Viết về tình cảm gia đình đặc biệt về người bà tần tảo, yêu thương đứa cháu của mình ta không thể không nhắc đến bài thơ " Đò lèn " của Nguyễn Duy. Hãy cùng tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, chủ đề của bài thơ Đò lèn.
Mục lục bài viết
1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy:
1.1. Tác giả Nguyễn Duy:
Nguyễn Duy sinh năm 1948, tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, được sinh ra tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, thị xã Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông từng chiến đấu ở chiến trường nổi tiếng ác liệt nhất thời chống Mỹ như Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị.
Thơ của ông hướng tới cái đẹp của cuộc sống giản dị quanh ta, phát hiện trong thế giới quen thuộc ấy sự đúc kết của những giá trị vĩnh hằng, những xúc cảm chân thành, những suy tư sâu sắc được diễn tả bằng một hình thức thơ vừa giàu tính cách dân gian vừa phẳng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông.
Nguyễn Duy là một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông là gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ có lòng yêu nước sâu sắc trong thời kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng ông vẫn không ngừng nghỉ sáng tác.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Duy: Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Ánh Trăng, Sông Thao, Đèn Lò, Bát nước ngô của mẹ,…
1.2. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đò lèn:
Đò Lèn là tên địa danh, quê ngoại của tác giả. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy sống với bà ngoại.
Bài thơ Đò lèn được viết vào năm 1983, trong một dịp tác giả trở về quê ngoại, trở về với những hình ảnh bình dị mà vô cùng gần gũi với người bà ngoại đáng kính của mình.
Bài thơ Đò Lèn viết về bà ngoại cùng những ký ức tuổi thơ gắn liền với địa danh thân thiết. Bài thơ ra đời vào tháng 09/1983. Đây cũng là thời điểm văn học có những bước chuẩn bị đổi mới. Đò Lèn ra đời sự báo sự trỗi dậy của ý thức tự nhìn lại bản thân, hướng tới xác lập những giá trị nhân bản trong văn học thời đại mới.
” Đò Lèn” được in trong tập Ánh trăng
2. Chủ đề của bài thơ Đò Lèn:
Mặc dù đã muộn những người cháu vẫn nhớ mãi hình ảnh người bà lam lũ, tần tảo giữa cuộc đời bên cạnh sự vô tư đến vô tâm của mình. Đồng thời thể hiện sự thức tỉnh của người cháu trước quy luật đơn giản mà nghiệt ngã của cõi người đời, để càng đau đớn, tiếc xót vì bà.
3. Nội dung chính và nghệ thuật của bài thơ Đò Lèn:
3.1. Bố cục:
Phần 1 (5 khổ đầu): Người cháu nhớ những ký ức của tuổi thơ, nhớ lại hình ảnh người bà tảo tần, lam lũ sớm hôm, vất vả nuôi mình khôn lớn.
Phần 2 (còn lại): Sự thức tỉnh, hối tiếc, ân hận muộn màng của người cháu khi đã vô tâm, không thấu hiểu nỗi cơ cực của bà.
3.2. Giá trị nội dung bài đò lèn:
Bài thơ “Đò Lèn” đã tái hiện lại những ký ức đẹp đẽ của thời thơ ấu và hình ảnh người bà ngoại tảo tần, lam lũ vất vả để nuôi dạy đứa cháu của mình, đồng thời bày tỏ tấm lòng yêu quý và rất mực kính trọng của người cháu đối với người bà đã mất.
Là sự thức tỉnh, ân hận, hối tiếc muộn màng của người cháu khi thời thơ ấu đã vô tư, vô tâm, không thấu hiểu được sự vất vả, cơ cực của người bà.
3.3. Giá trị nghệ thuật bài thơ Đò lèn:
– Có sự hòa quyện hài hòa giữa tính cách dân gian và phong vị cổ điển.
– Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị, chân thật và gần gũi với cuộc sống đời thường, mang nét hỏm hỉnh dân gian.
– Với thể thơ 8 chữ, không viết hoa chữ cái đầu đã tạo lên nét độc đáo mới mẻ của bài thơ.
4. Các mẫu mở bài và kết bài bài thơ Đò lèn:
4.1. Mẫu mở bài:
Mẫu số 1
Với đứa cháu từ nhỏ đã được sống trong tình yêu thương và bao bọc của người bà ngoại vô cùng đáng kính thì chắc chắn rằng, dù cho mãi sau này thì trong Nguyễn Duy luôn chan chứa hình ảnh đầy kính mến của người bà. Đó cũng là lý do, khi trở về quê ngoại Đò lèn, hàng loạt những hình ảnh gần gũi hiện lên, người bà tần tảo sớm lo giống như người cha người mẹ lo cho cháu từng miếng ăn giấc ngủ luôn hiện về. Và cũng bởi những kỷ niệm gắn bó ấy mà bài thơ Đò lèn đã được ra đời. Cảm nhận bài thơ để thấy Nguyễn Duy đã dành tình cảm trân trọng như thế nào dahf cho người bà của mình.
Mẫu số 2
Đề tài về người bà đã được rất nhiều nhà thơ khai khác, trong đó chúng ta không thể quên hình ảnh ngoại lam lũ, vất vả lo toan cho người cháu trong bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy. Khi lớn lên, có biết bao nhiêu thứ thay đổi ngay cả bản thân con người, nhưng trong thế giới của Nguyễn Duy vẫn là Đò lèn – nơi mà nuôi nấng cậu bé và những tháng ngày được sống hạnh phúc bên người bà ngoại đáng kính của mình. Hai tiếng ấy gợi lên trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm song đối với tác giả lại là cả một tuổi thơ, nơi tình cảm yêu thương luôn đong đầy và những hoài niệm sâu sắc trong bao lớp người Thanh Hóa.
Mẫu số 3
Là một trong những gương mặt trẻ của làn thơ mới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, khác với lối thơ ngang tàn bụi bặm của Phạm Tiến Duật thì Nguyễn Duy lại đi theo lối thơ đằm thắm, mang nặng tình nghĩa yêu quê hương và gia đình. Cũng chính bởi vậy mà bài thơ Đò Lèn ra đời như thước phim ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ êm đẹp của tác giả bên cạnh người bà ngoại thân thương của mình. Bài thơ không chỉ hoài niệm về một thời bên bà thật hạnh phúc còn lưu dấu ấn quê hương nơi tác giả được lớn lên trong tình yêu thương của bà của làng xóm.
4.2. Mẫu kết bài:
Mẫu số 1
Đò Lèn không chỉ là bài thơ viết về tình cảm bà cháu thân thương, trìu mến mà nó còn là dấu ấn nơi tác giả sinh ra và có một tuổi thơ êm đẹp. Mảnh đất thanh bình ấy hiện diện trên những trang thơ thật tha thiết thắm đượm tình người. Nó là nơi đã bao bọc đứa trẻ thơ mất mẹ từ sớm để rồi được lớn lên trong vòng tay đầy ắp yêu thương của người bà ngoại kính mến. Dù sau này có đi đâu thì nơi ấy vẫn mãi là quê hương là nơi không thể nào quên được của tác giả.
Mẫu số 2
“Đò Lèn” là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Duy. Cùng với “Bếp lửa” của Bằng Việt, bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy là bông hoa nghệ thuật tô đẹp hình tượng người bà kính yêu trong mỗi gia đình Việt Nam chúng ta. Hơn mười địa danh được nhà thơ nhắc đến đã làm cho ý nghĩa bài thơ thêm đẹp và sâu sắc: tình yêu bà, yêu gia đình gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. Đây là một bài thơ đầy cảm động về tình cảm của người bà dành cho người cháu. Dẫu những năm tháng chiến tranh còn đầy gian khổ nhưng vẫn còn đó y nguyên hình ảnh người bà vất vả lam lũ nuôi cháu khôn lớn trong tình yêu thương vô bờ bến mà Nguyễn Duy gửi gắm tới bạn đọc qua bài thơ Đò Lèn.
Mẫu số 3
Nhan đề bài thơ là Đò Lèn, mà cả bài không hề nhắc đến con đò hay con sông, hay bến đò…phải chăng, Đò Lèn vừa chính là địa danh nơi tác giả lớn lên và có một tuổi thơ em đẹp, vừa là hình tượng nghệ thuật biểu tượng cho người bà ngoại vất vả, lam lũ, tảo tần khuya sớm, cho quê hương, cội nguồn, cho những giá trị tinh thần sâu nặng đọng lại trong lòng Nguyễn Duy…Để rồi, giờ đây khi thời gian chẳng kịp đợi ta trưởng thành, những ký úc êm đẹp ấy đành phải ngậm ngùi khi cạnh vẫn còn đó nhưng người thì không. Có lẽ trong lòng tác giả luôn khao khát được sống lại những cảm xúc của ngày thơ bé ấy nhưng tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm. Bài thơ cũng như nhắc khéo mỗi chúng ta hãy trân trọng những khoảnh khắc được sống bên cạnh những người thân yêu của mình, trân trọng những khoảnh khắc được sống tại vùng đất yên bình nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
Mẫu số 4
Bà đã ra đi và đã mang theo tất cả những kí ước tuổi thơ tươi đẹp nhất của người cháu, để khi đã trở thành người lính thì tình yêu của bà đã trở thành sức mạnh của cháu để rồi cháu cầm súng chiến đấu để bảo vệ những gì đẹp đẽ nhất của đất nước của quê hương. Có lẽ đây cũng chính là sự tiếp nối sự sống có ý nghĩa nhất. Đò Lèn của Nguyễn Duy đã thể hiện rất sâu sắc với tình cảm của người cháu dành cho bà, đồng thời qua đó hồi ức của nhà thơ cũng đã đưa chính người đọc về với tuổi thơ của mình để ta nhận ra được những giá trị đích thực của cuộc đời, để biết yêu thương và trân trọng hơn.