Khi con tu hú là bài thơ vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ phản ánh tâm trạng ngột ngạt của một người cộng sản trẻ tuổi sôi nổi yêu đời bị giam cầm giữa bốn bức tường và luôn hướng tâm hồn mình đến với bầu trời tự do ở bên ngoài. Bài viết sau đây nêu lên hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ khi con tu hú, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Khi con tu hú:
Tháng 4 năm 1939, trong khi đang làm nhiệm vụ cách mạng, Tố Hữu bị giặc bắt giam (khi đó nhà thơ 19 tuổi). Đến tháng 7 năm 1939 khi giam tại nhà lao Thừa Thiên, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Khi con tu hú với tâm trạng ngột ngạt của người Cộng sản trẻ tuổi sôi nổi yêu đời bị giam cầm giữa bốn bức tường. Ở không gian ấy bỗng vang ngân tiếng chim tu hú gọi bầy và âm thanh da diết đó đã khơi gợi niềm khát vọng tự do cháy bỏng không thể kìm nén.
Nhan đề bài thơ “Khi con tu hú” đã gợi lại nhiều cảm xúc. Tiếng chim cất lên khiến cho nhân vật trữ tình thức tỉnh trong không gian chật hẹp. Chỉ với một âm thanh nhưng lại như chính tiếng lòng của tác giả. Tiếng chim tu hú gọi bầy cũng chính là tiếng gọi của cách mạng, của cuộc sống tự do. Chính tiếng chim càng khiến cho người chiến sỹ đang trong ngục tù bỗng cảm thấy khao khát sự tự do, khát vọng sống đối lập với hiện thực.
2. Bố cục và tóm tắt bài thơ Khi con tu hú:
Bố cục:
Phần 1 (6 câu đầu): Bức tranh mùa hè.
Phần 2 (4 câu cuối): Tâm trạng người chiến sĩ cách mạng.
Tóm tắt tác phẩm:
Bài thơ Khi con tu hú nêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng. Tiếng chim tu hú mở đầu và kết thúc bài thơ thể hiện sự thay đổi diễn biến tâm trạng của tác giả một cách hợp lí. Tiếng chim ấy đã tạo cho bài thơ sự mở đầu và kết thúc tự nhiên, gợi mở. Tiếng chim chính là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống, của tự do và hạnh phúc.
Giá trị nội dung, nghệ thuật:
– Tu hú gọi bầy cũng là khi đất trời chuyển sang hè, trong không gian lao tù bức bối, ngột ngạt, người chiến sĩ cách mạng đang rạo rực, thêm cháy bỏng niềm yêu sống, khao khát tự do. Tiếng tu hú kêu tác động đến tâm hồn nhà thơ vì nó gợi nhắc về mùa hè phóng khoáng, tưng bừng với bao cảnh sắc đối lập với cảnh tù chật chội.
– Thể thơ lục bát uyển chuyển, tự nhiên, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi, chuyển đổi tinh tế, khi thì trong sáng, tươi vui, khi thì dằn vặt, u uất. Chất thơ tự nhiên, dạt dào cảm xúc, chi tiết nghệ thuật “tiếng chim tu hú” là một sáng tạo độc đáo, giàu ý nghĩa, tạo điểm nhấn cho bài thơ.
3. Giới thiệu sơ lược về nhà thơ Tố Hữu:
Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã sáng tác được nhiều tập thơ, bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp của mình, trong đó phải kể đến: Từ ấy (bao gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng), tập thơ
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng bước vào một giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước, thơ Tố Hữu vẫn bám sát những bước đi và nhiệm vụ của cách mạng, của đời sống chính trị trên đất nước ta. Thơ Tố Hữu những năm chống Mĩ cứu nước mang đậm tính chính luận và cảm hứng sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca, tập trung thể hiện hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam. Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị: Tố Hữu là một chiến sĩ – thi sĩ. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự.
Nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng. Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu tâm tình, ngọt ngào tha thiết, kết tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại; gắn bó với vận mệnh của đất nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc.
4. Phân tích bài thơ khi con tu hú:
Tập thơ Từ ấy là tác phẩm đầu tay của nhà thơ Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1937 – 1946. Trong tập thơ có bài thơ Khi con tu hú rất nổi tiếng, được sáng tác vào năm 1939, khi ấy nhà thơ bị địch bắt giam tại lao Thừa Phủ – Huế. Bị giam cầm trong bốn bức tường, tâm trạng người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi cảm thấy ngột ngạt, trong lòng luôn hướng về bầu trời tự do bên ngoài. Nỗi ngột ngạt, u uất bị dồn nén đã biến thành niềm khát vọng tự do cháy bỏng khi ngoài song sắt nhà tù, nơi không gian tự do thoáng đãng bỗng vang lên tiếng chim tu hú gọi bầy.
Tựa đề của bài thơ không chỉ nói đến thời gian mà còn ẩn ý là một thời điểm bừng lên của thiên nhiên tạo vật bên cạnh đó chỉ khát khao hoạt động cách mạng của con người. Tiếng chim tu hú có tác động mạnh mẽ đến nhà thơ bởi lẽ nó báo hiệu một mùa hè đến và là biểu tượng cho sự bay nhảy được tự do, do đó có ảnh hưởng lớn đến nhà thơ khi đang bị giam cầm. Đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên vào hè thật tươi đẹp, đầy sức sống và thấy được những âm thanh sôi động ngày hè mà đặc biệt là tiếng chim tu hú đang cất lên để gọi bầy:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Âm thanh tiếng chim tu hú chính là dấu hiệu của mùa hè đến, của sự sống nảy nở, tiếng chim đã tác động đến tâm hồn người tù trẻ tuổi. Khi ở trong tù chật chội tối tăm tách biệt với thế giới bên ngoài nhà thơ lắng nghe tiếng chim rộn rã lắng nghe mọi âm thanh của cuộc đời bằng chính tâm hồn và trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ. Một tiếng chim cũng gợi cho nhà thơ cả một trời thương nhớ về những mùa hè của quê hương. Những âm thanh rạo rực và những hình ảnh tươi đẹp tràn đầy sức sống của mùa hè liên tục hiện lên trong kí ức của nhà thơ.
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không
Tiếng ve kêu tiếng ve ngân dài suốt thời thơ ấu, suốt những năm tháng học trò. Màu vàng của bắp, của nắng, màu xanh của trời tạo nên những mảng sắc màu lung linh rực rỡ của bức tranh quê. Thoang thoảng mùi hương lúa, hương thơm của trái chín đầu mùa. Đó là mùa hè mà nhà thơ được sống tự do giữa gia đình bè bạn và đồng chí. Phải gắn bó, yêu quê hương tha thiết mới hình dung ra được một bức tranh quê xứ Huế sống động như vậy
Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đặc biệt là tiếng chim tu hú rộn ràng, ước muốn thoát ra bên ngoài của người tù càng mạnh mẽ hơn:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết mất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Ở 4 câu thơ cuối trực tiếp bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của tác giả. Đó là tâm trạng đau khổ, bực bội, uất ức, ngột ngạt nhưng không hề tuyệt vọng, không bị gục ngã trước hoàn cảnh. Nhịp thơ đều đều, êm ái đến câu 8, 9 bỗng bị ngắt bất thường 6/2, 3/3; các từ ngữ, hình ảnh đang vui tươi, đến đây trở nên mạnh mẽ, dữ dội: đập tan phòng, chết uất, ngột… Tất cả đều thể hiện khát khao cháy bỏng muốn thoát khỏi cảnh tù ngục của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi khi đang phơi phới trên con đường cách mạng.
Mở đầu bài thơ bằng tiếng chim tú hú và kết thúc cũng bằng tiếng chim tu hú. Mỗi tiếng kêu của nó là một tín hiệu gợi nhắc về cuộc sống tự do và thân phận tù tội. Nếu ở đầu bài, tiếng chim tu hú là tiếng báo mùa, một thứ âm thanh hay và đẹp thì ở cuối bài, nó là một thứ âm thanh nhức nhối, thúc giục hành động. Tố Hữu đã rất tinh tế khi chỉ bằng tiếng chim báo mùa đã gợi tả được nhiều nỗi niềm, tâm sự, cảm xúc của người tù cộng sản… Nghe tiếng chim tu hú, tâm trạng của tác giả cũng chuyển biến từ niềm hân hoan trước mùa hè sôi động đến nỗi uất ức, bực tức, đau khổ khi bị giam cầm uổng phí và khát khao phá tan bức tường nhà giam ngột ngạt để trở về với cuộc sống tự do tươi đẹp. Bài thơ kết thúc bằng cách mở ra tiếng chim tu hú cứ kêu như giục giã những hành động sắp tới. Tiếng chim tu hú chính là tiếng gọi của tự do, của sự sống. Nó khiến cho người tù cách mạng phải bồn chồn, mong mỏi được thoát ra khỏi không gian ngột ngạt chốn lao tù để hòa mình vào thế giới của tự do. Sâu trong từng câu chữ hòa với tiếng chim tu hú là khát vọng được tự do trong một đất nước hòa bình độc lập.
Nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ là sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc – thể thơ lục bát, vừa uyển chuyển lại dễ hiểu dễ nghe. Nhịp thơ được ông biến chuyển linh hoạt, được ngắt nhịp đều đặn xúc cảm và tâm trạng của nhà thơ. Ngôn ngữ ông sử dụng cũng giản dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi, lời thơ da diết thể hiện niềm khát vọng cháy bỏng của người tù.
Khi con tu hú của Tố Hữu đã dựng lên bức tranh ngày hè thật đẹp đẽ với đầy đủ âm thanh và sắc màu. Tất cả đều toát lên một sức sống cực kì mãnh liệt. Tình cảm trong bài thơ được nhà thơ thể hiện sâu sắc và da diết qua thể thơ lục bát mộc mạc. Bài thơ là tình yêu cuộc sống tha thiết, sâu nặng của nhà thơ và niềm khao khát tự do tới cháy bỏng của người tù cách mạng.