Khái quát về hóa đơn giá trị gia tăng? Quy định về việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng trong siêu thị?
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu đánh vào phần giá trị sản phẩm, dịch vụ tăng thêm, tác động trực tiếp đến tài chính của người tiêu dùng. Đây là loại thuế dễ thu và có sự đóng góp quan trọng trong ngân sách nhà nước, vì vậy, việc quản lý thuế giá trị gia tăng là vấn đề ưu tiên. Một trong những cách thức để quản lý, truy thu thuế là việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng tại các cơ sở bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đặc biệt là tại các siêu thị lớn. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về cách thức này, câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây của Luật Dương Gia.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 51/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành
Thông tư 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại
1. Khái quát về hóa đơn giá trị gia tăng?
Hóa đơn là hiện tượng kinh tế đồng thời cũng là hiện tượng pháp lý. Hóa đơn xuất hiện phổ biến trong đời sống và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân. Cho đến nay, khoa học pháp lý cũng như khoa học kinh tế – tài chính vẫn chưa có sự thống nhất tuyệt đối về khái niệm của hóa đơn.
Dưới các góc độ và trên những phương diện, phạm vi rộng – hẹp khác nhau về thông tin, thương mại, tài chính, về pháp lý… cách định nghĩa về hóa đơn được nhiều chuyên gia của các quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa ra nhằm phục vụ cho những mục đích khác nhau.
Dưới góc độ pháp luật, hóa đơn là dấu hiệu vật chất bất kỳ chứng minh các quan hệ pháp luật của các sự kiện. Cụ thể: Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Định nghĩa này được đánh giá là ngắn gọn, súc tích và thể hiện đầy đủ bản chất của hóa đơn. Định nghĩa đã khẳng định hóa đơn là vật chất (chứng từ) xác nhận các quan hệ mua – bán, trao đổi hàng hóa – dịch vụ, quan hệ thanh toán – quyết toán tài chính, xác định chi phí hợp lý khi tính nghĩa vụ thuế đối với nhà nước… và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật.
Hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động: Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa; Hoạt động vận tải quốc tế; Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
Hóa đơn giá trị gia tăng là công cụ đắc lực của Nhà nước trong hoạt động quản lý thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng nói riêng. Trước “vấn nạn” về gian lận trong hoạt động khấu trừ thuế, hoàn thuế thông qua hóa đơn gia trị gia tăng đã đặt các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách thuế trước yêu cầu, đòi hỏi về hoàn thiện pháp luật hóa đơn giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, không phải mọi cơ sở bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đều phải xuất hóa đơn, pháp luật cho phép các trường hợp sau thì không cần phải lập hóa đơn, cụ thể:
– Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.
– Hàng hóa, dịch vụ bán không phải lập hóa đơn theo điều trên được theo dõi trên bảng kê.
– Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua tại cuống, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn
2. Quy định về việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng trong siêu thị?
Thực tế không có quy định nào với tên gọi “xuất hóa đơn giá trị gia tăng” khái niệm “xuất” ở đây được nghiên cứu trong góc độ lập và sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng và chủ thể được nghiên cứu là “siêu thị”
Siêu thị là cơ sở bán hàng hóa, như vậy, cơ sở này có nghĩa vụ trong việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khi không thuộc trường hợp không cần phải lập hóa đơn.
Việc xuất hóa đơn đối với siêu thị được thể hiện qua quy định về lập hóa đơn, cụ thể:
Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn. Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Tiêu thức “Số thứ tự, tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền”: ghi theo thứ tự tên hàng hóa, dịch vụ bán ra; gạch chéo phần bỏ trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.
Tiêu thức “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)”: Trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.
Tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”: Riêng đối với việc mua hàng không trực tiếp như: Mua hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn. Khi lập hóa đơn tại tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, người bán hàng phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX.
Tại điều 20 Thông tư 39/2014 quy định về việc xử lý hóa đơn đã lập như sau:
– Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
– Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai.
– Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Đây là cách xử lý trong một số trường hợp đặc biệt, khi hóa đơn đã được lập nhưng phát hiện những sai sót và cần phải khắc phục ngay.
Tại điểm 2.8 phụ lục 4 ban hành kèm theo
Tổ chức cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.
Như vậy, hóa đơn giá trị gia tăng là căn cứ để người mua được hoàn trả hàng và số tiền thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ mã số thuế.
Chế định về quản lý và sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng đối với cơ sở bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được quy định đầy đủ và cụ thể, từ nghị đến hàng loạt các thông tư hướng dẫn, tuy nhiên bằng cách nào đó, việc gian lận vẫn còn xảy ra trong thực tế, đã dẫn đến những khó khăn nhất định của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý mặc dù có chế tài. Điều này đòi hỏi, các cơ sở kinh doanh cần tôn trọng pháp luật hơn nữa trong hoạt động kinh doanh của mình.