểm tra, chi tiết hóa lời khai (làm rõ hoặc các chiến thuật hỏi tuần tự. Cho bị can diễn lại ngay sự việc mà y đã khai ra).
3. Phương pháp chiến thuật hỏi cung bị can:
Trong thực tiễn hỏi cung bị can, các nhà nghiên cứu điều tra hình sự đã tổng kết các phương pháp hỏi cung như sau:
a/ Cảm hóa, giáo dục bị can.
Cảm hóa giáo dục bị can là dùng chính nghĩa, lẽ phải, dùng cường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, dùng tình cảm, dùng thực tế cuộc sống, đạo đức xã hội và bằng chính bản thân người cán bộ hỏi cung chinh phục bị can theo hướng khai báo đầy đủ, đúng sự thật.
– Sử dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước như vũ khí sắc bén để bị can nhận ra sự thật, hiểu rõ đúng sai, phải trái mà hành động theo lẽ phải.
– Dùng những điển hình trong cuộc sống, đặc biệt những điển hình về điều tra, truy tố xét xử mà giải thích, thuyết phục, giáo dục bị can.
– Dùng các loại tình cảm (tùy theo đặc điểm tâm lý bị can). Thuyết phục bị can khai báo thành khẩn.
– Bằng sự hiểu biết sâu rộng, bằng sự công minh, khách quan, tôn trọng lẽ phải, bao dung rộng lượng của điều tra viên mà thuyết phục bị can.
Đáp ứng những nhu cầu cần thiết, có thể trong điều kiện bị can bị giam giữ.
Muốn có nội dung, phương pháp cảm hóa đúng cần nghiên cứu kỹ nhân thân bị can, nắm vững đặc điểm tâm lý và kết hợp chặt chẽ với sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn.
b/ Sử dụng tài liệu, chứng cứ.
Chứng cứ, tài liệu đưa ta sử dụng trong quá trình hỏi cung phải xác thực không còn nghi ngờ.
Phải sử dụng chứng cứ, tài liệu đúng lúc. Không sử dụng tài liệu chứng cứ khi bị can còn trong trạng thái ” bất cần”, tuyệt vọng…
Trước khi sử dụng tài liệu, chứng cứ, cần hỏi bị can những chi tiết xung quanh tài liệu, chứng cứ đó để khi sử dụng tài liệu chứng cứ đã dự định bị can không có điều kiện vô hiệu hóa chứng cứ, tài liệu được đưa ra.
Nếu thấy bị can không có khả năng hiểu được bản chất khoa học của tài liệu chứng cứ dự định đưa ra thì trước khi sử dụng cần giải thích cho họ rõ.
Sử dụng chứng cứ cần theo một trình tự hợp lý sau đó những chứng cứ được sử dụng trước là tiền đề của chứng cứ sử dụng sau:
+ Sử dụng chứng cứ có giá trị chứng minh từ thấp đến cao
+ Sử dụng chứng cứ có giá trị chứng minh cao nhất ngay từ đầu.
+ Sử dụng tổng hợp các tài liệu chứng cứ.
+ Sử dụng tài liệu, chứng cứ cần theo dõi kỹ tâm lý bị can.
Sử dụng tài liệu chứng cứ phải hết sức nghệ thuật và phải kết hợp chặt chẽ với cảm hóa giáo dục; sử dụng mâu thuẫn trong quá trình hỏi cung.
Sử dụng chứng cứ, tài liệu phải đảm bảo nguyên tắc có “lãi “. Có nghĩa không chỉ để cho bị can thừa nhận mà còn khai báo những vấn đề mới về vụ án.
c/ Sử dụng mâu thuẫn: Phát hiện kịp thời, đầy đủ và tìm được nguyên nhân gây ra mâu thuẫn.
Trong thực tiễn hỏi cung chúng ta thường gặp những loại mâu thuẫn sau đây :
– Lời khai của bị can mâu thuẫn với tài liệu chúng ta đã thu được trong quá trình điều tra vụ án.
– Lời khai của bị can mâu thuẫn với trình độ khả năng của bị can.
– Lời khai của bị can mâu thuẫn với quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội.
– Lời khai trước và lời khai sau của bị can về cùng một vấn đề mâu thuẫn với nhau.
Nguyên nhân của các loại mâu thuẫn trên có thể do:
– Bị can muốn trốn tránh trách nhiệm hình sự nên khai sai sự thật.
– Do trình độ, khả năng diễn đạt, tâm lý không ổn định, do trí nhớ kém nên đã quên, do không hiểu đúng bản chất sự việc, hiện tượng mà khai sai sự thật. Mỗi loại mâu thuẫn cần có cách giải quyết riêng. Đấu tranh vạch trần mâu thuẫn chỉ khi bị can cố ý khai sai sự thật.
d/ Sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh.
– Mâu thuẫn phải được sử dụng đúng lúc, kịp thời phù hợp với tâm lý bị can.
– Nếu tập hợp một loạt mâu thuẫn đủ sức vạch trần bị can nói dối, song không đồn tất cả mâu thuẫn vào cùng một lúc.
– Sử dụng mâu thuẫn cần kết hợp chặt chẽ với sử dụng tài liệu chứng cứ và cảm hóa, giáo dục.
Quá trình vạch trần mâu thuẫn cần đề phòng ngụy biện, bức, mớm.