Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trên cơ sở thực tiễn và các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian tới, để bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung sau của BLHS:
Thứ nhất, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn một cách cụ thể vấn đề TNHS đối với người đồng phạm trong vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến 2.000.000 đồng.
Trong trường hợp giá trị chiếm đoạt nhỏ (dưới 2 triệu đồng), người thực hiện hành vi chỉ bị truy cứu TNHS khi thuộc trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXI mà tái phạm. Do đó, đối với người đồng phạm cũng chỉ nên bị xử lý hình sự về tội phạm này trong trường hợp tài sản chiếm đoạt chưa đến 2.000.000 đồng nếu người đồng phạm biết rõ người có chức vụ, quyền hạn đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXI mà vẫn cùng cố ý thực hiện tội phạm với người có chức vụ, quyền hạn. Nếu người đồng phạm trong vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản không biết người có chức vụ, quyền hạn đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII mà cùng cố ý thực hiện tội phạm với người có chức vụ, quyền hạn thì không bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 355 BLHS.
Thứ hai, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 BLHS trong khi xét xử các vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đối với việc các bị cáo phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, tuy được coi là tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng tình tiết giảm nhẹ này chỉ có ý nghĩa đối với hậu quả xâm hại khách thể là quan hệ sở hữu, trong khi hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn xâm hại đến khách thể quan trọng hơn đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Do đó, tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS chỉ có ý nghĩa với mức độ nhất định đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khác với các trường hợp người phạm tội trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Để tránh cách áp dụng pháp luật khác nhau, cơ quan có thẩm quyền cần sớm hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này đối với các tội tham nhũng nói chung, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn nói riêng.
Thứ ba, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn cụ thể về tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm đ khoản 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS), điểm d khoản 2 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) với tình tiết định tội của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Việc phân biệt chính xác tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu định tội của Điều 355 BLHS hoặc thuộc về tình tiết định khung tại điểm đ khoản 2 Điều 174, điểm d khoản 2 Điều 175 BLHS là hết sức cần thiết trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong trường hợp người phạm tội sử dụng hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thì khi nào thuộc về tình tiết định khung được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 174 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và khi nào thuộc về dấu hiệu định tội được quy định tại điều 355 BLHS (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản)? Hoặc người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở tín nhiệm mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thì khi nào thuộc về tình tiết định khung được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 175 BLHS (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và khi nào thuộc về dấu hiệu định tội được quy định tại điều 355 BLHS (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản)?
Theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này theo hướng sau:
+ Trong trường hợp người phạm tội sử dụng hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Nếu chủ thể đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm phương tiện để thực hiện hành vi lừa dối (đưa ra thông tin không đúng sự thật); người bị lừa do tin vào chức vụ, quyền hạn của người phạm tội mà bị chiếm đoạt mất tài sản thì khi đó hành vi của người phạm tội là dấu hiệu định tội được quy định tại Điều 355 BLHS (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản).
+ Trong trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở tín nhiệm mà đều có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, nếu việc giao tài sản là do tin vào chức vụ, quyền hạn của người phạm tội thì hành vi của người phạm tội là dấu hiệu định tội được quy định tại Điều 355 BLHS (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản).
Thứ tư, bổ sung hình phạt chính đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Chế tài đối với tội phạm về chức vụ hiện nay tương đối nghiêm khắc, loại hình phạt chủ yếu là tù. Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về hoàn thiện chính sách xử lý người phạm tội theo hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, cần bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại một số tội cấu thành cơ bản, nhằm tạo tính linh hoạt cho
Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hiện nay mức thấp nhất của chế tài quy định tại khoản 1 là tù có thời hạn 1 năm. Đối với những trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì vẫn có thể áp dụng quy định tại Điều 54 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng vẫn còn hạn chế khi phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của trường hợp này. Trên tinh thần giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ, có thể bổ sung phạt tiền là hình phạt chính trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản để có thể áp dụng đối với người phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cao, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã bồi thường hoàn toàn thiệt hại cho người bị hại, thật thà khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và có nhân thân tương đối tốt.