Về nguyên tắc, phiên họp dân sự sẽ được tiến hành liên tục kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, phiên họp đó có thể bị hoãn. Dưới đây là quy định của pháp luật về việc hoãn phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Mục lục bài viết
1. Hoãn phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 411 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về trình tự và thủ tục của phiên họp xét tính hợp pháp cuộc đình công theo quy định của pháp luật về lao động. Cụ thể như sau:
– Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định của pháp luật về lao động sẽ công bố quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, sau đó thẩm phán chủ trì phiên họp sẽ tóm tắt nội dung trong đơn yêu cầu xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Đại diện của các tổ chức đại diện tập thể lao động và đại diện của người sử dụng lao động sẽ trình bày ý kiến, trình bày quan điểm của mình về tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Thẩm phán chủ trì phiên họp sẽ xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định của pháp luật, có thể yêu cầu đại diện của các cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày thêm ý kiến;
– Kiểm sát viên tham gia phiên họp sẽ trình bày, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Ngay sau khi kết thúc phiên họp, kiểm sát viên sẽ thay mặt viện kiểm sát gửi văn bản phát biểu ý kiến của mình cho tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền, để tòa án lưu vào hồ sơ việc dân sự;
– Hội đồng sẽ xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công, thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng. Quyết định của hội đồng sẽ được thực hiện theo đa số.
Như vậy có thể nói, nhìn chung thì trình tự và thủ tục của phiên họp xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ được diễn ra theo trình tự nêu trên. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, phiên họp đó có thể bị hoãn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 408 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về việc hoãn phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Cụ thể như sau:
– Phiên họp xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ được hoãn căn cứ theo quy định tại Điều 233 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thực hiện theo quy định về hoãn phiên tòa;
– Thời hạn hoãn phiên họp xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ được kéo dài không quá 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày có quyết định hoãn phiên họp của thẩm phán chủ trì phiên họp.
Đối chiếu với Điều 233 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa. Cụ thể như sau:
– Hội đồng xét xử sẽ đưa ra quyết định hoãn phiên tòa khi thuộc một trong những trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 233 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Thời gian hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật hiện nay là kéo dài không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời gian hoãn phiên tòa sẽ kéo dài không quá 15 ngày được tính kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa;
– Quyết định hoãn phiên tòa sẽ phải bao gồm đầy đủ các nội dung chính như sau:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định hoãn phiên tòa;
+ Tên của tòa án, họ tên của những người tiến hành tố tụng khi đưa ra quyết định hoãn phiên tòa;
+ Vụ án được đưa ra xét xử tại phiên tòa;
+ Lý do thực hiện hoạt động hoãn phiên tòa;
+ Thời gian mở lại phiên tòa, địa điểm mở lại phiên tòa.
– Quyết định hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật sẽ cần phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt cho hội đồng xét xử ký tên, sau đó tiếp tục thực hiện hoạt động thông báo công khai tại địa điểm mở phiên tòa. Đối với những người vắng mặt thì cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án cần phải gửi ngay cho những người đó quyết định này, đồng thời cũng cần phải gửi quyết định đó cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp, sau khi đưa ra quyết định hoãn phiên tòa là cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án không mở lại phiên tòa đúng thời gian và địa điểm được ghi trong quyết định hoãn phiên tòa, thì tòa án cần phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian và địa điểm mở lại phiên tòa mới.
Như vậy có thể nói, việc hoãn phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công cũng sẽ được thực hiện tương tự theo quy định về hoãn phiên tòa và thời gian hoãn phiên tòa như phân tích nêu trên.
2. Thời hạn yêu cầu tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 403 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về yêu cầu tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Cụ thể như sau:
– Trong quá trình đình công hoặc trong khoảng thời gian 03 tháng được tính kể từ ngày chấm dứt hoạt động đình công, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Người yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ cần phải thực hiện hoạt động viết đơn yêu cầu gửi đến tòa án. Trong đơn yêu cầu cần phải phản ánh đầy đủ các nội dung chính sau đây:
+ Những nội dung được quy định cụ thể tại Điều 362 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
+ Tên và địa chỉ của các tổ chức lãnh đạo quá trình đình công của người lao động;
+ Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể người lao động tiến hành hoạt động đình công.
– Kèm theo đơn yêu cầu tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công, người yêu cầu cần phải gửi bản sao của các quyết định đình công, quyết định hòa giải, biên bản hòa giải của cơ quan và tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, các loại giấy tờ và tài liệu chứng cứ có liên quan đến quá trình xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, thời hạn để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công là 03 tháng được tính kể từ ngày chấm dứt hoạt động đình công.
3. Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công thuộc về Tòa án nào?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Căn cứ theo quy định tại Điều 405 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Cụ thể như sau:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra hoạt động đình công là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công đó;
– Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hoạt động kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của tòa án nhân dân cấp tỉnh về quá trình xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn và thẩm quyền của mình theo lãnh thổ.
Như vậy có thể nói, tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo điều luật phân tích nêu trên được xác định là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra hoạt động đình công của người lao động. Tuy nhiên cần phải lưu ý, trong trường hợp sau khi đã có quyết định giải quyết, xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công của tòa án nhân dân cấp tỉnh, tuy nhiên có đương sự tiến hành hoạt động kháng cáo hoặc kháng nghị, thì tòa án nhân dân cấp cao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình theo lãnh thổ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.