Tác phẩm Chiếc lược ngà không chỉ nói lên tình cảm cha con vô cùng sâu sắc, thắm thiết, thiêng liêng mà tác phẩm còn chứa đựng những đau thương, mất mát do cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Mục lục bài viết
1. Hoàn cảnh sáng tác Chiếc lược ngà:
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ oanh liệt ở nơi chiến trường Nam Bộ nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết lên tác phẩm “Chiếc lược ngà” vào năm 1966. Sau đó tác phẩm đã được đưa vào tập truyện cùng tên. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” nằm ở trong sách giáo khoa thuộc phần giữa của truyện.
Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Chiếc lược ngà” sẽ giúp ta hiểu được phần nào về cuộc sống chiến đấu và đời sống tình cảm của những người lính cụ hồ và những gia đình ở Nam Bộ, cùng với thứ tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý trong sự tàn khốc của chiến tranh.
2. Ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà:
– Với nhan đề là “Chiếc lược ngà” đã thể hiện được nội dung của tác phẩm một cách sâu sắc. Chiếc lược ngà cũng chính là hình tượng thể hiện cho tình cảm cha con thiêng liêng, cao quý. Đối với những người con gái thì chiếc lược là một đồ dùng rất giản dị và thân quen. Nhưng đến với tác phẩm này thì chiếc lược ngà lại trở thành một kỉ vật tượng trưng cho tình cảm cha con thiêng liêng, sâu nặng.
– “Chiếc lược ngà” kể về tình cảm cha con sâu nặng, cha là ông Sáu, người chiến sĩ cách mạng ra chiến trường chiến đấu oanh liệt, con là bé Thu sau này trở thành một cô giao liên trẻ tuổi. Chiếc lược ngà là món quà của ông Sáu dành tặng cho bé Thu, tuy chiếc lược chỉ là chi tiết nhỏ nhưng nó lại chứa cả chủ đề của tác phẩm, là vật tượng trưng cho tình cảm cha con thắm thiết.
– Chiếc lược ngà chứa tất cả những sự tỉ mỉ, ân cần, cùng với nỗi mong nhớ con gái, cũng như biết bao tình yêu thương sâu nặng mà ông Sáu dành cho con gái mình tại nơi chiến trường khốc liệt.
– Chiếc lược ngà vừa là kỷ niệm cũng vừa là di vật cuối cùng của người cha dành tặng cho con. Nó là minh chứng cho tình cha con sâu nặng, cho tấm lòng yêu thương con của người cha đối với con gái mình.
– Chiếc lược ngà được bé Thu nâng niu và đón nhận như tấm lòng tình cảm của mình dành cho cha, bằng tất cả tình yêu thương và sự biết ơn sâu sắc. Chiếc lược cũng chính là biểu tượng thiêng liêng nhất của niềm tin và hi vọng, của sự khẳng định rằng dù cho bom đạn có thể hủy diệt cũng như chia cắt tất cả mọi thứ nhưng tình yêu mà con người dành cho nhau là tồn tại mãi và không gì có thể chia cắt được.
3. Tình huống truyện trong Chiếc lược ngà:
Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được nhà văn xây dựng trên 2 tình huống truyện cơ bản:
– Tình huống thứ nhất: Đó là cuộc gặp gỡ sau i năm trời xa cách của 2 cha ông Sáu và bé Thu. Nhưng trớ trêu thay bé Thu lại không nhận ông Sáu là cha. Và đến lúc em nhận ra và thể hiện tình cảm với cha thì cũng là lúc mà ông Sáu phải lên đường về đơn vị.
– Tình huống thứ hai: Đó là tại khu căn cứ, ông Sáu mang lời hứa làm cho con gái chiếc lược ngà, ông đã dồn tất cả tình yêu thương cũng như lòng mong nhớ về đứa con gái của mình vào việc làm một chiếc lược ngà để dành tặng cho con trong ngày trở về. Nhưng ông đã hi sinh trong chiến đấu và ông đã nhờ đồng đội thực hiện nguyện vọng cuối cùng của đời mình là trao tận tay chiếc lược cho con gái.
=> Qua đó có thể thấy rằng ở tình huống truyện thứ nhất đó là sự bộc lộ mãnh liệt về tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu, thì đến tình huống truyện thứ hai là tình cảm sâu sắc và nỗi nhớ con da diết của ông Sáu dành cho bé Thu. Tình huống truyện trong tác phẩm chứa đầy kịch tính và chứa đựng những yếu tố bất ngờ, gay cấn. Đồng thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn khẳng định và ngợi ca về tình cảm cha con vô cùng thiêng liêng, sâu nặng và chiến tranh càng làm cho thứ tình cảm ấy càng trở nên cao quý hơn bao giờ hết.
4. Đặc sắc về nội dung trong đoạn trích Chiếc lược ngà:
– Tác phẩm “Chiếc lược ngà” kể về tình cảm của hai cha con ông Sáu và bé Thu ở trong bối cảnh chiến tranh miền Nam đang vô cùng khốc liệt máu lửa. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc khó có thể phai mờ ở trong tâm chí người đọc về những hậu quả kinh khủng của cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra. Chiến tranh xảy ra đã khiến cho những người mẹ già có nguy cơ đối mặt với tình cảnh phải mất con, những người vợ mất chồng và những đứa con phải mồ côi cha. Thế nhưng ở trong không khí thương đau mà không kém sự hào hùng ấy thì tình cảm của cha con vẫn luôn sáng ngời và bất diệt.
– Ông Sáu trở về nhà và không được bé Thu – con gái của mình nhận cha, mãi cho đến tận khi phải lên đường vào đơn vị chiến đấu thì bé Thu mới cất tiếng gọi “ba” đầy xót xa, cảm động. Khi vào trong đơn vị ông tỉ mỉ làm cho bé Thu một chiếc lược ngà bằng cả tình yêu thương và nỗi nhớ của mình nhưng ông Sáu đã hy sinh ngoài chiến trường khốc liệt trước khi chiếc lược được đưa đến tận tay con gái. Giây phút cuối cùng của cuộc đời ông đã nhờ người đồng đội của mình là ông Ba chuyển đến tận tay cho bé Thu.
– Câu chuyện xoay quanh về diễn biến tâm trạng cô bé Thu trước khi và sau khi nhận ra ông Sáu là cha của mình. Truyện được Nguyễn Quang Sáng xây dựng thông qua hai tình huống cơ bản. Đầu tiên đó là cuộc gặp gỡ đầy cảm động của hai cha con ông Sáu và bé Thu sau tám năm phải xa cách vì chiến tranh, nhưng trớ trêu thay là lúc này bé Thu không nhận ông Sáu là cha, đến khi cô bé nhận ra ông Sáu và bộc lộ tình cảm sâu nặng thắm thiết của mình thì cũng là lúc ông Sáu lại phải lên đường trở về đơn vị tiếp tục cuộc kháng chiến. Ở tình huống thứ hai, khi đơn vị, ông Sáu đã dồn hết tất cả tình thương yêu và niềm mong nhớ con gái để làm chiếc lược ngà dành tặng cho con gái nhưng chưa kịp trao món quà của mình cho bé Thu thì ông Sáu đã hi sinh. Như vậy tác phẩm đã xuất phát từ tình yêu vô cùng mãnh liệt của một người con là bé Thu dành cho cha cho đến tình cảm thắm thiết vô cùng sâu sắc của ông Sáu dành cho đứa con gái. Có lẽ đây là một tình huống đầy sự éo le chắc hẳn người đọc đã thường gặp phải ở trong cuộc chiến tranh.
– Truyện còn khiến cho người đọc có thể hình dung được những đau thương và mất mát do chiến tranh gây ra cho biết bao nhiêu gia đình và con người.
5. Đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn trích Chiếc lược ngà:
– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện vô cùng gay cấn, đầy bất ngờ và hợp lí:
+ “Chiếc lược ngà” là một biểu tượng về đặc điểm trần thuật tron tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng. Tác phẩm đã hấp dẫn người đọc thông qua việc tác giả đã xây dựng một tình huống hết sức độc đáo, chặt chẽ, cuốn hút và hấp dẫn xoay quanh các tình huống đầy tính bất ngờ nhưng lại vô cùng tự nhiên và hợp lý.
+ Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên mang tính thoải mái với giọng điệu trong câu văn dân dã và thân mật.
– Lựa chọn ngôi kể thứ nhất thích hợp.
+ Nguyễn Quang Sáng đã lựa chọn ngôi kể thứ nhất qua cách kể chuyện của nhân vật “tôi” đó là bác Ba – người bạn đồng đội thân thiết của ông Sáu, không chỉ là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện mà còn lạ người đã tham gia vào câu chuyện.
+ Việc tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất đã tạo ra giọng điệu kể chuyện mang nhiều tâm tình, gợi ra cho người đọc có cảm giác gần gũi và chân thực.
+ Vì nhân vật “tôi” đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện nên khi lựa chọn ngôi kể này không chỉ tạo ra tính khách quan mà còn tạo cho người đọc sự thuyết phục với các tình tiết có trong câu chuyện.
+ Cách lựa chọn ngôi kể thứ nhất thể hiện sự tinh tế của Nguyễn Quang Sáng.
+ Người kể chuyện hoàn toàn có thể điều khiển nhịp kể chuyện của mình và dẫn dắt được nội dung câu chuyện dựa trên dòng cảm xúc của bản thân.
– Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật sâu sắc thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động của nhân vật.
+ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là diễn biến tâm lý của nhân vật bé Thu vô cùng tinh tế.
+ Thể hiện được sự nhạy cảm và tấm lòng trân trọng thương yêu của tác giả không chỉ đối với con người mà còn đối với tình người.
– Sử dụng ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ.